Đệm lót sinh học trong chăn nuôi: Công nghệ bảo vệ môi trường

Đệm lót sinh học trong chăn nuôi: Công nghệ bảo vệ môi trường
Chỉ với nguyên liệu là mùn cưa trộn với trấu và men vi sinh Balasa theo tỷ lệ phù hợp, sau 4 ngày ủ, bà con có thể đem ra sử dụng trong chăn nuôi, góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường. Đây là mô hình ứng dụng nền đệm lót sinh học, đang được nhiều nông dân áp dụng.
 
Sử dụng nền đệm lót sinh học làm giảm ô nhiễm môi trường và nhân công lao động.

Dẫn chúng tôi tham quan một phần khu chuồng trại của gia đình, anh Nguyễn Văn Lượng ở xóm 7, xã Bình Nghĩa (Bình Lục - Hà Nam) cho biết, nhờ ứng dụng đệm lót sinh học mà chuồng nuôi 20 con lợn của gia đình không hề có mùi hôi thối như trại chăn nuôi khác.

Năm 2011, khi quyết định mở rộng quy mô chăn nuôi, anh Lượng đã bỏ công theo dõi các chương trình khuyến nông, khuyến ngư, tìm hiểu tài liệu, sách báo và đặc biệt chú ý đến mô hình sử dụng đệm lót sinh học trong chăn nuôi lợn, gà công nghiệp. May mắn là đúng dịp đó, Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Hà Nam tổ chức lớp tập huấn về ứng dụng mô hình trên, anh Lượng là một trong những học viên đầu tiên đăng ký tham gia.

Đầu năm 2012, sau khi được tiếp cận mô hình, anh bàn với vợ tiến hành sử dụng đệm lót sinh học cho trang trại. Với tổng diện tích chuồng trại 260m2, anh làm thử đệm lót sinh học trên diện tích 180m2, còn 80m2 anh cũng nuôi lợn nhưng xử lý chất thải bằng hầm biogas.

Anh Lượng cho biết: So với hầm biogas thì công nghệ đệm lót sinh học có nhiều ưu điểm hơn, đó là giảm triệt để tình trạng ô nhiễm môi trường do chất thải chăn nuôi gây ra, chuồng trại đảm bảo sạch sẽ, không khí trong lành..., nhờ đó mà lợn ít bị mắc các loại dịch bệnh thông thường như sốt vi-rút, tiêu chảy...; góp phần ngăn chặn sự lây lan của những loại bệnh dịch như lở mồm long móng, tai xanh...

Bên cạnh đó, nền đệm lót sinh học được làm bằng mùn cưa, trấu ủ với men vi sinh nên sau khi sử dụng, bà con có thể làm phân bón cho cây trồng, giúp tăng độ phì nhiêu cho đất, thậm chí còn có thể làm thức ăn cho cá.

Theo TS. Nguyễn Khắc Tiến (Trường Đại học Nông nghiệp Hà Nội), việc sử dụng lớp đệm sinh học còn giúp bà con tiết kiệm thời gian và nhân công, bởi lớp đệm này có thể dùng 4 - 5 năm mới phải thay. Hàng ngày, người chăn nuôi chỉ cần trộn đều nền đệm lên, nếu có nhu cầu dùng phân, có thể lấy bớt rồi bổ sung nền đệm. Chi phí làm đệm lót không quá cao, khoảng 300.000 đồng/m3 mùn cưa.

Anh Lượng chia sẻ, hiện mô hình của gia đình đã được Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Hà Nam chọn làm điểm tham quan, trao đổi kinh nghiệm. Thời gian tới, anh sẽ tiếp tục mở rộng quy mô và phổ biến rộng rãi kỹ thuật đến với bà con trong vùng.

Nguyễn Thị Quỳnh

 

Nguồn:kinhtenonghton.com.vn