Quản lý chặt chẽ thu ngân sách

Tám tháng qua, thu ngân sách nhà nước (NSNN) của ngành thuế đạt thấp cả về tiến độ thực hiện dự toán và mức tăng trưởng so với cùng kỳ, trong khi tỷ trọng thu các tháng có dấu hiệu giảm dần và thấp nhất trong các năm gần đây. Thu ngân sách khó khăn là thách thức lớn đối với việc bảo đảm cân đối thu chi NSNN cũng như mục tiêu giữ mức bội chi ngân sách dưới 4,8% GDP. Thách thức này cũng đòi hỏi ngành thuế những tháng cuối năm phải thực hiện những giải pháp quyết liệt để hoàn thành nhiệm vụ thu ngân sách năm 2012.
 

 
Làm thủ tục làm thuế tại Chi cục Thuế quận Ba Đình. Ảnh: Đức Anh.  
 

Nỗi lo khó về đích

Toyota Việt Nam và Honda Việt Nam là hai trong số nhiều DN đầu tư nước ngoài (FDI) có đóng góp lớn vào số thu ngân sách của tỉnh Vĩnh Phúc. Thế nhưng từ đầu năm đến nay, hai DN này đều phải đối mặt với tình trạng lượng xe tiêu thụ sụt giảm mạnh. Tháng 8 vừa qua, Công ty Toyota Việt Nam chỉ bán được hơn một nghìn xe ô-tô, chưa bằng một nửa so với cùng kỳ năm 2011. Tương tự với ô-tô của công ty Honda Việt Nam, số lượng xe bán ra cũng giảm hơn 50% so với cùng kỳ. Nếu tính lũy kế bảy tháng đầu năm, hai công ty này chỉ tiêu thụ 13.277 xe, giảm 4.255 xe so với cùng kỳ năm 2011. Ðây là con số giảm lớn nhất so với cùng kỳ từ trước đến nay. "Với số thuế nhà nước thu được từ mỗi xe ô-tô bán ra thì rõ ràng, thu ngân sách năm nay chắc chắn bị hụt thu một khoản tương đối lớn", Cục trưởng Thuế Vĩnh Phúc Tạ Văn Xuyên cho biết. Tám tháng đầu năm, ngành thuế Vĩnh Phúc mới chỉ thu ngân sách được khoảng 5.600 tỷ đồng, bằng 44,4% dự toán năm. Trong số các chỉ tiêu thu NSNN, Vĩnh Phúc ước chỉ đạt tám chỉ tiêu thu, còn năm chỉ tiêu sẽ không thể hoàn thành dự toán năm. Riêng khoản thu từ các DN FDI, lĩnh vực có số thu chiếm tỷ trọng lớn trong tổng thu nội địa của Vĩnh Phúc, tám tháng đầu năm mới đạt 43% dự toán năm, giảm 17,1% so với cùng kỳ. Dự kiến, thu nội địa cả năm nay của Vĩnh Phúc chỉ đạt 8.931 tỷ đồng, bằng 70,9% dự toán năm và 79,4% so với thực hiện năm trước.

Kinh tế tăng trưởng thấp, hoạt động sản xuất, kinh doanh, tiêu thụ sản phẩm của nhiều DN gặp khó khăn, một số mặt hàng có đóng góp số thu lớn cho ngân sách tiêu thụ rất chậm do sức mua xã hội suy giảm... là những nguyên nhân chủ yếu làm giảm số thu ngân sách của nhiều cục thuế địa phương. Tại Phú Thọ, hầu hết các sản phẩm công nghiệp chủ yếu, chiếm tỷ trọng lớn, khoảng 70% tổng thu đều có sự sụt giảm đáng kể so cùng kỳ nhiều năm trước như thép Sông Hồng giảm 29 nghìn tấn; su-pe Lâm Thao giảm 30 nghìn tấn; giấy giảm 60 nghìn tấn; xi-măng giảm 105 nghìn tấn; NPK giảm 49 nghìn tấn... "Sản lượng giảm mạnh, lượng hàng tồn kho lớn và kéo dài... là nỗi lo không chỉ của DN mà còn là của ngành thuế bởi DN khó khăn, đồng nghĩa với nguồn thu ngừng trệ...", Phó Cục trưởng Thuế Phú Thọ Hoàng Văn Ðài chia sẻ. Bảy tháng qua, mặc dù thu nội địa trên địa bàn tỉnh Phú Thọ đạt 1.196 tỷ đồng, bằng 55,6% dự toán nhưng nếu so với cùng kỳ các năm trước thì con số này là thấp.

