Luật Đất đai đang ảnh hưởng tới cơ giới hóa nông nghiệp

“Ruộng đất manh mún và sản xuất nhỏ là nguyên nhân cản trở quá trình cơ giới hóa, công nghiệp hóa nông nghiệp”. Ý kiến này của ông Lê Việt Hải, Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Mekong (Cần Thơ), được chia sẻ tại hội thảo “Cơ giới hóa nông nghiệp phục vụ sản xuất lúa gạo hàng hóa & mô hình cánh đồng mẫu lớn” tổ chức tại Cần Thơ sáng ngày 28-4.

Ông Hải đề xuất:“Nhà nước cần sửa Luật Đất đai, khuyến khích nông dân tích tụ ruộng đất, không hạn chế hạn điền và cho nông dân vay vốn để mua ruộng đất sản xuất”.

Theo ông Đỗ Văn Nam, Cục Chế biến thương mại nông lâm thủy sản, hiện cả nước có tới 70 triệu thửa ruộng, bình quân mỗi nông hộ chỉ có 0,7 hecta đất canh tác gồm 7-8 thửa, nên hạn chế việc áp dụng máy móc thiết bị nông nghiệp. Ông Nam cho biết mức độ cơ giới hóa nông nghiệp của Việt Nam, tính theo sức kéo của máy móc trên diện tích canh tác, còn rất thấp, bình quân 1,3 CV/hecta, trong khi ở Thái Lan là 4 CV/hecta, Hàn Quốc 4,2 CV/hecta, Trung Quốc 6,06 CV/hecta.

Tiến sĩ Lê Văn Bảnh, Viện trưởng Viện Lúa ĐBSCL, cho rằng cơ giới hóa sản xuất nông nghiệp cần được làm đồng bộ trong sản xuất lúa, rau màu, cây trồng cạn (như mía, bắp, khoai…), vườn cây ăn quả, nuôi trồng thủy sản và cả trong chăn nuôi gia súc gia cầm. Riêng cây lúa, để có lúa hàng hóa sinh lợi nhiều cho nông dân, việc bức xúc là cần cơ giới hóa sản xuất nhằm tăng năng suất, kịp thời vụ, bảo đảm chất lượng lúa gạo và giảm tối đa tổn thất sau thu hoạch.

Với mô hình cánh đồng mẫu lớn, theo tiến sĩ Võ Hùng Dũng, Giám đốc Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tại Cần Thơ, phải hình thành cụm ngành trong chuỗi liên kết, bao gồm các nhà máy chế biến làm hạt nhân gắn kết với nông dân trồng lúa và khâu tiêu thụ kèm theo dịch vụ hỗ trợ phát triển. Ông Dũng nhấn mạnh: “Nếu cánh đồng mẫu lớn chỉ dừng ở hình thức hợp tác giữa doanh nghiệp và nông dân thông qua hợp đồng đầu tư và bao tiêu sản phẩm như hiện nay mà không tạo ra nhân tố mới là sản xuất - chế biến - dịch vụ ở nông thôn thì lợi ích mang lại không đủ để thúc đẩy đầu tư tư nhân và cũng không cải thiện được nhiều trong chuyển dịch cơ cấu kinh tế và lao động ở nông thôn. Như vậy thì cũng không mang lại thay đổi đáng kể về thu nhập cho nông dân”.

Các chuyên gia dự hội thảo đều cho rằng ngoài sửa đổi Luật Đất đai, Chính phủ cần sớm ban hành nhiều chính sách phù hợp đi kèm để giúp sản xuất nông nghiệp, và lúa gạo nói riêng, phát triển ổn định làm tăng thu nhập cho nông dân.

Tập trung đầu tư cho nông nghiệp

“Sau 20 năm đổi mới và phát triển, chúng ta có sản phẩm gì đáng để tự hào với thế giới hay không? Tôi xin nói thật, chúng ta chỉ có mỗi sản phẩm nông nghiệp là được thế giới biết đến, đáng để tự hào với họ thôi”, nguyên Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình đưa ra nhận xét này để cho thấy tầm quan trọng của ngành nông nghiệp đối với sự phát triển của đất nước.

Tại hội nghị “Phát triển thị trường tín dụng và dịch vụ ngân hàng vùng ĐBSCL”, ông Bình nói trong những năm qua, Việt Nam cũng đặt ra nhiều chiến lược phát triển công nghiệp, dịch vụ, điện tử vi tính… nhưng đến nay trình độ về lĩnh vực này vẫn còn thấp so với thế giới. Trong khi đó, xuất khẩu gạo của Việt Nam đứng thứ 2 thế giới, xuất khẩu cà phê, thủy sản và nhiều loại sản phẩm nông nghiệp khác luôn giữ vị trí cao trên thế giới.

“Nông nghiệp là cái mang lại sự ổn định cho đất nước của chúng ta thì tại sao không tập trung đầu tư cho lĩnh vực này? Chúng ta nên lấy nông nghiệp làm tiền đề để phát triển các ngành kinh tế khác, nghĩa là tập trung cho lĩnh vực nông nghiệp phát triển ổn định bền vững rồi mới đẩy mạnh phát triển các lĩnh vực khác”, ông Bình nói.

Theo đánh giá của các chuyên gia tại hội nghị, khu vực ĐBSCL là mảnh đất màu mỡ, là nguồn sinh lãi lớn đáng để các ngân hàng đầu tư vào, đặc biệt là đối với lĩnh vực sản xuất khai thác chế biến và xuất khẩu các mặt hàng nông nghiệp (lúa gạo, cá tôm, cây ăn trái).

Ông Bình khẳng định: “Nông nghiệp nông thôn sẽ là lĩnh vực ưu tiên hàng đầu trong hoạt động của hệ thống ngân hàng trong nhiệm kỳ này nhằm đưa kinh tế khu vực ĐBSCL đi lên. Từ năm 2011 trở lại đây, các ngân hàng cũng đã dành khoảng 1.000 tỉ đồng cho khu vực nhằm phục vụ cho công tác an sinh xã hội”.

Trung Chánh

 Theo SGGP