Giám sát các nhóm thực phẩm có nguy cơ mất VSATTP cao

Giám sát các nhóm thực phẩm có nguy cơ mất VSATTP cao
Trong tháng 10, Cục Thú y, Cục Bảo vệ thực vật, Cục Quản lý chất lượng nông lâm thủy sản (Bộ NNPTNT) đã thành lập nhiều đoàn kiểm tra và lấy mẫu các loại thực phẩm để kiểm tra ô nhiễm vi sinh vật và tồn dư các chất độc hại.
 

Ảnh minh họa

Tại hội nghị tổng kết an toàn vệ sinh thực phẩm, ngày19/10, Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NNPTNT) cho biết đã lấy 50 mẫu măng gồm 27 mẫu măng khô và 21 mẫu măng tươi, măng đã muối chua và 2 mẫu măng ớt tại Hà Nội, Hòa Bình, Lạng Sơn, Quảng Ninh và Thanh Hóa để kiểm nghiệm các chỉ tiêu về an toàn thực phẩm như kim loại nặng, cyanide, lưu huỳnh và sunfite… Cả 50 mẫu đều đạt chỉ tiêu về kim loại nặng trong mức cho phép nhưng cả 27/27 mẫu măng khô đều phát hiện có lưu huỳnh và sunfite.

 

Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Xuân Hồng, Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật, chúng ta chưa có quy định giới hạn của lưu huỳnh, cyanua và sunfite. Nhiều nước trên thế giới đều cho phép sử dụng lưu huỳnh để sấy rau quả khô nhưng chúng ta chưa có quy trình hướng dẫn. Trong thời gian tới cần xây dựng hướng dẫn, đưa ra mức quy định sử dụng thế nào để an toàn. Vì, trong thực tế, việc sử dụng lưu huỳnh để sấy khô là phổ biến.

Ông Hồng phân tích, hiện đang có quan niệm sai lầm cho rằng, cứ dùng hóa chất bảo quản nông sản là không tốt. Thực tế, trên thế giới sử dụng phổ biến các loại hóa chất an toàn để bảo quản nông sản, giúp kéo dài thời gian bảo quản, tăng chất lượng, kể cả hóa chất giúp trái cây nhanh và chín đều.

Riêng với chất cyanua tồn tại tự nhiên trong măng tươi, ông Hồng khuyến cáo không nên ăn măng sống, măng tươi mà phải nấu chín vì ở nhiệt độ cao 96% chất cyanua sẽ bị phân hủy.

Lãnh đạo Cục Thú y cũng cho biết kiểm tra 40 mẫu thịt bò khô tại TP HCM và Hà Nội cho thấy, 20 mẫu nhiễm Ecoli (trong ngưỡng giới hạn), 3 mẫu nhiễm chất tạo màu sudan và một mẫu nhiễm salmonella. Tất cả các cơ sở sản xuất bò khô đều không đảm bảo yêu cầu về bao gói nhãn mác. Còn về chất sudan, Cục đang chờ Bộ Y tế xác định về ngưỡng cho phép trong thực phẩm vì Bộ NNPTNT chưa có văn bản quy định sudan có được sử dụng trong thực phẩm hay không.

Trong khi đó, kết quả kiểm tra 90 mẫu cá biển của Cục Quản lý chất lượng nông lâm thủy sản cho thấy chỉ tiêu ure có 54/90 mẫu cá phát hiện tồn dư nhưng mức thấp, cả 90 mẫu đều không phát hiện có sử dụng hàn the để bảo quản. Đáng chú ý, kết quả kiểm tra 45 mẫu cá tại các chợ ở một số địa bàn trọng điểm phát hiện 14 mẫu chứa hàm lượng histamine vượt ngưỡng cho phép, đây là chất mà ở nồng độ thấp vẫn gây ngứa ngáy, dị ứng; cao hơn thì gây ngộ độc và có thể dẫn đến tử vong. Với chất này, thời gian bảo quản càng lâu, nhiệt độ càng tăng thì tồn dư độc hại ướp trong cá sinh ra càng lớn. Ở TP Hồ Chí Minh đã ghi nhận có trường hợp ngộ độc do histamin trên cá thu, cá ngừ mua ngoài chợ chiều mang về nấu cho công nhân ăn.

Tại cuộc họp, Bộ trưởng Bộ NNPTNT Cao Đức Phát chỉ đạo, trong tháng 11, Bộ sẽ tập trung vào kiểm tra 3 mặt hàng gồm rau lá ăn sống, mực khô và mật ong. Khâu bán lẻ tại các chợ nhỏ trên địa bàn các tỉnh cũng sẽ là trọng tâm kiểm soát trong tháng tới. Cục Thú y phải kiểm tra các mẫu gà, vịt xem có tồn dư các chất độc hại trên không, và mức độ ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng thế nào.

Bộ trưởng Cao Đức Phát yêu cầu các Cục, Vụ nhanh chóng chọn ra những nhóm thực phẩm có nguy cơ mất vệ sinh an toàn thực phẩm cao để tập trung giám sát và công bố cho người tiêu dùng biết. 

Đỗ Hương

Theo chinhphu.vn