05:37 EDT Thứ bảy, 20/04/2024
CHỦ ĐỀ HỌC TẬP VÀ LÀM THEO TẤM GƯƠNG ĐẠO ĐỨC HCM CỦA VP ĐIỂU PHỐI NTM HÀ TĨNH "GƯƠNG MẪU, CHỦ ĐỘNG, TÂM HUYẾT, KHOA HỌC, HIỆU QUẢ"

Menu Hệ thống

Tư vấn chính sách
Văn bản Pháp luật
Văn bản Pháp luật
Điều hành tác nghiệp Hà Tĩnh
Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn
Cổng Thông tin Điện tử Hà Tĩnh
Công báo Hà Tĩnh
Báo Nông nghiệp Việt nam
Khuyến nônng Việt Nam
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Tĩnh

TRANG CHỦ » Tin Tức » Nhà nông cần biết


Đối tác chiến lược ngành in bạt quảng cáo

in bạt hiflex - in decal pp - in decal ngoài trời - in băng rôn

Chung tay gỡ khó cho sản xuất và đời sống

Chủ nhật - 15/03/2020 03:33
Thực hiện Chỉ thị số 11 của Thủ tướng một cách khẩn trương, các cơ quan chức năng trên cả nước đã và đang chung tay triển khai những giải pháp cấp bách để gỡ khó cho sản xuất kinh doanh trong lúc dịch Covid-19 diễn biến phức tạp.

Nhất là khi tổ chức y tế Thế giới - WHO tuyên bố Covid-19 là đại dịch toàn cầu.

02.jpg
Hiện, siêu thị Hà Nội hàng hoá đầy ắp, nhu yếu phẩm dồi dào.

Đủ thực phẩm cung cấp cho nhân dân

Ngay khi xuất hiện ca mắc Covid-19 thứ 17, tại Hà Nội và một số địa phương, nhiều người dân hoang mang, lo lắng… họ tích trữ thực phẩm khiến giá cả tăng vọt, thị trường láo loạn. Trong số đó cũng có nhiều người bình tĩnh nhận định tình hình: Việt Nam chúng ta là nước nông nghiệp, tự cung tự cấp được, sao có thể thiếu thực phẩm mà bà con phải lo tích trữ; dịch bùng phát trở lại vẫn trong tầm kiểm soát; các nước châu Âu trên 1.000 ca còn bình tĩnh đối phó, chúng ta mới có trên 40 ca sao đã lo cuống lên thế…

Để người dân thấy sự chủ động của cơ quan chức năng, bà Trần Phương Lan, Phó giám đốc Sở Công Thương Hà Nội, cho biết, ngay khi công bố dịch, Hà Nội đã và đang triển khai bình ổn thị trường với hơn 31.000 tỷ đồng, các đơn vị phân phối ở thành phố vẫn có lượng hàng đầy đủ, thậm chí tăng nguồn hàng hóa đến 30-50%.

Sở làm nhiệm vụ kiềm chế lạm phát, nên thường xuyên rà soát giá cả nhằm điều phối kịp thời về sản lượng hàng hóa; dự trữ hàng hóa, phân bổ lượng hàng như dầu ăn, trứng, muối, gạo… giao cụ thể cho từng đơn vị.

“Chúng tôi cam kết với người dân Hà Nội là luôn đủ hàng, không phải dự trữ hàng, đảm bảo đáp ứng đủ tiêu chuẩn, chất lượng và giá cả”, bà Lan cho hay.

Tại TP. Hồ Chí Minh, Sở Công Thương thành phố và các doanh nghiệp (DN) lương thực, thực phẩm và hệ thống phân phối trên địa bàn xác nhận đã chuẩn bị đầy đủ nguyên liệu để sản xuất, cung ứng cho thị trường trong thời gian dài và cam kết không điều chỉnh giá trong vài tháng tới.

Đặc biệt, các DN kêu gọi người tiêu dùng không nên mua hàng tích trữ bởi như vậy sẽ tạo sự khan hiếm giả, tạo điều kiện cho kẻ xấu lợi dụng đầu cơ, đẩy giá.

Ông Nguyễn Đăng Phú, Phó tổng giám đốc Công ty CP Việt Nam Kỹ nghệ Súc sản (Vissan), cho biết, khoảng 10 ngày nay, tiêu thụ đồ hộp của công ty tăng gần 100%, xúc xích tiệt trùng tăng 15 - 20%, hàng đông lạnh tăng trên 20%. “Vissan đã chuẩn bị đủ nguyên liệu cho sản xuất đến hết năm. Vài ngày gần đây, công ty phải tổ chức cho công nhân làm 3 ca để đáp ứng nhu cầu của thị trường”, ông Phú nói.

