Dạy nghề, tạo việc làm cho hội viên, nông dân ở Cẩm Thủy

Dạy nghề, tạo việc làm cho hội viên, nông dân ở Cẩm Thủy
Đến thăm mô hình phát triển trồng trọt, chăn nuôi của gia đình anh Phạm Văn Nam, ở thôn Đồi, xã Cẩm Liên (Cẩm Thủy), được biết: Hai năm trước đây, gia đình anh Nam là một trong những hộ nghèo của xã, vậy mà giờ đây với mô hình trồng trọt, chăn nuôi này, gia đình anh đã vươn lên thành hộ khá.
Anh Nam chia sẻ: “Trước đây, nguồn thu nhập chính của gia đình chỉ trông chờ vào vài sào ruộng, có chăn nuôi thêm, nhưng nhỏ lẻ với dăm ba con gà, lợn. Năm 2011, được hội nông dân xã giới thiệu tôi theo học lớp đào tạo nghề trồng trọt, chăn nuôi, đồng thời hội đã tạo điều kiện giúp gia đình vay 20 triệu đồng từ quỹ hỗ trợ nông dân và tín chấp vay vốn Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Có vốn trong tay, tôi chuyển đổi gần 3 ha đất một vụ lúa kém hiệu quả sang trồng mía nguyên liệu và mở rộng chăn nuôi gia súc, gia cầm. Từ mô hình này, gia đình đã có thu nhập ổn định, từng bước thoát nghèo.

Cũng giống như anh Nam, gia đình anh Hà Nhất Thống, ở thôn Mới, xã Cẩm Giang cũng được học lớp trồng và chăm sóc mía do hội nông dân huyện tổ chức nên anh đã mạnh dạn đấu thầu diện tích đất 5% của xã..., trồng mía cung cấp nguyên liệu cho Công ty TNHH Đường mía Việt Nam – Đài Loan với tổng diện tích gần 170 ha. Hàng năm, sau khi trừ chi phí, gia đình anh Thống thu lãi gần 400 triệu đồng.

Xác định đào tạo nghề cho hội viên, nông dân là một trong những nhiệm vụ quan trọng của công tác hội để từng bước nâng cao hiệu quả sản xuất, cải thiện cuộc sống cho bà con nông dân, các cấp hội nông dân huyện Cẩm Thủy đã tích cực đẩy mạnh công tác tuyên truyền, tư vấn học nghề và giới thiệu việc làm giúp nông dân được tiếp cận với các chương trình đào tạo nghề. Trong 3 năm phối hợp triển khai Đề án “Dạy nghề cho lao động nông thôn” theo Quyết định 1956 của Thủ tướng Chính phủ, các cấp hội nông dân trong huyện đã giới thiệu được trên 2.000 hội viên nông dân học nghề  trồng trọt, chăn nuôi... Hội còn phối hợp với khuyến nông viên, trạm khuyến nông, trung tâm học tập cộng đồng các xã tổ chức gần 400 lớp chuyển giao khoa học - kỹ thuật cho gần 15.000 lượt người, tổ chức 14 hội thảo đầu bờ về trình diễn các loại giống mới; tạo điều kiện cho các hội viên, nông dân vay vốn đầu tư vào phát triển sản xuất...

Ông Yến Văn Bình, chủ tịch hội nông dân huyện, cho biết: Có thể khẳng định nhờ làm tốt công tác dạy nghề cho hội viên nông dân nên sau khi học nghề nhiều nông dân đã tự tạo thêm việc làm, nhiều người đã mở rộng sản xuất, kinh doanh, sử dụng kiến thức, kỹ năng vào hoạt động thực tiễn và trở thành nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi.