Cơ hội khơi thông nguồn vốn

Cơ hội khơi thông nguồn vốn
Ngày 20-9, tại Hà Nội, nhằm giúp doanh nghiệp (DN) tiếp cận các nguồn vốn, kịp thời nắm bắt cơ hội đẩy mạnh hoạt động sản xuất kinh doanh, VCCI đã chủ trì Diễn đàn "Kết nối Ngân hàng - Doanh nghiệp: Cơ hội vốn cuối năm 2012”.
 
 
Minh họa của: Choai
 
Báo động năng lực hấp thụ vốn của DN
 
Theo TS Nguyễn Đại Lai, chuyên gia kinh tế – ngân hàng, lạm phát liên tục những năm qua đã tạo ra hiện tượng "tiền nhiều vốn ít”, thanh khoản trong các NH luôn căng thẳng và ngày càng gia tăng bởi cùng với tăng lạm phát chính là tăng nợ xấu. Đi kèm với đó là số DN giải thể ngày càng lớn (26.324 DN trong 6 tháng đầu năm), số DN đăng ký thêm giảm 12,5% so với cùng kỳ. Báo cáo kinh tế 2012 của Ủy ban Kinh tế Quốc hội công bố lần đầu tiên ghi nhận thực tế, người dân và DN Việt Nam đang gồng mình gánh các mức thuế, phí cao nhất trong khu vực, lớn hơn từ 1,4-3 lần. Để GDP đạt mục tiêu tăng trưởng 6-6,5% cho cả năm 2012, những tháng còn lại, GDP phải tăng từ 7,28-8,18%.
 
Bởi thế, nếu không có giải pháp thỏa đáng tác động vào tổng cung, tổng cầu để dẫn dắt và tôn trọng quy luật thị trường thì sẽ dẫn đến một trong 2 thái cực tiêu cực. Một là, nới lỏng tín dụng quá mức khiến lạm phát quay lại và thực tế, tình trạng bội thực vốn đã xuất hiện. Hai là, nếu quá lo ngại lạm phát thì nền kinh tế vẫn chìm, do bóp chặt cả những nguồn vốn vốn dĩ nên lưu thông. Đặc biệt, có một vấn đề rất đáng lưu ý, đến 20-8, lượng tiền gửi vào hệ thống NH có mức tăng khá mạnh, tới 10,26% nhưng dư nợ tín dụng tính đến cùng thời điểm chỉ nhích thêm 1,4% so với cuối năm 2011. Như vậy, rõ ràng, cần phải xem lại luồng tiền đi vào các tổ chức tín dụng như thế nào. Ngoài ra, lượng tiền chảy vào sản xuất nhỏ nhoi ấy liệu có bị thao túng bởi các quan hệ sở hữu chéo vô cùng chằng chịt và khuất tất như hiện nay.
 
Trên thực tế, phần lớn tín dụng bơm ra trong 8 tháng qua chủ yếu để người vay trả nợ cũ hoặc để đảo nợ, làm cho tổng dư nợ vẫn "dẫm chân” xung quanh mức cũ nhưng đã khá cao, khoảng 125% GDP. Sức ỳ của nền kinh tế biểu hiện rõ qua năng lực hấp thụ vốn rất yếu của DN. Thị trường vốn cũng đang ứ đọng, không tìm được nhiều khách hàng đủ điều kiện hấp thụ vốn mới hiệu quả và an toàn. Nền kinh tế, tóm gọn lại đang ở tình trạng "thừa vốn, thừa hàng và thiếu tiền”.
 