Bà Trần Thị Mỹ Vân, Chánh Văn phòng Tổng Giám đốc Công ty CP Acecook Việt Nam khẳng định, năng lực sản xuất của công ty có thể tăng hơn 30% so với bình thường. Hiện công ty vẫn sản xuất ổn định mỗi ngày và không tăng giá nên người tiêu dùng không nên quá lo lắng, tích trữ quá nhiều hàng hóa.

Công ty CP Kỹ nghệ Thực phẩm Việt Nam (Vifon) đã tạm cắt đơn hàng xuất khẩu để ưu tiên sản xuất cho thị trường nội địa dù đơn hàng xuất khẩu tăng 300% so với trước Tết.

Dù giá lúa gạo đang có xu hướng tăng nhưng các DN tham gia chương trình bình ổn thị trường mặt hàng này như Công ty CP Đầu tư Vinh Phát, Công ty CP Lương thực Thành phố, Công ty TNHH Lương thực Tấn Vương… vẫn duy trì lượng tồn kho lớn và giữ giá bán theo mức đã đăng ký. Trong đó, Công ty CP Đầu tư Vinh Phát đang trữ 50.000 tấn gạo để xuất khẩu nhưng sẽ ưu tiên bán cho thị trường nội địa. “Giá lúa gạo trên thị trường tăng nhưng chúng tôi cam kết giữ giá đến hết tháng 4, trường hợp thị trường không có biến động lớn thì sẽ giữ giá đến hết năm”, ông Trần Ngọc Trung, Tổng Giám đốc Công ty CP Đầu tư Vinh Phát, khẳng định.

Hiện, các DN phân phối lớn như Saigon Co.op, Big C, Lotte Mart, Aeon, MM Mega Market đang tăng trữ hàng hóa, xây dựng kịch bản dự trữ hàng bằng container, tiếp tục làm việc với các nhà cung cấp về kế hoạch đơn hàng, cùng với đó là linh hoạt tăng thời gian mở cửa bán hàng.

Ông Phạm Thành Kiên, Giám đốc Sở Công Thương TP. HCM, nhắc nhở DN không nên chủ quan với sức mua của thị trường. DN phân phối lẫn DN sản xuất phải liên lạc thường xuyên với nhau, cùng dự trữ đầy hàng trong kho để sẵn sàng cung ứng ra thị trường khi cần.

Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh nhấn mạnh, dù dịch bệnh hay không vẫn phải chủ động tình thế và tính toán phương án đảm bảo sự bền vững chuỗi cung ứng trong dài hạn. Việt Nam là quốc gia có năng lực sản xuất nhu yếu phẩm như dệt may, dầu ăn, mì ăn liền…, nên tình hình cực đoan này đặt ra yêu cầu cho nhà quản lý chính sách trong đảm bảo cung cầu và ổn định thị trường.

Nhiều tín hiệu tốt cho xuất khẩu nông sản, gia cầm

Theo Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ Nông nghiệp và PTNT), dịch bệnh Covid-19 đã tác động lớn đến xuất khẩu nông, lâm, thủy sản trong 2 tháng đầu năm 2020. 

Tổng giá trị xuất khẩu nông, lâm, thủy sản ước đạt 5,34 tỷ USD, giảm 2,8% so với cùng kỳ năm 2019. Trong đó, giá trị xuất khẩu các mặt hàng nông sản chính ước đạt 2,5 tỷ USD, giảm 4,3%; giá trị xuất khẩu chăn nuôi ước đạt 74 triệu USD, giảm 9,6%; giá trị xuất khẩu thủy sản 2 tháng đầu năm 2020 đạt 932 triệu USD, giảm 15,9%. 

Tuy nhiên, hoạt động xuất khẩu hàng nông sản, thủy sản… vẫn có nhiều tín hiệu tốt. Theo Bộ Nông nghiệp và PTNT, Cơ quan Kiểm dịch động thực vật Liên bang Nga vừa có thông báo chính thức cho phép nhập khẩu sản phẩm thịt gà chế biến từ Việt Nam. Điều này đồng nghĩa, sản phẩm thịt gà chế biến của Việt Nam cũng được xuất sang các nước trong Liên minh Kinh tế Á - Âu.

