09:52 ICT Chủ nhật, 08/09/2024
CHỦ ĐỀ HỌC TẬP VÀ LÀM THEO TẤM GƯƠNG ĐẠO ĐỨC HCM CỦA VP ĐIỂU PHỐI NTM HÀ TĨNH "GƯƠNG MẪU, CHỦ ĐỘNG, TÂM HUYẾT, KHOA HỌC, HIỆU QUẢ"

Menu Hệ thống

Tư vấn chính sách
Văn bản Pháp luật
Văn bản Pháp luật
Điều hành tác nghiệp Hà Tĩnh
Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn
Cổng Thông tin Điện tử Hà Tĩnh
Công báo Hà Tĩnh
Báo Nông nghiệp Việt nam
Khuyến nônng Việt Nam
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Tĩnh

TRANG CHỦ » Tin Tức » Tin tức nông thôn mới » Tin trong nước


Đối tác chiến lược ngành in bạt quảng cáo

in bạt hiflex - in decal pp - in decal ngoài trời - in băng rôn

Gọi hồn cho lúa tám xoan

Thứ sáu - 03/01/2020 22:23
Vẫn là cây lúa khổng lồ cao ngang với thân người ấy, bông dài mà mềm, thóc thưa mà nhỏ, cơm thổi lên trắng tựa như bông nhưng từ lâu đã bị mất hồn vía…

22 loại lúa tám

Lội trong ruộng lúa tốt bời bời ấy để khử lẫn, anh Định - cán bộ phòng nông nghiệp huyện Hải Hậu tỉnh Nam Định bảo với tôi rằng đơn vị mình đang được giao nhiệm vụ thu thập các mẫu tám xoan trên địa bàn. Có tới… 22 loại được trồng trong 22 ô riêng biệt nhưng chăm sóc như nhau để từ đó chọn lọc ra theo từng kiểu hình thái riêng biệt.

17-09-36_dsc_6703
Anh Định (phòng Nông nghiệp Hải Hậu) đang kiểm tra các ô thí nghiệm cấy lúa tám xoan.

Năm đầu tiên cấy 3 sào ở xã Hải Toàn về xát gạo ăn thử tất thảy đều nhăn mặt vì cơm quá khô lại không có mấy mùi thơm. Năm nay cấy tiếp 7 sào vừa thu xong đã hồi hộp đem nấu để rồi thất vọng vì vẫn khô như cũ. “Phải mất ít nhất 7 - 8 năm chọn lọc liên tục mà không tính toán đến tiền của may chăng mới tìm lại được đúng giống tám xoan của ngày xưa”, anh Định bộc bạch.

Năm 1992 khi mới ra trường về công tác ở xã Trực Đại (trước thuộc huyện Hải Hậu nhưng nay thuộc huyện Trực Ninh - PV) đúng vùng lúa tám, anh đã được thưởng thức một bữa nhớ đời. Bát cơm thổi lên trắng tựa như bông. Một nhà nấu cả mấy nhà lân cận đều biết bởi hương thơm loang trong gió. Từng hạt, từng hạt mềm, đậm đà nơi góc lưỡi, đầu môi. Cơm thừa tối hôm trước để ngày sau ăn vẫn còn ngon như mới nấu.

Thứ đặc sản từng được dân gian đúc kết: “Gạo tám xoan. Chim ra ràng. Cà cuống trứng” hay “Cơm tám ăn với chả chim. Chồng đẹp, vợ đẹp, những nhìn mà no”… đã hơn 20 năm nay anh không còn cảm nhận lại được nữa.

Tám xoan mỗi năm chỉ cấy được một vụ kéo dài cỡ 6 tháng. Hải An, Hải Toàn, Hải Châu, Hải Ninh, Hải Giang, Hải Đường…những xã vùng trũng của Hải Hậu rất thích hợp với cây lúa khổng lồ này. Có thời điểm toàn huyện trồng trên dưới 1.000ha. Quãng năm 2000 trở đi người ta bắt đầu chứng kiến sự lụi tàn của tám xoan khi không còn thơm hay dẻo nữa.

Trước đó mấy năm Bắc Thơm số 7 - một giống lúa Trung Quốc bắt đầu đổ bộ về Việt Nam, đánh bật tám xoan ra khỏi những vùng đất truyền thống của nó bởi mềm hơn, dẻo hơn, thơm hơn. Chỉ những diện tích nào ngập quanh năm, không thể cấy được bất kỳ giống lúa nào khác như Hải Đường thì may chăng mới còn lại tí chút.

17 năm về trước, có một dự án quốc tế đã định phục hồi lại tám xoan cho Hải Hậu bằng lối canh tác cổ truyền, bón phân chuồng, thu hoạch non và xay cối đá.

