Lãi suất cho nông nghiệp nên tính theo mùa vụ

Lãi suất cho nông nghiệp nên tính theo mùa vụ
Hiện nay, máy nông nghiệp chỉ sử dụng theo mùa vụ, từ 2 đến 3 tháng. Trong khi đó, việc vay vốn để cơ giới hóa nông nghiệp lại đang tồn tại nhiều vấn đề bất cập. Xuất phát từ thực tế này, Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam vừa đề xuất áp dụng chế độ tính lãi suất nông nghiệp theo mùa vụ thay vì hàng tháng như hiện nay. Vậy đề xuất này có khả thi và cần cơ chế gì để giúp người nông dân dễ tiếp cận nguồn vốn ưu đãi từ ngân hàng?
Máy nằm không, lãi suất vẫn phải trả
Lúa chưa đến mùa gặt. Thời điểm này, chiếc máy gặt đập mà anh Nguyễn Văn Huệ (đã phải đi vay đến một nửa để mua đang nằm không. Để có được chiếc máy gặt đập trị giá 200 triệu đồng này, anh Nguyễn Văn Huệ đã phải đi vay ngân hàng tới 100 triệu đồng với lãi suất từ 12-16%/năm, thậm chí có thời điểm lên tới 18%/năm.
Việc trả lãi suất trong thời điểm mùa vụ đối với anh không quá khó. Tuy nhiên, suốt thời gian 9-10 tháng còn lại, khi máy nằm không thì việc trả lãi còn khó, chứ chưa nói đến trả gốc. “Vào vụ thì tôi thu hoạch xong là có thể giả lãi. Còn ngoài vụ, như lúc này, tôi cố đi làm được đồng nào tôi trả lãi đồng đó, có những lúc thời điểm phải vay lãi ngoài để trả lãi ý cơ.”- Anh Huệ chia sẻ. 
                                                      
                                                                  Anh Huệ bảo quản máy gặt
Giải pháp để có nguồn vốn giá rẻ
Khó khăn của anh Huệ cũng là khó khăn chung của bà con nông dân ở xã Thụy Hương(Chương Mỹ, Hà Nội) của anh và ở nhiều địa phương khác. Để tháo gỡ khó khăn này cho người nông dân, theo Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam, lãi suất vay ngân hàng nên tính theo mùa vụ, thay vì tính theo tháng như hiện nay. Giải thích rõ hơn về điều này, ông Nguyễn Tiến Bộ, Viện trưởng Viện Khoa học nông nghiệp VN cho biết: “Thửa ruộng của họ thì quá nhỏ bé so với việc đầu tư mua sắm một cái thiết bị, như là thiết bị làm đất, thiết bị tưới, thiết bị gặt… Vì vậy hãy, giúp cho họ nguồn vốn ban đầu với một mức lãi suất ưu đãi, thậm chí là cái lãi suất ấy được tính theo thời gian sử dụng của máy móc đó, để người nông dân, chủ trang trại hay các doanh nghiệp dịch vụ có thể sẵn sàng đầu tư phục vụ cho sản xuất nông nghiệp.”
Tuy nhiên, ngân hàng cũng là doanh nghiệp, phải đi huy động vốn và trả lãi suất trong suốt 12 tháng. Nếu người vay chỉ trả lãi 3 tháng thì ngân hàng sẽ bù đắp ra sao cũng là vấn đề cần có những cơ chế linh hoạt để xử lý.
 “ Tôi cho rằng việc tính lãi suất theo mùa vụ là điều hoàn toàn có thể làm được, thế giới người ta cũng đã làm.Ngân hàng có những hình thức như là thuê mua tài sản, thuê mua tài chính. Vì vậy, ngân hàng có thể có những tài sản phục vụ quay vòng rất nhanh, thu chi phí rất nhanh, và lợi dụng thời vụ để có thể làm được. Ngân hàng có thể không bỏ tiền ra nhưng có thể lấy chi phí đấy để thuê cái anh khác. Chẳng hạn như anh kinh doanh máy móc lại vào làm cho anh ngân hàng. Do đó, ngân hàng cũng có thể lợi dụng được, ngân hàng và doanh nghiệp cũng giảm chi phí được.” Ông Cao Sỹ Kiêm – Nguyên Thống đốc Ngân hàng Nhà nước VN nói.
Theo các chuyên gia kinh tế, nếu muốn coi nông nghiệp là chiếc van an toàn trong nền kinh tế thì Nhà nước cần phải cân đối giữa các ngành hàng với nhau và ưu tiên phát triển lĩnh vực này. Trong đó, việc tính lãi suất các khoản vay trong lĩnh vực này theo mùa vụ cũng sẽ là một giải pháp cần thiết nhằm tạo nguồn vốn giá rẻ và hiệu quả trong đầu tư sản xuất nông nghiệp.
 Thực hiện: Thu Hương
Ảnh: Quốc Hùng
Nguồn:vtc16.vn