Đường giao thông nông thôn khang trang, sạch đẹp ở xã Hương Trà (huyện Hương Khê), 
xã đạt chuẩn Nông thôn mới năm 2014. Ảnh: Vũ Sinh/TTXVN

Vốn là một thương binh - cựu sỹ quan quân đội, năm 1990 được nghỉ hưu vừa đúng lúc thành lập Hội Cựu chiến binh xã, ông Đại đã hăng hái tham gia hoạt động hội. Trải qua nhiều vị trí như Chi hội trưởng, Phó Chủ tịch hội, Chủ tịch hội... dù ở cương vị nào, ông Đại luôn nêu cao tinh thần của người lính cụ Hồ giữa đời thường. 

 

Ông Đại chia sẻ: Khi địa phương phát động phong trào "Toàn dân chung tay xây dựng nông thôn mới" và "Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh", là một đảng viên, Chủ tịch Hội Cựu chiến binh, tôi nhận thức mình phải tuyên truyền, vận động để gia đình gương mẫu đi đầu rồi mới tuyên truyền đến hội viên và nhân dân. 

Từ suy nghĩ đến hành động, ông bắt tay vào việc làm cầu, làm đường cho nhân dân đi lại. Con đường giao thông nông thôn sang xóm Rú, thôn Lai Đồng, xã Đức Đồng trước nhà ông phải qua một con suối sâu, hàng chục năm nay người dân trong xóm phải bắc cầu tạm bằng tre để đi lại. Mỗi mùa lũ về, cầu tạm đều bị cuốn trôi, gây ảnh hưởng không nhỏ đến sinh hoạt hàng ngày của nhân dân. Lũ tan, người dân trong thôn lại vất vả cùng nhau bắc lại cây cầu tạm mới. Năm 2012, mặc dù kinh tế vẫn còn khó khăn nhưng ông đã mạnh dạn bàn với gia đình và người dân trong xóm về ý định xây một chiếc cầu bằng bê tông cốt thép qua suối thay cầu tạm để bà con đi lại bớt khó khăn và vất vả mỗi khi mưa lũ về. 

Ông Đại chia sẻ: Quá trình bàn bạc, thống nhất để xây cầu gặp không ít khó khăn bởi lúc này kinh tế gia đình ông cũng hạn hẹp, các hộ dân trong xóm chủ yếu là hộ nghèo, người già và neo đơn, lại là xã miền núi nên dù muốn vẫn chưa thể hỗ trợ xây cầu được. Đặc biệt, các thành viên trong gia đình ông cũng không ủng hộ ý định này vì cho rằng đây là việc làm quá lớn so với khả năng của gia đình, rằng đây là việc Nhà nước phải làm cho dân. Trước tình hình trên, ông đã kiên trì phân tích và thuyết phục vợ, con về sự cấp bách, thiết thực của việc xây cầu; thấy có lý có tình nên gia đình ông đã ủng hộ về vật chất và tinh thần. 

Sau đó, ông đến từng nhà để tuyên truyền, người dân thấy sự cần thiết của việc xây cầu nên mỗi nhà ủng hộ từ 50 - 100 nghìn đồng, tổng cộng số tiền ông vận động được là 1,2 triệu đồng. Cùng với số tiền gia đình tiết kiệm, các con ông ủng hộ...tổng cộng hơn 250 triệu đồng, ông Đại làm tờ trình đề nghị chính quyền địa phương để xây cầu và được đồng tình ủng hộ. 

Sau gần 6 tháng thi công, đến cuối năm 2012, cây cầu bằng bê tông cốt thép vững chãi với ba nhịp, dài 11m, rộng 3,6m, cao 5m được đưa vào sử dụng trong sự phấn khởi, hạnh phúc của người dân thôn Lai Đồng. Tuy nhiên, cầu xây xong nhưng đất đắp mố cầu và đường đi lại hai đầu cầu vẫn còn khó khăn. Vì thế, Tết năm 2013, ông Đại tiếp tục vận động con cháu ủng hộ thêm 50 triệu đồng để đổ đất đắp mố cầu và sửa đường, gia đình ông còn tiếp tục hiến thêm 100m2 đất để làm đường. 

Đã gần 70 tuổi lại mang trong mình căn bệnh hiểm nghèo, kinh tế gia đình đều dồn hết vào việc chữa bệnh nhưng khi nhìn cảnh 100m đường ở phía cánh đồng thôn tới cầu đang là đường đất, người dân đi lại khó khăn mỗi mùa mưa lũ về, ông Đại tiếp tục bàn với vợ con, trích một phần trong số tiền tiết kiệm chữa bệnh của mình để mua vật liệu cùng nhân dân góp công làm đường. 

Với tấm lòng và những đóng góp trong phong trào xây dựng nông thôn mới và xây dựng Hội Cựu chiến binh những năm qua, ông Bùi Xuân Đại vinh dự nhận được nhiều Bằng khen, Giấy khen của Hội Cựu chiến binh, Ban chỉ đạo Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới các cấp. Ông cũng vinh dự được bầu làm đại biểu tham dự Đại hội thi đua yêu nước tỉnh Hà Tĩnh vừa qua./. 

Nguồn: Hoàng Ngà/TTXVN