Năm 2003, Hiệp hội Gạo tám xoan Hải Hậu ra đời, chỉ trong thời gian ngắn đã thu hút được tới 439 hội viên tham gia với khoảng 100ha gieo cấy ở các xã Hải Đường, Hải Anh, Hải Phong, Hải Toàn, Hải An. Tổng kết dự án, các nhà khoa học mang máy móc về đo nắc nỏm khen gạo ngon, đại biểu ngồi dự bên dưới vỗ tay rần rần nhưng mang về nấu ăn thử thì cái mồm bảo điều ngược lại.

Bông lúa tám cổ ngỗng, hình dạng cây và hạt khá giống tám xoan.

Một kênh đài truyền hình của trung ương còn cầu kỳ hơn đặt hàng cho Hải Hậu sản xuất theo chuẩn hữu cơ rồi thu mua luôn gạo về ăn nhưng vẫn phải lắc đầu. Anh Định bảo vì thế mà sau này dù bất cứ ai nhờ mua hộ tám xoan cũng không dám nhận lời vì sợ… mang tiếng: “Thực tế tám hồi ấy phần lớn cũng chỉ là tám cổ ngỗng chứ chưa phải tám xoan. Chất lượng gạo kém, thời gian sinh trưởng dài mà năng suất chỉ đạt 80 - 90kg thóc/sào (360m2) khiến cho nông dân ngày càng thêm chán nản”.

Có chỉ dẫn địa lý, có thương hiệu là 1 trong 7 sản phẩm quốc gia được bảo hộ, 2 năm ngắn ngủi của dự án cũng không thể hồi sức cấp cứu được cho một đặc sản từng đem tiến vua. Bởi thế, hiệp hội tám xoan Hải Hậu tồn tại thoi thóp được đôi ba năm rồi cũng trở nên tan rã.

Toàn huyện Hải Hậu hiện chỉ còn cỡ 70ha tám xoan tập trung chính ở xã Hải Đường và một chút ở Hải Tây, Hải Long, Hải Sơn… Tổng sản lượng gạo tám xoan cỡ 150 - 200 tấn/năm, tiêu thụ chủ yếu ngay tại chỗ nhưng trên thị trường Hà Nội và các thành phố lớn lại ngập tràn hàng ngàn, hàng vạn tấn.

Ước tính trên 90% gạo gắn mác tám xoan Hải Hậu chính là Bắc Thơm số 7. Nhưng nghịch lý ở chỗ mua phải gạo bị mạo danh còn là… may mắn bởi ăn ngon chứ mua phải đúng tám xoan thì chỉ có nước “ngậm bồ hòn làm ngọt”.  

Sở dĩ có tên là lúa tám bởi gặt non khi chín sáp tám phần, phơi khi tám phần khô, xát tám phần khi hạt gạo còn hơi ngà xanh chứ không bóc hết lớp cám.

Pha trà bằng thân cây lúa

Anh Vinh ở Công ty Nông sản Tiến Vua đon đả mời tôi một thứ trà rất lạ với những cọng… rơm rạ bên trong. Ngày nào anh cũng uống vài cữ như thế bởi thân của giống lúa này thơm hệt như mùi gạo tám thuở trước.

Vinh vốn quê gốc ở xã Hải Sơn từng là một trong những cái nôi của lúa tám nhưng kể từ lúc hơn 10 tuổi tới giờ anh đã không còn nhận ra được cái chất của gạo tám nữa nên gia đình đành phải bỏ cấy.

Thứ gạo ngày xưa từng là đặc sản nức tiếng giờ là nỗi xấu hổ của Vinh khi nhiều người thẳng thừng nhận xét rằng: “Ăn cơm gạo tám chẳng khác nào ăn đấm… vào mặt”.

17-09-36_dsc_6725
Anh Vinh (Công ty Tiến Vua) đang đo kích cỡ của bông lúa tám.

Hương vị của ký ức cộng với tự ái nghề nghiệp là một công ty chuyên cung cấp các nông sản quý khiến cho Vinh ấp ủ ý định phục dựng lại cây lúa tám cho quê mình. Tình cờ vụ mùa năm 2017 anh được một trung tâm bảo tồn quỹ gen mở kho lạnh lưu trữ đã mấy chục năm, xuất cho 5 dòng lúa tám, mỗi thứ 100 hạt.

Nâng niu từng ly từng tí nhưng không may là vụ đó gặp mưa bão nên mỗi dòng chỉ còn sót cỡ 30 - 40 khóm. Cấy 1 dảnh, bón phân chuồng, thuốc sâu hạn chế. Cứ vài ngày một lần anh lại vác thước ra đồng đo thân, đo lá, đo hạt. Kết quả đều chuẩn đúng như kiểu hình của lúa tám xoan ngày xưa, anh đã khấp khởi mừng.

