Quy định của EU về Ethoxyquin trong thủy sản

Quy định của EU về Ethoxyquin trong thủy sản
Ethoxyquin là chất chống ôxy hóa thuộc nhóm Quinoline, được sử dụng như một chất bảo quản thực phẩm (E324) và thuốc trừ sâu dưới tên thương mại Stop-Scald.

Thức ăn thủy sản do có hàm lượng chất béo cao và thành phần của chất béo chứa nhiều acid béo không no nên dễ bị ôxy hóa trong quá trình chế biến và bảo quản. Khi bị ôxy hóa, thức ăn sẽ có mùi ôi và mất đi các acid béo thiết yếu, các vitamin tan trong dầu như A, D, E, carotenoids bị phá hủy làm giá trị dinh dưỡng của thức ăn bị giảm. Do đó, việc bổ sung chất chống ôxy hóa trong thức ăn thủy sản là cần thiết. Chất chống ôxy hóa phải đảm bảo dễ tiêu hóa, không độc đối với vật nuôi, người tiêu dùng và có giá thành rẻ. Vì vậy, Ethoxyquin là một giải pháp tối ưu để giải quyết vấn đề này
 
Ngày 07/6/2017, EU đã ban hành quy định số 2017/962 về sử dụng Ethoxyquin trong thức ăn chăn nuôi. Theo đó, sau ngày 31/3/2020, EU quy định Ethoxyquin không được phép sử dụng trong tất cả các loại thức ăn chăn nuôi (bao gồm thức ăn thủy sản).

Tuy nhiên, đây không phải là vấn đề mới. Năm 1997, Mỹ khuyến cáo sử dụng Ethoxyquin từ 150 ppm xuống 75 ppm trong thức ăn thủy sản và bắt buộc tối đa 0,5 ppm trong sản phẩm động vật và thủy sản chưa nấu chín; năm 2012, Nhật Bản đã quy định giới hạn dư lượng Ethoxyquin trong thủy sản nhập khẩu (đặc biệt là tôm) là 0,01 ppm, sau đó tăng lên 0,2 ppm; năm 2013, Hàn Quốc cũng quy định giới hạn Ethoxyquin trong tôm đông lạnh nhập khẩu là 0,01ppm. Ở Việt Nam, không cấm sử dụng Ethoxyquin trong sản xuất thức ăn chăn nuôi và thủy sản, với ngưỡng giới hạn cho phép trong thức ăn thủy sản là 150 ppm. Ngoài Ethoxyquin, Nhật Bản từng kiểm tra gắt gao tôm Việt Nam về một số chất khác: Năm 2010 là Trifluralin, một chất có trong thuốc diệt cỏ được dùng xử lý nước và diệt ký sinh trùng gây bệnh cho tôm, năm 2011 là Enrofloxacin, một chất kháng sinh.

EU là thị trường quan trọng, và đang là thị trường lớn, có tính định hướng của thủy sản Việt Nam nói chung và Hà Tĩnh nói riêng. Năm 2019, tổng kim ngạch xuất khẩu thủy sản của Việt Nam đạt 8,6 tỷ USD; trong đó Mỹ là thị trường lớn nhất với giá trị nhập khẩu đạt 1,47 tỷ USD; Nhật Bản đứng thứ 2 với giá trị đạt 1,46 tỷ USD; Trung Quốc và Hồng Kông đứng thứ 3 với giá trị đạt 1,42 tỷ USD và EU đứng thứ 4 với giá trị đạt gần 1,3 tỷ USD; tại Hà Tĩnh, xuất khẩu thủy sản đạt 450 tấn có giá trị gần 5 triệu USD với các thị trường Nhật Bản Trung Quốc, Đài Loan, EU, Hàn Quốc.

Quy định của EU khác với quy định của các thị trường khác về Ethoxyquin trong thủy sản. Trong khi Nhật Bản, Hàn Quốc chỉ kiểm tra dư lượng Ethoxyquin trên sản phẩm thủy sản nhập khẩu, thì EU lại cấm sử dụng Ethoxyquin trong thức ăn chăn nuôi. Điều này đồng nghĩa với việc, EU không chấp nhận các sản phẩm chăn nuôi, thủy sản nhập khẩu có dư lượng Ethoxyquin, dù là ở hàm lượng rất thấp. Đây chính là nỗi lo lớn đối với ngành thủy sản cũng như doanh nghiệp xuất khẩu. Vì vậy, việc nghiên cứu tìm ra chất thay thế rất quan trọng để đảm bảo chất lượng và không còn tồn dư Ethoxyquin trong thủy sản xuất khẩu vào thị trường EU.
Theo Như Quỳnh/sonongnghiep.hatinh.gov.vn