ICM giúp nâng cao năng suất lạc

ICM giúp nâng cao năng suất lạc
Với sự hỗ trợ của Dự án Cạnh tranh Nông nghiệp về tiến bộ kỹ thuật, huyện Diễn Châu (Nghệ An) đã từng bước hình thành vùng chuyên canh lạc có năng suất, chất lượng cao, từ đó giúp nông dân có thêm thu nhập, cải thiện cuộc sống.

Lạc là một trong những cây trồng chủ lực và truyền thống của Nghệ An. Mỗi năm, tỉnh gieo trồng khoảng 24.000 - 25.000ha lạc, năng suất 20 - 22 tạ/ha, sản lượng 45.000 - 50.000 tấn. Tuy nhiên, năng suất lạc của Nghệ An vẫn còn thấp, quy mô sản xuất manh mún, nhỏ lẻ; kết quả sản xuất phụ thuộc nhiều vào điều kiện tự nhiên.

Xã Diễn Thịnh là một trong những địa phương có diện tích gieo trồng lạc lớn của huyện Diễn Châu (432 ha). Mặc dù có tiềm năng và lợi thế song những năm trước, bà con thường gieo trồng lạc theo kinh nghiệm, chưa áp dụng tiến bộ kỹ thuật để nâng cao năng suất, chất lượng. Công tác thu hoạch và chế biến sau thu hoạch ít được quan tâm đầu tư, hệ thống kho tàng, công nghệ chế biến, bảo quản lạc hậu. 

Ngày 11/10/2010, Liên minh sản xuất và tiêu thụ lạc tại xã Diễn Thịnh thuộc Dự án Cạnh tranh Nông nghiệp ra đời. Theo đó, việc áp dụng tiến bộ kỹ thuật được quan tâm, đặc biệt, nhờ ứng dụng quy trình quản lý dinh dưỡng tổng hợp (ICM) vào sản xuất đã tạo nên bước đột phá trong việc tăng năng suất, chất lượng lạc xuân.

Theo đó, trước mỗi vụ gieo trồng, các hộ được Trung tâm Khoa học kỹ thuật miền Trung tập huấn về quy trình quản lý dinh dưỡng tổng hợp, chuyển giao tiến bộ kỹ thuật... Ngay từ khâu làm đất, che phủ nylon đến chăm sóc lạc, cách phun dưỡng chất đa vi lượng đúng thời điểm, thu hoạch và bảo quản sản phẩm sau thu hoạch đều được cán bộ dự án hướng dẫn tận tình. Bên cạnh đó, các giống lạc năng suất cao, chất lượng tốt cũng được đưa vào sản xuất. Ngoài ra, nông dân tham gia liên minh còn được hỗ trợ 40% chi phí giống, phân bón, một số công cụ sản xuất. 

Trao đổi với phóng viên, ông Hoàng Tiễn Sy, Chủ nhiệm HTX Nông nghiệp Bắc Thịnh, đơn vị thực hiện dự án, cho hay: “Việc ứng dụng ICM đã làm thay đổi cách nghĩ, cách làm của người dân, năng suất, chất lượng lạc được cải thiện. Nhờ đó, bà con rất hăng hái tham gia, ban đầu chỉ có 160 hộ đăng ký nhưng con số này bây giờ là 703 hộ với 240ha lạc/năm”.

Vụ lạc xuân vừa qua, nông dân Diễn Thịnh lại được sống trong niềm vui được mùa, được giá. Năng suất lạc bình quân đạt 31 tạ/ha (vụ xuân năm 2011 đạt 30 tạ/ha; vụ xuân năm 2012 đạt 32 tạ/ha), cao hơn diện tích không tham gia Liên minh 4-5 tạ/ha; 100% sản phẩm làm ra được doanh nghiệp thu mua với giá 26.000 đồng/kg, cao hơn giá thị trường. Vì thế, bà con không phải lo chuyện tìm đầu ra và chịu cảnh ép giá của thương lái, từng bước hình thành vùng sản xuất hàng hóa.

Theo đánh giá, sau 2 năm thực hiện dự án, Diễn Thịnh có 480ha lạc xuân áp dụng ICM, tổng sản lượng 1.488 tấn, năng suất bình quân 31tạ/ha. Doanh thu toàn liên minh đạt 38,64 tỷ đồng. 

Trong niềm vui được mùa, ông Phan Ngọc Sơn ở xóm 2, xã Diễn Thịnh chia sẻ: “Trước đây, năm nào nhà tôi cũng trồng mấy sào lạc nhưng năng suất bấp bênh do phụ thuộc vào thiên nhiên. Nhưng giờ thì khác, nhờ được chuyển giao tiến bộ kỹ thuật nên năng suất vượt trột (đạt 3,5 tạ/sào), giá bán cũng cao hơn, thu nhập của gia đình được cải thiện”.

Ông Cao Ngọc Thắng, Phó chủ tịch UBND xã Diễn Thịnh cho biết: “Dự án Cạnh tranh Nông nghiệp đã mang lại nhiều đổi thay cho địa phương. Trình độ canh tác của người dân được nâng lên, từ đó cải thiện năng suất, chất lượng nông sản. Hiệu quả của mô hình ICM đang thể hiện rõ trên từng cánh đồng lạc của địa phương. Chúng tôi mong mô hình tiếp tục được nhân rộng để ngày càng có nhiều nông dân được thụ hưởng”.

Phạm Thắng
Nguồn: kinhtenongthon.com.vn