Trước đó, Cục Thú y Việt Nam đã chủ động, tích cực đàm phán với Cơ quan Kiểm dịch động thực vật Liên bang Nga về các yêu cầu vệ sinh thú y đối với thịt gà chế biến. Để có thể xuất khẩu được thịt gà chế biến vào các thị trường khó tính này, Việt Nam phải đáp ứng được các tiêu chuẩn chăn nuôi, giết mổ, chế biến thịt gà theo chuỗi, bảo đảm an toàn sinh học, an toàn dịch bệnh, an toàn thực phẩm, có truy xuất nguồn gốc.

DN đầu tiên được Cơ quan Kiểm dịch động thực vật Liên bang Nga cấp phép xuất khẩu sản phẩm thịt gà chế biến sang thị trường này là Công ty cổ phần Chăn nuôi CP Việt Nam. Việc thị trường xuất khẩu thịt gà chế biến được mở rộng thêm sang nhiều nước không những giúp nâng cao giá trị gia tăng của ngành chăn nuôi gia cầm Việt Nam, mà còn mở ra hướng đi mới cho người chăn nuôi gà, giảm bớt phụ thuộc vào thị trường trong nước; từ đó nâng cao vị thế của ngành chăn nuôi Việt Nam. 

Theo Thương vụ Việt Nam tại Úc, cần phải đa dạng hóa mặt hàng nông sản tươi xuất khẩu từ Việt Nam sang Úc, đặc biệt các mặt hàng không phải đàm phán mở cửa, có thể xuất khẩu ngay. Trong đợt làm việc với các nhà nhập khẩu tại Úc tuần qua, đại diện Thương vụ  cho rằng, măng tây tươi là mặt hàng nông sản phù hợp, có giá trị cao.

Hiện nay, măng tây Việt Nam vắng mặt tại thị trường Úc, trong khi Úc là quốc gia nhập khẩu nhiều măng tây, chủ yếu từ Mexico và Peru. Năm 2019, kim ngạch nhập khẩu măng tây vào Úc đạt gần 18 triệu USD. Trong khi đó, Việt Nam lại rất đa dạng về nguồn nông sản này, măng tây được trồng tại nhiều vùng ở Việt Nam như Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Thuận, Hà Nội… 

Thương vụ Việt Nam đã làm việc với nhà nhập khẩu tại Úc để sẵn sàng nhập măng tây từ Việt Nam ngay trong tháng 3 này và có kế hoạch nhập khẩu ổn định. Các nhà xuất khẩu, hợp tác xã, người nông dân trồng măng tây đáp ứng được các điều kiện về an toàn sinh học có thể tham gia. Thương vụ hy vọng việc tìm kiếm cơ hội đa dạng mặt hàng xuất khẩu (đặc biệt là không phải đàm phán mở cửa) sẽ giúp bà con nông dân bớt tập trung sản xuất quá lớn vào một số mặt hàng dẫn đến nhiều rủi ro khi có biến động.

Bộ Nông nghiệp và PTNT đề nghị doanh nghiệp giảm giá lợn hơi

Giá lợn hơi 75.000 đồng/kg là doanh nghiệp có lãi rất lớn. Bộ Nông nghiệp và PTNT đề nghị 17 tập đoàn lớn, doanh nghiệp chăn nuôi giảm giá lợn hơi xuống mức hợp lý. Đây là một giải pháp bảo vệ thị trường, bảo vệ ngành chăn nuôi phát triển bền vững.

01.jpg


 


Giá lợn hơi 75.000 đồng/kg là doanh nghiệp đã có lãi rất lớn. Bộ Nông nghiệp và PTNT đề nghị 17 tập đoàn lớn, doanh nghiệp chăn nuôi giảm giá lợn hơi xuống mức hợp lý.

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Nguyễn Xuân Cường đánh giá: “Qua kiểm tra thực tế tại Phú Thọ cho thấy, tới đây, chúng ta sẽ đáp ứng các nhu cầu tiêu dùng về thực phẩm, trong đó có thịt lợn. Đồng thời, sẽ đáp ứng được nhu cầu ở mức độ giá ngày càng được cải thiện, phù hợp cả cho người chăn nuôi và phù hợp cả cho người tiêu dùng”.

Bộ trưởng lưu ý, mặc dù đạt được kết quả bước đầu, tuy nhiên, dịch bệnh luôn luôn tiềm ẩn. Vì vậy, khuyến nghị bà con nông dân, kể cả các trang trại quy mô chăn nuôi vừa, lớn và các tập đoàn cần kiên trì, kiên quyết thực hiện tuân thủ đúng quy trình an toàn sinh học.

Giải thích nguyên nhân giá lợn hơi tăng cao hiện nay, ông Nguyễn Xuân Cường cho hay: Những DN mang tính chất định hướng hiện nay đang xuất bán 75 nghìn đồng/kg lợn hơi, ở một số điểm lẻ giá lợn hơi cao hơn, giá này phản ánh hai vấn đề.