Thực tế ở Vĩnh Phúc, Phú Thọ cũng là tình trạng chung của nhiều cục thuế trên cả nước. Theo Tổng cục Thuế, tám tháng qua, thu nội địa của cả nước đạt 361.042 tỷ đồng, bằng 62,1% dự toán. Nếu so với cùng kỳ một số năm gần đây (năm 2011 đạt 70,5%; năm 2010 đạt 73,5%, năm 2009 đạt 68,7%) thì năm nay, tiến độ thu ngân sách đạt mức thấp nhất. Ðến hết tháng 8, mới có 8/63 cục thuế thu đạt hơn 70% dự toán, trong khi đó có tới 14 đơn vị thu đạt dưới 55% dự toán như Nghệ An, Tiền Giang, Quảng Trị, Quảng Nam, Hưng Yên, Yên Bái, Vĩnh Phúc... Trong số 63 cục thuế tỉnh, thành phố thì có tới 34 cục thuế có số thu thấp hơn cùng kỳ. Ðặc biệt, đối với 13/63 cục thuế có số thu điều tiết về ngân sách trung ương thì chỉ có năm cục thuế có tiến độ và tốc độ cao hơn mức bình quân cả nước, còn lại đều có tiến độ thu rất thấp, nếu những tháng cuối năm không phấn đấu khai thác tăng thu thì dự báo cả năm không hoàn thành dự toán như TP Hồ Chí Minh, Bà Rịa - Vũng Tàu, Quảng Ninh, TP Cần Thơ, TP Hải Phòng, TP Ðà Nẵng, Vĩnh Phúc...

Bên cạnh nguyên nhân chính là tình hình kinh tế khó khăn, thì việc thực hiện chính sách miễn, giảm, giãn thuế để tháo gỡ khó khăn cho các DN và cá nhân cũng làm ảnh hưởng đến số thu ngân sách. Năm 2012, tổng số thuế và thu tiền sử dụng đất được miễn, giảm, giãn ước khoảng 26 nghìn tỷ đồng. Ngoài ra, thị trường bất động sản trầm lắng kéo dài, tỷ lệ giao dịch thành công thấp, chủ yếu là giao dịch giá trị nhỏ... đã làm cho số thu tiền sử dụng đất và một số khoản thu liên quan như lệ phí trước bạ nhà, đất; thuế thu nhập từ việc chuyển nhượng nhà, đất... giảm mạnh

Chống thất thu ngân sách

Thu NSNN phụ thuộc chủ yếu vào ba yếu tố là hoạt động sản xuất kinh doanh của DN, chính sách thu và hiệu quả hoạt động quản lý thu. Trong bối cảnh từ nay đến cuối năm, DN vẫn còn phải đối mặt với nhiều khó khăn, thị trường bất động sản tiếp tục trầm lắng, nhiều chính sách giảm, giãn, miễn thuế cho DN được thực hiện thì việc tăng thu ngân sách không hề dễ dàng. Cho nên nâng cao hiệu quả công tác quản lý thu chính là giải pháp quan trọng để ngành thuế có thể bù đắp số hụt thu ngân sách năm nay. Tám tháng qua, công tác thanh tra, kiểm tra chống thất thu ngân sách được đẩy mạnh, nhất là đối với DN kinh doanh bất động sản, DN được ưu đãi thuế, DN khai lỗ thường xuyên, có hoạt động chuyển giá... đồng thời đôn đốc thu kịp thời các khoản truy thu, phạt sau thanh tra, kiểm tra, kiểm toán. Số thuế truy thu, phạt, truy hoàn đã lên đến hơn 5.900 tỷ đồng, tăng 75% so với cùng kỳ; số thuế giảm khấu trừ là 333 tỷ đồng, tăng 114,6%; tổng số giảm lỗ là 7.065 tỷ đồng, tăng 44,5%... Hơn 2.700 tỷ đồng đã được nộp vào ngân sách nhà nước (bằng 46,6% số kiến nghị truy thu sau thanh tra, kiểm tra). Rõ ràng đây chính là một trong những nguồn thu mà ngành thuế có thể khai thác. Cục trưởng Thuế Vĩnh Phúc Tạ Văn Xuyên khẳng định: "Ðể bù đắp nguồn hụt thu do tình hình kinh tế khó khăn, chúng tôi tăng cường các biện pháp chống thất thu, nhất là tại các khu vực mà kết quả thu còn đạt thấp so với tiềm năng, lấy công tác thanh tra làm nòng cốt, đồng thời xử lý truy thu quyết liệt". Thông qua công tác này, ngành thuế không những thực hiện được kế hoạch thanh tra, kiểm tra mà còn giúp DN phát hiện các sai sót để uốn nắn DN thực hiện khai đúng, khai đủ, đồng thời truy thu được nhiều khoản thuế cần thiết.

