Vũ Quang phấn đấu có thêm 200 ha cam trồng theo tiêu chuẩn VietGap

Vũ Quang phấn đấu có thêm 200 ha cam trồng theo tiêu chuẩn VietGap
Là một trong những vựa cam lớn nhất Hà Tĩnh, Vũ Quang đang tập trung xây dựng các mô hình trồng theo tiêu chuẩn VietGap và phấn đấu trong năm 2020 này địa phương sẽ có thêm 200 ha theo hướng thâm canh, an toàn này...

Vườn cam trồng theo mô hình VietGap của anh Nguyễn Công Thành ở thôn Thanh Bình, xã Đức Lĩnh vụ thu hoạch 2019 cho lợi nhuận gần 400 triệu đồng.

Sau hơn 3 năm đi vào sản xuất, mô hình cam 10ha/10 hộ của Tổ hợp tác (THT) sản xuất cam an toàn theo hướng VietGAP tại thôn Thanh Bình, xã Đức Lĩnh đã phát huy tốt hiệu quả, từng bước khắc phục được những vấn đề hạn chế trong kỹ thuật, chi phí đầu tư, tư duy sản xuất, năng suất và chất lượng sản phẩm...

Anh Nguyễn Tiến Hoàng - Tổ trưởng THT cho biết: “Để phát triển sản xuất, các thành viên thường xuyên trao đổi kinh nghiệm, thảo luận ý kiến, tổng hợp đánh giá tình hình, và nhất là tuân thủ nghiêm ngặt các quy trình sản xuất. Nhờ vậy, sản lượng các vườn cây đã đạt 10-12 tấn/ha (cao hơn mặt bằng chung 2-3 tấn/ha), giá bán từ 30 -32 ngàn đồng/kg (cao hơn bình quân chung 4-6 ngàn đồng), mang về nguồn lợi nhuận cho các thành viên trong tổ từ 200- 400 triệu đồng/năm...”

Các vườn cam trồng theo mô hình VietGap ở thôn Thanh Bình đều được chăm sóc, bảo vệ đúng quy trình nên chất lượng ngon, năng suất cao, cạnh tranh tốt trên thị trường...

Ông Nguyễn Xuân Thê - Bí thư, Chủ tịch UBND xã Đức Lĩnh cho hay: "Hiện nay, toàn xã đang có 817ha cam, trong đó 23 ha đạt tiêu chuẩn theo hướng Vietgap đã được cấp có thẩm quyền công nhận.

Từ hiệu quả thực tế trong sản xuất, chúng tôi đang tập trung chỉ đạo, khuyến khích, hỗ trợ người dân nhân rộng diện tích sản xuất cam thâm canh theo hướng an toàn này, phấn đấu đến 2025 sẽ xây dựng được 15 mô hình với diện tích 150ha, riêng năm nay sẽ có thêm 30 ha...”.

Cam sạch Vũ Quang được bảo hộ thương hiệu, có thể truy xuất nguồn gốc và luôn được đánh giá cao trong các hội chợ, lễ hội các mặt hàng nông sản

Đến thời điểm này, toàn huyện đã có 2.486 ha, trong đó có 193ha/29THT trồng cam được công nhận đạt chuẩn, 5 sản phẩm đạt 3 sao OCOP cấp tỉnh và đang có dấu hiệu sẽ tăng nhanh. Trong số trên có thể kể đến: THT số 3 Đức Liên (10ha), THT số 1 Đức Liên (9,5ha), THT thôn 8 Đức Bồng (7ha), THT thôn 2 Bồng Giang (7ha)...

Để nhân rộng mô hình trồng cam VietGap, huyện Vũ Quang cũng đã kịp thời ban hành các chủ trương, chính sách phù hợp, sát đúng, đồng thời tích cực tuyên truyền, vận động, hướng dẫn dân nhân dân ứng dụng các tiến bộ khoa học, kỹ thuật vào sản xuất. Các mô hình đã được tư vấn ứng dụng tiến bộ khoa học vào sản xuất như: Hệ thống tưới thông minh, áp dụng các loại giống cây ăn quả có năng suất, chất lượng cao vào sản xuất, áp dụng quy trình truy xuất nguồn gốc của sản phẩm...

Trong các vườn cam VietGap, người làm vườn đã từng bước hạn chế sử dụng các loại hóa chất độc hại, thay vào đó là sử dụng phế phẩm sinh học, vôi bột, phân chuồng để chăm sóc.

Ông Phạm Quốc Thanh - Phó Chủ tịch UBND huyện Vũ Quang thông tin thêm: “Thời gian tới, chúng tôi không khuyến khích nhân dân mở rộng diện tích trồng cam mới mà tập trung xây dựng các mô hình cam VietGap để từng bước xây dựng thương hiệu “Cam Vũ Quang”, tăng giá trị sản xuất, nâng cao chất lượng và tính cạnh tranh cho sản phảm, đảm bảo quy hoạch sản xuất... Riêng năm 2020 này, chúng tôi đưa ra kế hoạch và chuẩn bị tốt các vấn đề có liên quan để phấn đấu sẽ có thêm 200 ha cam nữa được công nhận đạt tiêu chuẩn VietGap”.