“Thứ nhất, tại Trung Quốc hiện nay giá rất cao, do đó giá lợn hơi của Việt Nam cũng sẽ bị ảnh hưởng một phần. Bên cạnh đó, hậu quả của dịch tả lợn châu Phi năm 2019 làm giảm tổng đàn, lượng cung đang trong quá trình “phục hồi” cũng khiến giá thịt lợn tăng. Một điểm nữa là giá thành hiện nay của bà con sản xuất chăn nuôi cao hơn những năm trước, tuân thủ nghiêm ngặt quy trình thực hiện an toàn sinh học, kéo theo câu chuyện đó là giá thành cao. Thứ hai, trước mắt, giá con giống đang cao, chính vì thế mà nhìn chung giá lợn hơi hiện nay đang cao”, ông Cường nói.

Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường nhấn mạnh: “Thời gian tới, yêu cầu tất cả các DN lớn mang tính chất giá tham chiếu định hướng phải giảm giá xuống hơn nữa. Với mức giá 75.000 đồng/kg lợn hơi hiện nay là DN đã có lãi rất cao. Do đó, phải giảm xuống nữa để làm sao bảo vệ được thị trường và cũng phải hài hoà với xã hội của người tiêu dùng”.

Theo ông Nguyễn Xuân Cường, việc đưa giá lợn xuống mức hợp lý là một giải pháp bảo vệ thị trường, bảo vệ ngành chăn nuôi phát triển bền vững. “Chúng tôi yêu cầu dứt khoát 17 tập đoàn chăn nuôi lớn, doanh nghiệp lớn phải thực hiện theo khuyến nghị, theo yêu cầu của Chính phủ, của Bộ Nông nghiệp và PTNT. Đồng thời, các ngành phải tập trung đưa giá dần xuống mức hợp lý. Điều này không phải là phi kinh tế thị trường mà chính là nghệ thuật thị trường và phải bảo vệ thị trường, chăm lo thị trường. Khi người dân và xã hội ủng hộ thì ngành chăn nuôi mới phát triển bền vững” - Bộ trưởng phân tích.

Ngân hàng giảm lãi suất, hỗ trợ cho DN

Một số ngân hàng đã đưa ra các gói tín dụng, chương trình giảm lãi suất đối các doanh nghiệp hiện nay đang gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng nặng nền bởi dịch bệnh Covid-19.

Trước tình hình đó, ngành ngân hàng đã chỉ đạo các ngân hàng chủ động nắm bắt tình hình sản xuất kinh doanh, mức độ thiệt hại của khách hàng đang vay vốn do ảnh hưởng của dịch để kịp thời áp dụng các biện pháp hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho khách hàng như cơ cấu lại thời hạn trả nợ, xem xét miễn giảm lãi vay...

Vietcombank, BIDV, MB, VPBank, TPBank, KienlongBank, MSB, ACB, Sacombank, SHB... đã đưa ra các gói tín dụng, chương trình giảm lãi suất đối với các đối tượng bị ảnh hưởng bởi dịch cúm Covid-19.

Ước tính có khoảng 926.000 tỷ đồng dư nợ bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, chiếm khoảng 14,27% trên tổng dư nợ của 23 tổ chức tín dụng và chiếm khoảng 11,3% dư nợ cho vay toàn hệ thống.

Bước đầu ghi nhận từ các tổ chức tín dụng hỗ trợ cho trên 44.000 khách hàng với dư nợ khoảng 222.000 tỷ đồng thông qua các biện pháp như cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi vay các khoản nợ hiện hữu.

Ngân hàng Nhà nước chuẩn bị ban hành Thông tư hướng dẫn các tổ chức tín dụng cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi vay, giữ nguyên nhóm nợ cho các khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh.

Nghị định gia hạn thuế sẽ có hiệu lực ngay, không cần thông tư hướng dẫn

Ngày 4/3, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị 11/CT-TTg về các nhiệm vụ, giải pháp cấp bách tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, đảm bảo an sinh xã hội ứng phó với dịch COVID-19, tại điểm 1, Mục II của Chỉ thị có giao: Bộ Tài chính trình Chính phủ ban hành Nghị định về gia hạn nộp thuế và tiền thuê đất cho đối tượng chịu ảnh hưởng bở dịch COVID-19, báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong tháng 3/2020.

