HTX chăn nuôi bò Ân Phú - HTX đi đầu trong chăn nuôi bò liên kết chất lượng cao
- Thứ năm - 10/03/2016 21:09
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Việc phát triển mô hình kinh tế HTX đã mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người nông dân tại một huyện nghèo miền núi, điển hình trong số đó có HTX chăn nuôi bò Ân Phú - HTX đi đầu trong chăn nuôi bò liên kết chất lượng cao.
Ân Phú là một xã hạ huyện Vũ Quang, có 5 đơn vị thôn xóm với 533 hộ dân, được chia thành 33 tổ liên gia, trong đó khoảng 380 hộ chăn nuôi bò, chiếm 70% tổng số hộ dân. Tổng diện tích tự nhiên 922 ha, trong đó diện tích đất nông nghiệp 298 ha chiếm 32%, đất lâm nghiệp 464 ha. Nếu như lợi thế của huyện Vũ Quang là phát triển kinh tế vườn đồi, trồng cây ăn quả, xây dựng trang trại chăn nuôi tập trung thì xã Ân Phú có thiên nhiên không ưu đãi, diện tích vườn đồi, lâm nghiệp ít, chủ yếu núi đá, độ dốc cao, việc bố trí trồng cây ăn quả và chăn nuôi tập trung quy mô lớn gặp rất nhiều khó khăn. Do vậy, Đảng bộ và nhân dân xã Ân Phú xác định tập trung chăn nuôi bò, chăn nuôi lợn nông hộ liên kết thông qua tổ hợp tác, hợp tác xã là hướng đi trong phát triển sản xuất nâng cao thu nhập.
Hiện nay, xã Ân Phú có khoảng 1.000 con bò, tỷ lệ đàn bò lai khoảng 45%, hiện đang thực hiện theo chương trình chăn nuôi bò thịt chất lượng cao theo hướng liên kết, do Hội Nông dân tỉnh và Tổng công ty Khoáng sản thương mại Hà Tĩnh phối hợp triển khai.
Ông Đoàn Đình Liệu - Giám đốc HTX bò Ân phú cho biết: Thời gian qua được sự giúp đỡ, hỗ trợ trực tiếp của Hội Nông dân các cấp và sự chỉ đạo của Đảng ủy, chính quyền xã Ân Phú, Hợp tác xã chăn nuôi bò đã được thành lập với 28 thành viên, quy mô khi thành lập là 85 con bò, diện tích trồng cỏ tập trung là 2 ha, ngoài ra còn trồng tại các vườn hộ khoảng 3 ha.
HTX ra đời đã nhận được sự hỗ trợ từ chính sách khuyến khích phát triển sản xuất của tỉnh, huyện với mức 15 triệu đồng/hộ đối với hộ nuôi quy mô 5 - 10 con và 25 triệu đồng/hộ đối với hộ nuôi quy mô trên 10 con bò nái sinh sản. Hội Nông dân tỉnh hỗ trợ nguồn vốn vay là 450 triệu đồng với lãi suất ưu đãi. Đây là những nguồn lực hết sức quan trọng làm cơ sở, tiền đề ban đầu cho HTX tiếp tục đầu tư sản xuất kinh doanh.
Trong quá trình hoạt động, HTX xác định rằng để nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh thì HTX phải liên kết với doanh nghiệp, qua đó để ứng dụng khoa học công nghệ, lai tạo giống mới có chất lượng, hiệu quả cao, áp dụng quy trình kỹ thuật và đảm bảo đầu ra ổn định cho sản phẩm. Đến nay, tổng đàn bò của HTX 250 con, trong đó 5 hộ quy mô nuôi trên 10 con, số còn lại quy mô nuôi từ 5 con trở lên, tập trung chủ yếu là bò nái trong giai đoạn sinh sản. HTX đã phối giống nhân tạo cho 28 con bò nái nền gồm các loại tinh chất lượng cao như: Charolai, 3B, Red Angul, Limuxin và Bratman, toàn bộ tinh và công dẫn tinh được Tổng công ty Mitraco hỗ trợ hoàn toàn. Dự kiến HTX sẽ phối giống chất lượng cao cho tổng đàn bò khi bò đến giai đoạn động dục và theo kế hoạch tháng 3/2016 sẽ có những con bê lai được sinh ra.
Đi cùng với việc liên kết sản xuất, HTX quan tâm, chú trọng bồi dưỡng nâng cao trình độ cho đội ngũ Ban quản lý HTX, cũng như nâng cao kiến thức kỹ thuật cho các thành viên. Trong năm qua, HTX đã đề xuất và được Trung tâm dạy nghề và hỗ trợ nông dân - Hội Nông dân tỉnh, dự án SRDP tổ chức tập huấn về kỹ thuật trồng cỏ, chăn nuôi, thú ý, kiến thức tiếp cận thị trường, phát triển kinh tế tập thể, kinh tế hộ.
HTX chăn nuôi bò Ân Phú đi đầu trong việc chuyển đổi phương pháp chăn nuôi theo truyền thống, sang chăn nuôi bò chất lượng cao theo hướng hàng hóa, thực hiện theo hướng đi của tỉnh nhà trong đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp.
Dưới sự chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền và sự giúp đỡ, động viên của Hội Nông dân các cấp và các ban, ngành, đoàn thể liên quan; thời gian tới Hợp tác xã sẽ tiếp tục mở rộng quy mô sản xuất, tiếp tục cải tạo và xây mới chuồng trại, tăng số lượng đàn nái nền có thể trạng tốt để phối giống, tiếp tục mở rộng diện tích trồng cỏ, bên cạnh đó không ngừng nâng cao trình độ, kỹ năng quản lý điều hành, khoa học kỹ thuật cho các thành viên HTX.
HTX phấn đấu phát triển bền vững, đưa lại hiệu quả kinh tế cao và là mô hình kiểu mẫu để cán bộ, hội viên nông dân toàn tỉnh nghiên cứu, tham quan, nhân rộng mô hình./.