TP.HCM: Cho vay gần 3.200 tỷ đồng để chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp

TP.HCM: Cho vay gần 3.200 tỷ đồng để chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp
Theo Báo cáo của Sở Nông nghiệp và PTNT TP. Hồ Chí Minh, sau hơn 2 năm triển khai Quyết định số 36/2011/QĐ-UBND của UBND Thành phố (Quyết định 36) về chính sách khuyến khích chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp theo hướng nông nghiệp đô thị trên địa bàn TP.Hồ Chí Minh giai đoạn 2011 – 2015, tính đến cuối tháng 4, các ngân hàng và TCTD trên địa bàn TP.HCM đã cho vay được 3.170 tỷ đồng (trong đó vay có hỗ trợ lãi suất là 1.841 tỷ đồng) để giúp các doanh nghiệp, trang trại, hợp tác xã và người dân chuyển đổi cơ cấu kinh tế theo hướng nông nghiệp đô thị.

Với khoản vay như trên, đã có khoảng hơn 1.600 phương án của 7.500 gia đình, trang trại, doanh nghiệp được vay vốn hỗ trợ lãi suất nhằm sản xuất các loại cây trồng, vật nuôi, thủy sản, diêm nghiệp và ngành nghề nông thôn. Trung bình mỗi hộ tiếp cận được khoảng 241 triệu đồng vốn vay ưu đãi.

Ông Lê Thanh Liêm, Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT TP. Hồ Chí Minh cho biết, tổng kinh phí được ngân sách Thành phố hỗ trợ lãi vay trong 2 năm 2011 và 2012 là 43,6 tỷ đồng. Thông qua nguồn vốn này, trong thời gian qua TP. Hồ Chí Minh đã giải quyết việc làm cho khoảng gần 19.000 lao động (trong đó 2.622 lao động là đối tượng thuộc hộ nghèo). Tính đến nay, giá trị sản xuất trên đơn vị diện tích đất nông nghiệp trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh đạt khoảng 240 triệu/ha/năm, tăng 74,4% so với năm 2008 (137 triệu/ha/năm).

Tuy nhiên, cũng theo ông Liêm, mức hỗ trợ lãi suất cho vay theo Quyết định 36 còn nhiều điểm chưa phù hợp thực tế. Chẳng hạn, quy định điều kiện hỗ trợ lãi vay đối với việc mua máy móc sản xuất nông nghiệp phải là máy móc sản xuất trong nước hoặc tỷ lệ nội địa hóa 60% rất khó thực hiện. Vì thế, cuối tháng 3/2013, UBND TP.HCM đã ban hành Quyết định số 13/2013/QĐ-UBND thay thế cho Quyết định 36. 

Theo quyết định mới này, lãi suất để tính hỗ trợ lãi vay là lãi suất huy động tiết kiệm bằng tiền đồng kỳ hạn 12 tháng bình quân của 4 ngân hàng thương mại trên địa bàn TP.HCM (Agribank, BIDV, Vietcombank, và Vietin Bank) công bố hàng tháng (loại trả lãi sau) cộng thêm 2%/năm. Ngoài ra, các dự án đầu tư sản xuất hoa lan, cây kiểng, cá cảnh hoặc nuôi trồng thủy sản nhằm khai thác hiệu quả nguồn nước kênh Đông (Củ Chi, Hóc Môn) sẽ được ngân sách Thành phố hỗ trợ 80% lãi suất. Các đơn vị, doanh nghiệp cam kết ký kết hợp đồng sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, mua nguyên nhiên vật liệu phát triển ngành nghề nông thôn sẽ được ngân sách Thành phố hỗ trợ 60% lãi suất.

 

Minh Tuấn (Kinhtenongthon.com.vn)