Vũ Quang: Nâng cao hiệu quả từ trồng cam theo mô hình Vietgap

Để nâng cao năng suất, chất lượng và hiệu quả kinh tế trong sản xuất cam mang tính bền vững, hướng tới nền sản xuất an toàn giúp thương hiệu cam Vũ Quang vươn tới những thị trường lớn, thời gian qua Trung tâm khuyến nông Hà Tĩnh đã phối hợp với Trung tâm ứng dụng KHKT& cây trồng vật nuôi huyện, Hội nông dân huyện xây dựng thành công mô hình thâm canh vườn cam đạt tiêu chuẩn VietGap. Chương trình được thực hiện tại xã Đức Lĩnh với 10 hộ tham gia, quy mô mỗi hộ 1ha.
Mô hình trồng cam theo tiêu chuẩn Vietgap ở huyện miền núi Vũ Quang cho năng suất, chất lượng cao hơn so với cách sản xuất truyền thống


Sau khi chọn địa điểm, chọn hộ tham gia cam kết thực hiện mô hình, Trung tâm Khuyến nông tỉnh, Trung tâm ứng dụng KHKT& cây trồng vật nuôi huyện, Hội nông dân huyện tiến hành tập huấn cho các hộ nắm chắc quy trình kỹ thuật thâm canh, tổ chức sản xuất cam theo quy trình VietGAP, đáp ứng các tiêu chí về vệ sinh an toàn thực phẩm, điều kiện sản xuất từ khi trồng, chăm sóc và đóng gói sản phẩm theo quy định của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Đồng thời các hộ tham gia mô hình được hỗ trợ phân bón, thuốc bảo vệ thực vật. Ngoài ra, trong quá trình triển khai mô hình, các chủ vườn còn được đi tham quan một số mô hình thành công ở trong và ngoài tỉnh.
Qua 1 năm áp dụng quy trình VietGAP, 10ha cam ở huyện Vũ Quang sinh trưởng, phát triển tốt, mẫu mã quả đẹp, vườn cam được dọn dẹp sạch sẽ, các hệ thống tưới tiêu, phun thuốc, bón phân,… được đồng bộ hóa và đặt đúng nơi quy định. Năng suất tăng từ 15 - 20%, góp phần tăng thu nhập cho các hộ tham gia mô hình, đồng thời là nơi để người trồng cam trong và ngoài huyện tham quan, trao đổi kinh nghiệm.
Đến nay, cả 10 vườn cam tham gia mô hình đều được cấp giấy chứng nhận VietGAP, ngoài ra còn thành lập được Tổ hội sản xuất cam VietGAP thôn Thanh Bình, góp phần đưa thương hiệu cam Vũ Quang có chỗ đứng vững chắc trên thị trường và ngày càng vươn tới những thị trường tiêu thụ lớn.
 
Tin, ảnh: Lê Thủy (Đài Vũ Quang)