Ưu tiên nguồn lực tài chính cho chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, nông thôn

Ưu tiên nguồn lực tài chính cho chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Xác định rõ vai trò to lớn, Ðảng và Nhà nước đã coi việc phát triển nông nghiệp, nông thôn có vị trí chiến lược trong sự nghiệp công nghiệp hóa - hiện đại hóa đất nước. Cụ thể hóa vấn đề này, BCH Trung ương Ðảng đã ban hành Nghị quyết số 26 (Hội nghị lần thứ 7 BCHT.Ư Ðảng - Khóa XI) về nông nghiệp, nông dân, nông thôn; Chính phủ có Nghị định số 61/2010/NÐ-CP ban hành chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn; Gần đây, Quốc hội ban hành Nghị quyết số 26/2012/QH13 về việc tiếp tục nâng cao hiệu lực, hiệu quả thực hiện chính sách, pháp luật đầu tư công cho nông nghiệp, nông dân, nông thôn...


 
 Cán bộ Ngân hàng Chính sách xã hội Bình Liêu (Quảng Ninh) hướng dẫn người dân làm thủ tục vay vốn.  
 
Thành tựu bước đầu

Sau bốn năm triển khai và thực hiện Nghị quyết số 26, công tác nông nghiệp, nông dân, nông thôn đã đạt được nhiều thành tựu. Lương thực từ chỗ phải nhập khẩu, đến nay đã trở thành nước xuất khẩu gạo lớn thứ hai trên thế giới. Nhờ an ninh lương thực được bảo đảm, nên sản xuất nông nghiệp đã phát triển tương đối toàn diện. Xuất khẩu nông, lâm, thủy sản có khối lượng lớn, đứng thứ hạng cao trên thế giới (tổng kim ngạch xuất khẩu hàng nông sản năm 2010 đạt 19,53 tỷ USD, năm 2011 đạt 25 tỷ USD, riêng mười tháng đầu năm 2012 đã đạt 22 tỷ USD, chiếm 25% tổng kim ngạch xuất khẩu). Kinh tế nông thôn chuyển dịch theo hướng công nghiệp, dịch vụ, ngành nghề. Các hình thức tổ chức sản xuất tiếp tục được đổi mới. Kết cấu hạ tầng được tăng cường; diện mạo nông thôn cả nước có sự thay đổi tích cực, đời sống vật chất, tinh thần của người dân nông thôn ngày càng được cải thiện.

Do đặc thù sản xuất nông nghiệp có tính rủi ro cao, hiệu quả sản xuất thấp; trong khi đó sản xuất công nghiệp và dịch vụ chậm phát triển ở khu vực nông thôn vì cơ sở hạ tầng chưa được đáp ứng, do đó không có điều kiện để giải quyết lực lượng lao động dư thừa ở nông thôn. Bên cạnh đó, nhiều địa phương hiện đang mải mê chạy theo mô hình phát triển sân bay, sân gôn, khu công nghiệp, làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến quỹ đất nông nghiệp. Hơn thế, dẫu có đất lúa nhưng người làm lúa vẫn nghèo đói, bởi quy luật ngược "được mùa rớt giá, được giá mất mùa" thì khó có thể cải thiện đời sống nông dân, tiêu chí hàng đầu về xây dựng nông thôn mới. Vì vậy, vấn đề CNH, HÐH nông nghiệp, nông thôn cần được ưu tiên và chủ động giải quyết bằng các chính sách vĩ mô của Ðảng và Nhà nước, trong đó việc sử dụng linh hoạt chính sách tài khóa - tiền tệ có tầm quan trọng trong thời kỳ quá độ.