Hoạt động sản xuất, kinh doanh của nhiều DN gặp khó khăn cũng khiến số nợ thuế tăng lên, càng gây áp lực cho nhiệm vụ thu ngân sách những tháng cuối năm. Vì vậy, cơ quan thuế đều tập trung tăng cường đôn đốc thu hồi nợ đọng thuế, hạn chế nợ mới phát sinh nhằm bù đắp số hụt thu, nhờ đó, số thuế nợ đọng của nhiều cục thuế như An Giang giảm 21%; Bạc Liêu giảm 16,5%; Cà Mau giảm 33,3%; Lào Cai giảm 32,5%... Theo Cục trưởng Thuế Vĩnh Phúc Tạ Văn Xuyên, để xử lý nợ đọng thuế, cần rà soát và phân loại nợ chính xác, chi tiết để có giải pháp xử lý một cách cụ thể, linh hoạt, nhất là khi nhiều DN gặp khó khăn, không phải đối tượng nào cũng có thể áp dụng biện pháp cứng như cưỡng chế nợ thuế, phong tỏa tài khoản...

Áp lực hoàn thành nhiệm vụ thu ngân sách những tháng còn lại của năm là rất lớn đối với các cục thuế địa phương. "DN khó khăn thì ngành thuế cũng khó khăn, vì vậy, chúng tôi luôn xác định hỗ trợ một cách tốt nhất cho DN nhằm tạo điều kiện để DN vượt qua giai đoạn này, phục hồi sản xuất. Ðây cũng chính là cách nuôi dưỡng và phát triển nguồn thu", Phó Cục trưởng Thuế Phú Thọ Hoàng Văn Ðài nhấn mạnh. Chỉ riêng trên địa bàn Phú Thọ, tổng số thuế được miễn, giảm cho DN trong năm 2012 theo Nghị quyết 08/2011/NQ-QH13 là hơn 13 tỷ đồng, trong đó thuế thu nhập DN là 10,73 tỷ đồng và thuế thu nhập cá nhân là 2,44 tỷ đồng.

Không chỉ Phú Thọ, các cục thuế địa phương khác cũng đều nhanh chóng tuyên truyền, phổ biến các chính sách miễn, giảm, giãn thuế tới DN đồng thời hướng dẫn DN thực hiện đầy đủ, giải quyết hồ sơ của DN nhanh gọn, không gây phiền hà cho DN, bảo đảm chính sách hỗ trợ của Nhà nước kịp thời phát huy hiệu quả với DN. Ðến tháng 8, đã có 177.996 lượt DN trên cả nước được gia hạn thuế giá trị gia tăng với tổng số tiền thuế là hơn 10 nghìn tỷ đồng, trong đó chủ yếu là DN vừa và nhỏ (chiếm 99,6% số DN) được gia hạn 9.702 tỷ đồng tiền thuế (chiếm 90,2% số thuế được gia hạn). Ngoài ra, 71.628 lượt DN cũng được gia hạn nộp thuế thu nhập DN với số thuế 2.932 tỷ đồng... Giám đốc Công ty liên doanh phân bón Hữu nghị (Thanh Hóa) Lê Xuân Khuyến nhìn nhận, trong bối cảnh DN khó khăn về nguồn vốn thì số thuế được miễn, giảm, gia hạn đã phần nào hỗ trợ DN bổ sung nguồn vốn lưu động, giảm được chi phí tài chính.

Bên cạnh đó, để tạo điều kiện thuận lợi cho DN hoạt động, các thủ tục hành chính thuế tiếp tục được rà soát, sửa đổi và loại bỏ những thủ tục không cần thiết. Thứ trưởng Tài chính Ðỗ Hoàng Anh Tuấn cho rằng, đơn giản hóa các thủ tục hành chính thuế là một trong những nhóm giải pháp nhằm giảm 15% chi phí kinh doanh cho DN theo tinh thần Nghị quyết 13/NQ-CP của Chính phủ, vì thế, tiếp tục mở rộng hệ thống kê khai thuế điện tử, phấn đấu năm 2012 có khoảng 190 nghìn đến 200 nghìn DN trên cả nước tham gia hệ thống này là mục tiêu ngành thuế đang hướng tới. Hỗ trợ DN sản xuất, kinh doanh chính là giải pháp căn bản để bảo đảm nguồn thu bền vững.


 

THU HÀ và SÔNG TRÀ
Nguồn:nhandan.com.vn