Vật tư nông nghiệp bị làm giả: Cần xử lý hình sự?

Vật tư nông nghiệp bị làm giả: Cần xử lý hình sự?
Cần phải phạt thật nặng, xử lý hình sự các đối tượng vi phạm trong sản xuất, buôn bán vật tư nông nghiệp giả.

Hàng loạt vụ làm hàng giả, hàng nhái trong lĩnh vực vật tư nông nghiệp đã bị phát hiện trong thời gian gần đây. Việc làm giả vật tư nông nghiệp gây thiệt hại năng nề tới những nhà đầu tư chân chính, khiến họ không còn niềm tin vào sản xuất. Nặng nề hơn, vật tư nông nghiệp bị làm giả gây ảnh hưởng lớn đến đồng ruộng, đến môi trường sinh thái, sức khỏe người tiêu dùng, bà con nông dân, làm thất thu ngân sách Nhà nước. 

Từ thuốc bảo vệ thực vật, phân bón, rồi thóc giống… có lẽ vào thời điểm này, các loại vật tư nông nghiệp là loại hàng bị làm giả, làm nhái nhiều nhất từ trước đến nay. Các mặt hàng này được bày bán tràn lan trên thị trường. Chỉ đơn cử như tại tỉnh Bắc Giang, một tỉnh sản xuất nông nghiệp còn chưa phải là nhiều. nhưng, tỉnh trạng phân bón giả, phân bón nhái đã thực sự trở thành nỗi đau đầu của các cơ quan chức năng, nhà sản xuất và người nông dân, đặc biệt vào thời điểm vụ mùa ở miền bắc vừa cấy xong như hiện nay. 

Thị trường phân bón giả, phân bón nhái có thể xem như ma trận với bà con nông dân. Hàng chục, hàng trăm loại phân bón với đủ nhãn mác, tên gọi, xuất xứ, qua kiểm tra của cơ quan chức năng hầu hết không đạt đủ dinh dưỡng với cây trồng.

Tuy nhiên, chúng vẫn xuất hiện với mật độ dày đặc. Tại khu vực miền Trung, chỉ trong mấy tháng trở lại đây, lực lượng chức năng đã bắt giữ gần 100 vụ vi phạm, trong đó chủ yếu là mặt hàng phân bón. Hiện chưa có con số thống kê đầy đủ về thiệt hại của phân bón giả, thuốc bảo vệ thực vật giả, kém chất lượng. Nguyên nhân là các cơ quan chức năng mới chỉ kiểm soát được một phần rất nhỏ.

 

Cơ quan chức năng kiểm tra một cơ sở sản xuất phân bón giả (Ảnh minh họa)

Hơn nữa, do tác động của những loại vật tư này đối với sản xuất diễn ra ở nhiều góc độ, nhiều lĩnh vực… nên việc có số liệu đánh giá một cách đầy đủ rất khó khăn. Thực trạng này khiến người nông dân không chỉ mất tiền, mất tài sản, mà còn mất lòng tin vào các cơ quan quản lý, ảnh hưởng trực tiếp đến sự phát triển của nền nông nghiệp trong nước. Vậy vì sao việc xử lý các loại vật tư nông nghiệp bị làm giả, làm nhái trong thời gian qua chưa đạt được như mong muốn?

Có thể nói, các doanh nghiệp vi phạm hầu hết là những doanh ngiệp nhỏ, có thời gian đăng ký kinh doanh rất ngắn, bán được một lô hàng là họ sẽ thành lập một tên gọi khác để tiếp tục kinh doanh. Đây chính là yếu tố vì sao việc xử phạt, rút giấy phép không thể ngăn chặn được tình trạng này. Hơn thế nữa, thực tế hiện nay, chúng ta đang tập trung quản lý phần ngọn, tức là quản lý vật tư khi đã lưu thông trên thị trường mà chưa quản lý ngay từ đầu vào, tức là kiểm tra phần nguyên liệu, điều kiện sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp.

Nếu chúng ta xử lý từ gốc thì chắc chắn sẽ dễ dàng hơn rất nhiều trong việc quản lý chất lượng các loại vật tư như hiện nay. Bên cạnh đó, sự phân công về quản lý nhà nước vẫn đang chồng chéo. Ngay như mặt hàng phân bón, hiện nay, Bộ Công thương quản lý về phân bón vô cơ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chịu trách nhiệm về phân bón hữu cơ và các loại phân bón khác. Điều này vô hình chung tạo ra khe hở của pháp luật để các đối tượng vi phạm.

Để xử lý triệt để tình trạng vật tư nông nghiệp bị làm giả, làm nhái, chúng ta cần phải khắc phục khẩn trương những tồn tại bất cập trong quản lý, điều tra tận gốc cơ sở sản xuất, phạt thật nặng, xử lý hình sự các đối tượng vi phạm mới có thể tạo được môi trường làm ăn lành mạnh cho các doanh nghiệp chân chính và mang lại lợi ích thiết thực cho người nông dân./.

Phương Hà/VOV1
Theo VOV.VN