Ðầu tư cho nông nghiệp, nông thôn cần được ưu tiên hàng đầu

Khu vực nông thôn còn chiếm tới 70% số dân cả nước. Lao động đang làm việc trong nhóm ngành nông, lâm, thủy sản chiếm gần một nửa số lao động cả nước. Năng suất lao động trong nhóm ngành này chỉ bằng một phần ba năng suất lao động chung. Nhiều chỉ tiêu như thu nhập bình quân đầu người; tỷ lệ hộ gia đình được sử dụng điện, sử dụng nước hợp vệ sinh còn thấp so với thành thị. Cơ sở vật chất kỹ thuật từ điện, đường, trường, trạm ở khu vực nông thôn còn thiếu và yếu hơn nhiều so với thành thị... Nguyên nhân sâu xa là do đầu tư cho lĩnh vực "tam nông" còn quá khiêm tốn. Theo số liệu thống kê cho thấy, đầu tư cho lĩnh vực này giảm dần theo thời gian. Nếu như năm 2000, tổng vốn đầu tư cho nông nghiệp chiếm khoảng 13,8% GDP thì đến năm 2005 chỉ còn 7,5%, đến năm 2008 là 6,5% và tới năm 2010, 2011 chỉ còn 6,3%. Từ đó dẫn đến tình trạng các DN (kể cả trong và ngoài nước) không còn mặn mà đối với những khu vực khó khăn và nhiều rủi ro. Thực trạng đó đã lý giải, tại sao ngày càng có nhiều dòng người từ nông thôn ra thành thị, dẫn đến hình thành các "chợ lao động" tại trung tâm thành phố.

Ðể phát triển kinh tế nông nghiệp, nông thôn, Ðảng và Nhà nước cần đặc biệt ưu tiên, bố trí chi từ ngân sách cho lĩnh vực "tam nông" với tốc độ tăng cao hơn tốc độ tăng chi chung của ngân sách Nhà nước. Trước hết là việc đầu tư cho sản xuất lương thực để bảo đảm an ninh lương thực một cách vững chắc và tăng khối lượng xuất khẩu; giảm tình trạng phá nương làm rẫy, du canh du cư ở miền núi; vừa bảo đảm cung ứng lương thực, vừa bảo vệ rừng đầu nguồn chống lũ, vừa tăng sản lượng gỗ khai thác, giảm nhập khẩu. Bên cạnh đó, cần đầu tư phát triển vùng cây công nghiệp (cà-phê, điều, tiêu, chè), vừa để phục vụ sản xuất trong nước, vừa để gia tăng xuất khẩu. Hướng đến mục tiêu này, hằng năm cần dành khoản ngân sách đầu tư tương xứng cho phát triển khoa học - công nghệ và đào tạo nguồn nhân lực trong nông nghiệp. Ðây là nhiệm vụ quan trọng trong quá trình chuyển đổi nông nghiệp sang lĩnh vực công nghiệp và dịch vụ.

Ðối với lĩnh vực ngư nghiệp, cần tập trung đầu tư cho công tác khảo sát điều tra đánh giá nguồn lợi thủy sản, đầu tư các loại tàu công suất lớn, công nghệ khai thác tiên tiến để phát triển mạnh các loại hình  nuôi trồng thủy hải sản, phát triển nghề cá xa bờ. Ðầu tư nâng cấp và hiện đại hóa hệ thống cơ sở hạ tầng kỹ thuật nông thôn (đường giao thông, bưu chính, viễn thông, thủy lợi) để phát triển công nghiệp, ngành nghề và dịch vụ, làm tiền đề cho chuyển dịch cơ cấu nông thôn, tạo thêm việc làm, tăng thu nhập cho nông dân. Ngoài hình thức đầu tư trực tiếp từ ngân sách Nhà nước, Ngân hàng Nhà nước và các ngân hàng thương mại cần ưu tiên nguồn vốn tín dụng ưu đãi cho các ngành nghề thu hút nhiều lao động, các dự án phục vụ chế biến, bảo quản nông sản xuất khẩu, nhằm giải quyết việc làm cho nông dân, thúc đẩy chuyển đổi cơ cấu cây trồng và vật nuôi.

Thực hiện chế độ ưu đãi thuế, thúc đẩy phát triển kinh tế

Ðối với Việt Nam, các luật thuế hiện hành đã có một số ưu đãi đối với lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn nhưng chưa đồng bộ và khó thực hiện trong thực tiễn. Vì vậy, chính sách thuế cần tiếp tục nghiên cứu hoàn thiện theo hướng mở rộng diện ưu đãi, phù hợp đặc thù nông nghiệp, nông thôn; nhất là các khoản thu liên quan đất đai, sản phẩm nông, lâm, ngư nghiệp và các sắc thuế có liên quan đến người lao động thuộc lĩnh vực này. Theo đó, cần tập trung xem xét giải quyết năm nội dung cơ bản.