Ông Phạm Đình Thi, Vụ trưởng Vụ chính sách thuế cho biết, qua rà soát, đánh giá, tổng hợp ý kiến các bộ, ngành, các hiệp hội doanh nghiệp, các chuyên gia và thông tin báo chí, Bộ Tài chính đã xây dựng dự thảo Nghị định gia hạn thời hạn nộp thuế và tiền thuê đất nhằm kịp thời hỗ trợ cho các đối tượng hoạt động, sản xuất kinh doanh trong các ngành kinh tế chịu tác động trực tiếp của dịch COVID-19 .

Dự thảo Nghị định quy định áp dụng đối với doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân, nhóm cá nhân, hộ gia đình hoạt động sản xuất trong các ngành: Nông nghiệp, lâm nghiệp và thuỷ sản; Sản xuất, chế biến thực phẩm; Dệt; Sản xuất trang phục; Sản xuất giày, dép; Sản xuất sản phẩm từ cao su; Sản xuất sản phẩm điện tử, máy vi tính; Sản xuất, lắp ráp ô tô (trừ sản xuất, lắp ráp ô tô từ 09 chỗ ngồi trở xuống).

Doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân, nhóm cá nhân, hộ gia đình hoạt động kinh doanh trong các ngành: Vận tải đường sắt; Vận tải đường bộ; Vận tải đường thủy; Vận tải hàng không; Kho bãi và các hoạt động hỗ trợ cho vận tải; Dịch vụ lưu trú, dịch vụ ăn uống; Hoạt động của các đại lý du lịch, kinh doanh tua du lịch và các dịch vụ hỗ trợ, liên quan đến quảng bá và tổ chức tua du lịch cũng được gia hạn thời hạn nộp thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập cá nhân, tiền thuê đất.

Danh mục ngành kinh tế nêu trên được xác định theo Quyết định số 27/2018/QĐ-TTg ngày 6/7/2018 của Thủ tướng Chính phủ về Ban hành hệ thống ngành kinh tế Việt Nam.

Bộ Tài chính đề xuất thực hiện gia hạn thời hạn nộp thuế GTGT 5 tháng đối với số thuế GTGT phải nộp từ tháng 3 đến tháng 6 năm 2020 (nộp thuế trong tháng 4 đến tháng 7) thì số thu ngân sách nhà nước (NSNN) của các tháng đó giảm khoảng khoảng 22.600 tỷ đồng. Trong đó, số thuế GTGT giãn của doanh nghiệp theo ngành kinh tế: 11.700 tỷ đồng; số thuế GTGT giãn của doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ: 10.900 tỷ đồng).

Ông Lưu Đức Huy, Vụ trưởng Vụ Chính sách (Tổng cục Thuế) cho biết thêm: hiện có 99% các doanh nghiệp đã thực hiện khai và nộp thuế điện tử. Do đó, việc xác định doanh nghiệp thuộc đối tượng gia hạn thuế hay không là đơn giản, thậm chí các doanh nghiệp cũng có thể căn cứ vào các quy định và xác định được cho chính mình. Ngành Thuế cũng thực hiện rà soát kiểm tra theo phương pháp quản lý rủi ro, trường hợp không thuộc đối tượng được hoãn mà nộp chậm mới phải tính tiền phạt chậm nộp.

“Bộ Tài chính sẽ tiếp thu, hoàn chỉnh dự thảo nghị định, xin ý kiến thẩm định để sớm trình Chính phủ ký ban hành. Để hỗ trợ kịp thời cho doanh nghiệp, dự kiến Nghị định có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký. Đồng thời, Bộ Tài chính sẽ tiếp tục bám sát diễn biến của dịch bệnh cũng như ảnh hưởng cũng dịch bệnh đối với nền kinh tế để có những đề xuất chính sách phù hợp, hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp nhiều hơn”, đại diện cơ quan soạn thảo khẳng định.

 Vân Nhi/kinhtenongthon.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Từ khóa: n/a

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

 

Thư viện Hình ảnh



Thăm dò ý kiến

Đánh giá kết quả thực hiện Chương trình NTM nên theo chỉ tiêu nào?

Số xã về đích (đạt 19/19 tiêu chí)?

Tổng số tiêu chí đạt chuẩn?

Tổng mức độ tiến bộ của tất cả các tiêu chí (theo phương pháp chấm điểm)?

Phương án khác?

Thời tiết - Tỷ giá

Thống kê

Đang truy cậpĐang truy cập : 193

Máy chủ tìm kiếm : 3

Khách viếng thăm : 190


Hôm nayHôm nay : 34355

Tháng hiện tạiTháng hiện tại : 797557

Tổng lượt truy cậpTổng lượt truy cập : 59805880