Làm sao để nông dân tiếp cận vốn?

Làm sao để nông dân tiếp cận vốn?
Nghị định 41/2010/NĐ-CP về tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn được hy vọng sẽ mở ra cơ hội giải cơn khát vốn cho nông dân. Tuy nhiên, tiếp cận được nguồn vốn này không đơn giản.
 

Vẫn “khát” vốn

Triển khai thực hiện Nghị định 41, Ngân hàng Nông nghiệp và PTNT Việt Nam (Agribank) chủ động phối hợp với các đoàn thể tuyên truyền và triển khai tới hệ thống Agribank cơ sở nhằm thực hiện đồng bộ và hiệu quả, đáp ứng kịp thời vốn cho các đối tượng.

Tại Cà Mau, các chi nhánh Agribank tiến hành giải ngân 8.579 tỷ đồng, trong đó, có tới 80% nguồn vốn đầu tư cho nông nghiệp, nông thôn. Ông Lý Nam Hải, Giám đốc Agribank Cà Mau cho biết, những năm qua, Agribank Cà Mau sử dụng nhiều biện pháp để có thêm vốn phục vụ nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Nguồn vốn tăng bình quân hằng năm trên 10%, tỷ trọng đầu tư cho kinh tế hộ/tổng dư nợ bình quân hằng năm từ 66-84%. Tuy nhiên, nguồn vốn đầu tư còn ít, chưa đáp ứng đủ nhu cầu phát triển.

Mặc dù đã có chính sách khơi thông nguồn vốn tín dụng về nông thôn nhưng vẫn còn nhiều nông dân chưa thể tiếp cận. Theo ông Trần Văn Thanh (ấp Kinh Đứng A, xã Khánh Hưng, huyện Trần Văn Thời), tín chấp sổ đỏ với Agribank, gia đình chỉ vay được 30 triệu đồng, đáp ứng khoảng 1/10 nhu cầu vốn. Để giải quyết bài toán khó về nguồn vốn ông phải vay mượn bên ngoài.

“Để có vốn mở rộng sản xuất, gia đình tôi nhiều lần đến tìm hiểu thủ tục vay vốn theo Nghị định 41. Đi lại nhiều lần không thành công, cuối cùng chúng tôi đành xoay xở với nguồn vốn tự có và vay mượn thêm bên ngoài”, ông Trần Văn Sang (ấp Kinh Đứng, xã Khánh Hưng) trần tình.

Còn với xã viên HTX nuôi tôm công nghiệp ấp Tân Long (xã Tân Duyệt, huyện Đầm Dơi), việc vay vốn theo Nghị định 41 khó như “hái sao trên trời”. Theo ông Lâm Văn Khiếm, Chủ nhiệm HTX, 6 tháng đi tìm hiểu các thủ tục vay vốn theo Nghị định 41, ông đành ra về với cái lắc đầu đầy e ngại.

Chưa tháo được nút thắt

Nghị định 41 quy định, nông dân có thể vay tín chấp nhưng phải nộp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, điều kiện này không khác gì so với vay thế chấp. Do đó, nếu không có chính sách tháo gỡ vướng mắc thì Nghị định 41 khó đến được với nông dân.

Ông Khiếm cho biết, những tháng đầu năm 2012, dịch bệnh liên tiếp xảy ra làm tôm nuôi chết hàng loạt, xã viên gần như mất trắng. Thiếu vốn tái đầu tư nên nhiều hộ “treo ao”. Ông Huỳnh Văn Thám (xã viên HTX nuôi tôm công nghiệp ấp Tân Long) chua xót: “Tôi có 4 ao nuôi với diện tích 1,4ha, thời gian qua thả 3 vụ tôm sú, 1 vụ tôm thẻ nhưng đều thất bại. Hiện gia đình nợ tiền tôm giống, thức ăn trên 300 triệu đồng. Không còn vốn tái sản xuất, nếu không được hỗ trợ từ phía Nhà nước chắc thời gian không xa gia đình sẽ không có gạo ăn”. Cùng chung hoàn cảnh, ông Khiếm ngán ngẩm: “Gia đình tôi có 3 ao ngưng thả tôm hơn 6 tháng; 6 ao thả tôm thì 5 ao có tôm chết, 1 ao thu hoạch được 18 triệu đồng. Số tiền này không đủ trả tiền mua con giống, nói gì đến việc tái sản xuất”.

Theo ông Khiếm, nếu ngân hàng tăng mức cho vay đáp ứng khoảng 70-80% nhu cầu vốn (khoảng 70-80 triệu đồng/ha) thì những người nuôi tôm công nghiệp mới có thể vực dậy được.

Ngân hàng khẳng định không thiếu vốn nhưng nông dân lại khát vốn để tái sản xuất. Rõ ràng, Nghị định 41 sẽ thực sự là “cú hích” để phát triển nông nghiệp, nông thôn nếu những nút thắt về điều kiện vay vốn được tháo gỡ. 

Phương Lài

 

 

Nguồn:kinhtenongthon.com.vn