Thứ nhất, miễn thu tiền sử dụng đất, khuyến khích nông dân "dồn điền đổi thửa" nhằm đẩy mạnh quá trình tích tụ ruộng đất ở nông thôn, tạo điều kiện hình thành các trang trại quy mô lớn, sản xuất khối lượng hàng hóa lớn. Ðối với những mặt hàng nông sản có lợi thế xuất khẩu, cần quy hoạch thành những vùng chuyên canh, gắn với công nghiệp chế biến; ứng dụng công nghệ sinh học trong chọn và nhân giống, phát triển các mô hình sản xuất sạch, công nghệ cao.

Thứ hai, thực hiện chính sách ưu đãi về đất đai, giảm thuế thu nhập doanh nghiệp để khuyến khích các DN đầu tư vào nông nghiệp nông thôn; chuyển dần các ngành công nghiệp sử dụng nhiều lao động (như da giày, dệt may, chế biến) về nông thôn, vừa thu hút lao động tại chỗ; vừa giảm dần tỷ lệ sơ chế sang chế biến sâu, đem lại giá trị gia tăng cao hơn khi xuất khẩu.

Thứ ba, giảm tiền thuê đất và miễn thuế thu nhập cá nhân nhằm mở rộng và phát triển các loại hình dịch vụ phục vụ nông nghiệp, như dịch vụ tài chính, bảo hiểm, hình thành các cơ sở dịch vụ, cung cấp vật tư nông nghiệp, dịch vụ vận tải, thú y; xây dựng và phát triển thị trường lao động nông thôn; phát triển hệ thống đào tạo, dạy nghề, tạo việc làm mới cho nông dân.

Thứ tư, xử lý nội dung hiện đang vướng mắc về chế độ hóa đơn chứng từ thuế đối với hàng nông sản, phù hợp phương thức sản xuất nhỏ lẻ thuộc lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn. Trên thực tế, người nông dân sản xuất không có điều kiện ghi chép sổ sách kế toán và sử dụng hóa đơn chứng từ, nên sản phẩm của họ khi bán cho các DN kinh doanh thương mại không được khấu trừ thuế đầu vào (đã nộp khi mua vật tư, phân bón, thuốc trừ sâu, dịch vụ nông nghiệp), khi xuất khẩu không được hoàn thuế giá trị gia tăng. Ðây là thiệt thòi đối với nông dân, có ảnh hưởng trực tiếp tới thu nhập của họ. Ðể giải quyết thỏa đáng, Bộ Tài chính cần hướng dẫn bổ sung loại hóa đơn đặc thù, áp dụng đối với đơn vị thu mua hàng nông sản do nông dân trực tiếp sản xuất bán ra, làm cơ sở để khấu trừ thuế và hoàn thuế. Có như vậy mới bảo đảm cho nông dân được hưởng lợi từ chế độ ưu việt của chính sách thuế giá trị gia tăng, vừa giúp nông dân tiết giảm chi phí, tăng thu nhập, đồng thời nâng cao tính cạnh tranh của hàng nông sản trên thị trường trong nước và quốc tế.

Thứ năm, tổ chức triển khai chủ trương miễn thủy lợi phí đối với các hộ gia đình sản xuất nông nghiệp. Tiếp tục rà soát các khoản phí, lệ phí mà nông dân phải đóng góp khi cung cấp các dịch vụ công để xem xét miễn giảm, đồng thời bãi bỏ những khoản lạm thu, sai thẩm quyền.

Nông nghiệp, nông thôn hiện đang được xem như hình ảnh thu nhỏ đặc trưng nhất cho phương thức phát triển mới, vừa tạo ra được nhiều loại sản phẩm thiết yếu, tạo ra giá trị kinh tế, vừa thu hút nhiều lao động nhưng lại thân thiện với môi trường, với cộng đồng. Ðó là nền tảng cho sự phát triển bền vững, cả hiện tại lẫn tương lai.

 

 
TS NGUYỄN NGỌC TÚ 
(Tổng cục Thuế, Bộ Tài chính)