Vụ đó gặt về, lại thất vọng tràn trề khi ăn thử cơm vẫn khô và bở. Nếu chấm theo thang điểm chất lượng chỉ đạt 1/5, may còn vớt vát lại chút mùi thơm nhẹ.

Không nản lòng, vụ mùa 2018 Vinh lại quay sang cách thu thập các dòng lúa tám xoan ở địa phương rồi cấy trên diện tích tới 5 mẫu ở xã Hải Tây theo phương pháp cổ truyền nhưng vẫn thất bại, chịu lỗ mấy chục triệu đồng vì gạo tám có chất lượng ngang với gạo… lợn.

Không tin vào khẩu vị của chính mình, anh còn mời cả những người già ngày xưa từng cấy tám xoan ăn thử, họ đều nhận xét: “Không đúng giống của ngày xưa đâu cháu ạ”. Vợ chồng Vinh hục hặc nhau cũng bởi chị can gián mãi “Đường quang không đi lại đâm quàng vào bụi rậm” nhưng anh vẫn khăng khăng bảo lưu ý kiến.

Và vụ mùa năm nay, anh lại bền gan cấy tiếp 5 sào. Như tia sáng cuối đường hầm đối với Vinh khi một dòng tám mới xuất hiện, cây thanh, bông dài, hạt nhỏ, mỏ cong, cơm ăn đã hơi dẻo, hơi thơm nhưng vẫn chưa được như mong muốn.

Song song với việc tự chọn tạo, anh còn thông báo cho tất cả xã có tám xoan trong huyện, bất kỳ ai tự tin có gạo ngon thì đem thi thử với gạo của mình, nếu hơn sẽ được thưởng. Biết đâu trong dân gian vẫn còn le lói những dòng lúa tám ngon để mình có thể rút ngắn khoảng cách tìm tòi, khôi phục?

Năm sau nữa, cầu kỳ hơn Vinh sẽ không chỉ chọn giống theo hình dạng của cây, theo chất lượng của cơm ăn mà còn theo hình dạng của hạt gạo. Muốn vậy, thóc phải xát rối để giữ nguyên phôi sau đó ngồi tỉ mẩn nhặt từng hạt, từng hạt đúng hình dáng chuẩn của tám xoan ngày xưa giống như cô Tấm ngồi nhặt thóc lẫn gạo trong chuyện cổ tích vậy. Những hạt đủ chuẩn sẽ được đem ủ nẩy mầm để rồi đem ra ươm, cấy.

“Hải Hậu có diện tích lúa tới 10.000ha mà lại chẳng có thứ gạo đặc sản nào thì quả là vô lý. Con đường phục hồi tám xoan còn dài, theo tôi nhanh cũng phải mất 7 - 8 năm thậm chí 10 - 20 năm thì may ra mới tìm được lại đúng hương vị thủa nào”.

Anh Đoàn Văn Sáu (ảnh) - Giám đốc công ty TNHH Cường Tân cũng đã tốn không ít tiền của và công sức trong 2 năm ròng để phục hồi lại lúa tám bằng biện pháp canh tác cổ truyền nhưng rồi phải chào thua.

17-09-36_dsc_4820

“Bây giờ không thể ăn được cơm gạo tám xoan nữa bởi thứ nhất là do… cái mồm đã hỏng, xưa có ít giống thì nó là ngon nhất, giờ nhiều giống ngoại nhập thì nó trở nên bình thường. Thứ hai là do mấy chục năm đất đai toàn bón phân hóa học khiến bị thoái hóa hết.

Thêm vào đó nước tưới giờ cũng ít phù sa, đạm hữu cơ hơn so với ngày xưa khiến chất lượng gạo thay đổi. Muốn phục hồi lại lúa tám phải mất rất nhiều thời gian mà còn chưa chắc đã thành công”, anh Sáu chia sẻ.

Theo Dương Đình Tường/nongnghiep.vn
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Từ khóa: n/a

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

 

Thư viện Hình ảnh



Thăm dò ý kiến

Đánh giá kết quả thực hiện Chương trình NTM nên theo chỉ tiêu nào?

Số xã về đích (đạt 19/19 tiêu chí)?

Tổng số tiêu chí đạt chuẩn?

Tổng mức độ tiến bộ của tất cả các tiêu chí (theo phương pháp chấm điểm)?

Phương án khác?

Thời tiết - Tỷ giá

Thống kê

Đang truy cậpĐang truy cập : 174

Máy chủ tìm kiếm : 2

Khách viếng thăm : 172


Hôm nayHôm nay : 32072

Tháng hiện tạiTháng hiện tại : 281090

Tổng lượt truy cậpTổng lượt truy cập : 67511253