Ở góc độ đại diện khối DN, ông Tô Hoài Nam, Phó Chủ tịch Hiệp hội DNVVN Việt Nam cho rằng, những nỗ lực và chỉ đạo của cơ quan quản lý trong quá trình triển khai vẫn còn thiếu trọng tâm, trọng điểm, thiếu biện pháp xử lý các NH không chấp hành trần lãi suất cho vay 15%/năm, hay điều chỉnh lãi suất cũ về 15%/năm, nên DN vẫn khó tiếp cận vốn. Trong đó, khối DNVVN dù chiếm tỷ trọng lớn nhưng cũng là đối tượng gặp nhiều rào cản nhất. Bởi vậy, để có thể cầm cự đến cuối năm 2012 và có cơ hội tái đầu tư, mở rộng sản xuất kinh doanh trong năm 2013, khối DNVVN rất cần được "tháo khoán” về nhu cầu vốn với lãi suất hợp lý cũng như cải thiện hàng tồn kho.
 
 
Ngân hàng cần giảm lãi suất, tăng tín dụng 
nhưng cẩn trọng, đảm bảo hài hòa các lợi ích
Ảnh: Hoàng Long
Thúc đẩy thị trường tín dụng cuối năm
 
Làm gì để tăng khả năng hấp thụ vốn của DN? TS Lai đưa ra 7 nhóm giải pháp, trong đó nhấn mạnh tới việc DN cần mở rộng thị trường tiêu thụ thông qua các hiệp hội ngành nghề. "Chính phủ cần có chính sách kích cầu cụ thể như tăng lương, giảm thuế VAT, mở kho, thu mua các sản phẩm tạm trữ như lương thực... NHNN nên làm đầu mối mua vốn của NHTM thừa với lãi suất bằng lãi suất tái cấp vốn do NHNN ấn định trừ đi 1%, và nên sớm dỡ bỏ mọi quy định trần lãi suất ở thị trường 1 cũng như gỡ bỏ mọi rào cản mang tính hành chính, độc quyền hóa” – TS Lai nhấn mạnh.
 
Còn theo ThS Lê Văn Hinh, chuyên gia tài chính – ngân hàng, trong một thời gian dài, Việt Nam đã theo đuổi mô hình tăng trưởng kinh tế nhanh về chiều rộng, dựa vào vốn và tài nguyên có sẵn hơn là sáng tạo. Yếu tố năng suất tổng hợp đóng góp rất thấp, DN chấp nhận rủi ro cao. Bởi vậy, nếu có giải pháp về vốn thì yêu cầu phải bài bản và mang tính lâu bền là gắn các giải pháp này với yêu cầu cải cách, cơ cấu lại DN để có được sự chuyển biến từ bên trong DN. NH cần giảm lãi suất, tăng tín dụng nhưng theo nguyên tắc cẩn trọng, đảm bảo hài hòa các lợi ích và nhất quán với định hướng chuyển đổi mô hình tăng trưởng kinh tế mà Chính phủ định hướng.
 
Bàn luận về cung tín dụng, TS Trần Thị Hồng Hạnh, Hiệp hội NH Việt Nam cho biết, cung tín dụng của NHTM đang đi đúng hướng, các NHTM thận trọng trong cung tín dụng, tập trung vốn tín dụng cho các lĩnh vực được ưu tiên. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều khó khăn như tăng trưởng tín dụng thấp, tiềm ẩn rủi ro lãi suất, rủi ro kỳ hạn do người gửi tiền rút trước hạn, do tín dụng ngân hàng đang kiêm nhiệm cả chức năng của thị trường vốn, do các khoản cho vay khó thu hồi... Từ đây đến cuối năm, TS Hạnh cho rằng, để thúc đẩy thị trường tín dụng, cần tiếp tục tổ chức triển khai các chương trình hỗ trợ DN thông qua chính sách cho vay, chính sách khách hàng của NH. Làm tốt công tác dự báo nhu cầu tín dụng của khách hàng để có kế hoạch cân đối nguồn vốn cho phù hợp, chủ động tiếp cận với khách hàng, đặc biệt là các khách hàng tiềm năng để rà soát, đánh giá lại các khoản nợ, cùng DN bàn bạc, xử lý khó khăn, vướng mắc, tạo điều kiện cho DN vượt qua khó khăn…
Nguyễn Nga
Nguồn:daidoanket.vn