Chủ động phòng, chống cháy rừng

Mới đây, Cục Kiểm lâm (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) liên tục có thông tin cảnh báo cháy rừng ở hầu hết các địa phương có diện tích rừng lớn.

 

Thực tế thời gian qua, nhiều nơi đã xảy ra cháy rừng, tập trung ở các tỉnh miền núi phía bắc, miền trung và Tây Nguyên. Nguyên nhân của các vụ cháy được xác định do thời tiết hanh khô kéo dài và ý thức của một bộ phận cán bộ, người dân chưa cao.

Theo Chi cục Kiểm lâm tỉnh Gia Lai, toàn tỉnh hiện có hơn 120 khu vực trọng điểm có nguy cơ cháy rừng cao, trong đó 50 điểm là rừng vô chủ do cấp xã quản lý. Trong khi đó, năng lực phòng cháy, chữa cháy rừng chưa đáp ứng được yêu cầu do thiếu kinh phí. Mùa khô năm 2013, tỉnh này đã xảy ra bốn vụ cháy rừng, gây thiệt hại hơn 400 ha rừng. Tỉnh Kon Tum hiện có 40 nghìn ha rừng trồng dễ cháy, trong khi công tác phòng, chống cháy rừng (PCCR) cũng chưa đáp ứng yêu cầu.

Tại các tỉnh miền núi phía bắc, gần đây, do thời tiết hanh khô và một phần do các địa phương lơi lỏng trong PCCR cho nên đã xảy ra cháy rừng ở nhiều nơi, như Quảng Ninh, Lào Cai, Vĩnh Phúc, Bắc Ninh... Trong đó, có vụ cháy rừng phòng hộ tại phường Vân Dương, TP Bắc Ninh (tỉnh Bắc Ninh) làm chết một người. Ðáng lưu ý, vụ cháy rừng Hoàng Liên, tỉnh Lào Cai xảy ra đúng dịp Tết Nguyên đán Giáp Ngọ. Mặc dù chỉ trong vòng 24 giờ đám cháy được dập tắt, thiệt hại do vụ cháy gây nên không lớn, song qua đó, gióng lên hồi chuông cảnh báo về công tác PCCR, nhất là ở các vườn quốc gia, rừng phòng hộ có địa bàn hiểm trở, khó khăn cho công tác huy động nhân lực và phương tiện chữa cháy.

Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng - Thủy văn T.Ư, mùa khô năm 2013 - 2014, tình hình thời tiết diễn biến phức tạp. Hiện nay, tại các tỉnh miền núi phía bắc rét đậm, rét hại đã xảy ra ở nhiều nơi dẫn đến thảm bì khô, nỏ, làm tăng vật liệu gây cháy. Dự báo, thời gian tới, tình trạng nắng nóng và khô hạn tiếp tục xảy ra tại nhiều địa phương trên cả nước. Ðể chủ động trong công tác PCCR, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã có công điện khẩn yêu cầu chính quyền các địa phương, các cơ quan hữu quan tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật trong cộng đồng dân cư về công tác bảo vệ rừng và PCCR, tổ chức lực lượng Kiểm lâm gắn với chính quyền, với dân, với rừng; chỉ đạo các lực lượng liên ngành thực hiện tốt quy chế phối hợp trong công tác PCCR, trang bị tốt các phương tiện, thiết bị PCCR, bảo đảm xử lý kịp thời các tình huống cháy xảy ra; tăng cường quản lý các hoạt động canh tác nương rẫy gần rừng, quy định cụ thể khu vực nghiêm cấm đốt rẫy và những hành vi dùng lửa khác, hướng dẫn và quản lý chặt chẽ việc đốt nương làm rẫy theo quy hoạch. Bên cạnh đó, các lực lượng chức năng cần tuần tra kiểm soát thường xuyên, phát hiện sớm cháy rừng để chủ động xử lý kịp thời. Các địa phương và người dân cần thường xuyên theo dõi thông tin cảnh báo cháy rừng để chủ động phòng ngừa, kiểm tra, phát hiện sớm điểm cháy rừng, có phương án chủ động phòng, chống.

VŨ THÀNH
Nguồn nhandan.org.vn