Vũ Quang phát triển rừng trồng phục vụ nhà máy sản xuất gỗ lớn nhất Hà Tĩnh
- Thứ bảy - 28/03/2020 04:19
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Nhà máy sản xuất gỗ MDF, HDF Thanh Thành Đạt có tổng mức đầu tư hơn 1.500 tỷ, công suất từ 120 – 156.000m3/năm vừa mới đi vào hoạt động được xem là động lực quan trọng để Vũ Quang phát triển rừng nguyên liệu.
Là xã đóng chân của Nhà máy sản xuất gỗ MDF, HDF Thanh Thành Đạt, ngay khi mới khởi công xây dựng, chính quyền và Nhân dân xã Thọ Điền đã chú trọng đến công tác phát triển rừng sản xuất.
Việc lựa chọn cây giống, công tác chăm sóc, ứng dụng tiến bộ KHKT, đầu tư cơ sở hạ tầng ban đầu, ý thức phòng chống cháy rừng... đã được quan tâm hơn trước. Nhờ vậy đã tạo được nhiều chuyển biến tích cực trong sản xuất và nâng cao thu nhập, đời sống cho người dân.
Keo tràm được nhà máy thu mua trên địa bàn Vũ Quang và các vùng lân cận về tập kết tại bãi nguyên liệu phục vụ sản xuất.
Ông Nguyễn Đăng Nhàn - Chủ tịch UBND xã Thọ Điền cho biết: “Hiện, toàn xã chúng tôi đang có 3.200 ha rừng sản xuất với hơn 600 hộ tham gia trồng (chiếm hơn 1/2 số hộ trên địa bàn). Bình quân mỗi năm, rừng nguyên liệu mang về nguồn thu từ 9,6-10 tỷ đồng cho người trồng.
Nhà máy đi vào hoạt động thì nguồn nguyên liệu đầu vào cần nhiều; quỹ đất rừng sản xuất của địa phương lớn, cây keo tràm dễ trồng và chăm sóc, hiệu quả kinh tế từ rừng sản xuất mang lại khá cao... do đó, chúng tôi đã xem đây là một trong những hướng đột phá quan trọng thời gian tới”.
Người dân Hương Minh thu hoạch keo tràm bán cho Nhà máy sản xuất gỗ MDF, HDF Thanh Thành Đạt
Thực tế cũng cho thấy, thời gian gần đây, Vũ Quang đã có nhiều chính sách khuyến khích phát triển lâm nghiệp để từng bước đưa các tiềm năng, lợi thế của vùng phục vụ cho công cuộc phát triển KT-XH và đảm bảo an sinh, đời sống cho Nhân dân.
Người dân cũng đã quan tâm hơn đến sản xuất lâm nghiệp, luôn liên hoàn trồng mới, trồng lại rừng ngay sau khi khai thác. Qua đó vừa duy trì được độ che phủ rừng, bảo vệ môi trường, vừa tăng chu kỳ sản xuất, tạo việc làm thường xuyên, thu nhập ổn định cho người trồng.
Người dân tổ dân phố 6, thị trấn Vũ Quang phát dọn thực bì trồng keo vụ xuân năm 2020
Ông Tôn Quang Thanh - Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm Vũ Quang thông tin: “Hiện nay, trên địa bàn Vũ Quang có gần 13.850 ha rừng sản xuất, trong đó các xã có nhiều diện tích rừng trồng nhất là Thọ Điền, Hương Minh, thị trấn Vũ Quang và một số địa phương khác.
Chỉ tính riêng từ đầu năm 2019 đến tháng 3 năm nay, toàn huyện đã khai thác được 671 ha keo tràm, trữ lượng gỗ đạt 53.674 m3, mang về cho người trồng hàng chục tỷ đồng. Ngoài ra, trên địa bàn hiện vẫn còn 1.181ha rừng trồng sắp đến kỳ khai thác đang được người dân tập trung chăm sóc”.
Cũng theo Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm Vũ Quang, trên địa bàn hiện chưa có dự án trồng rừng gỗ lớn nào nhưng phấn đấu từ 2020-2025 sẽ có khoảng 1.000 ha rừng gỗ lớn để cấp chứng chỉ FSC (rừng bền vững) tại các xã có diện tích rừng sản xuất lớn nhất huyện.
Dù diện tích chưa nhiều, chưa quy hoạch vùng tập trung nhưng tại một số nơi trên địa bàn Vũ Quang người dân đã bắt đầu có ý thức trồng rừng gỗ lớn để nâng cao giá trị sản xuất (ảnh chụp ở xã Đức Liên).
Ông Phạm Quốc Thanh - Phó Chủ tịch UBND huyện Vũ Quang cho biết: “Để phát triển rừng sản xuất phục vụ nguồn nguyên liệu cho máy Thanh Thành Đạt, vừa giúp người dân gần rừng cải thiện thu nhập, nâng cao đời sống, chúng tôi đã ban hành Đề án phát triển trồng rừng sản xuất phục vụ nguyên liệu chế biến.
Trong đề án này đã xác định rõ được nhu cầu, lợi thế và xây dựng nhiệm vụ, giải pháp cụ thể để phấn đấu đến năm 2025 sẽ có vùng nguyên liệu gỗ rừng trồng đạt 5.505 ha, trong đó có 485 ha cho sản phẩm với sản lượng 48.500 tấn, mang về nguồn thu khoảng 50 tỷ đồng mỗi năm”.
Theo Tiến Dũng/baohatinh.vn