Bắc Giang phát huy tiềm năng, nội lực phát triển kinh tế

Bắc Giang phát huy tiềm năng, nội lực phát triển kinh tế
Tỉnh Bắc Giang triển khai thực hiện nhiều chương trình, giải pháp nhằm phát huy tiềm năng, nội lực phát triển kinh tế - xã hội. Theo đó, tỉnh tập trung tháo gỡ khó khăn, đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh; thu hút đầu tư, hỗ trợ phát triển các sản phẩm trọng điểm, có tiềm năng; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp. Tỉnh cũng triển khai quyết liệt các biện pháp cải thiện môi trường đầu tư, các chỉ tiêu về môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh; nâng cao hiệu quả quản lý, sử dụng ngân sách, phát triển nguồn thu, chống thất thu ngân sách.

Nông dân tỉnh An Giang thu hoạch lúa. Ảnh: NGÔ CHUẨN

Tỉnh đã dự toán và phân bổ dự toán ngân sách nhà nước; xây dựng kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016 - 2020 và năm 2018; danh mục các công trình, dự án thu hồi đất, chuyển mục đích sử dụng đất năm 2018… Tập trung chỉ đạo công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng; tăng cường quản lý quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, tỉnh Bắc Giang đã quyết định thành lập ba đoàn giám sát của HĐND tỉnh về: việc chấp hành pháp luật môi trường; thực hiện phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” giai đoạn 2015-2017; chấp hành pháp luật về phòng, chống tham nhũng giai đoạn 2016 - 2018 trên địa bàn tỉnh.

Đồng thời, siết chặt kỷ luật hành chính, tạo chuyển biến mạnh mẽ trong thực thi công vụ, xử lý nghiêm các hành vi tiêu cực, vi phạm pháp luật, sách nhiễu người dân và doanh nghiệp; tăng cường công tác thông tin tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước.

* Từ đầu năm đến nay, tỉnh An Giang đã huy động được gần 300 tỷ đồng để thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới. Quá trình này, tỉnh tập trung phát triển nhanh về quy mô, chất lượng, sức cạnh tranh đối với tám nhóm sản phẩm nông nghiệp hàng hóa, trong đó có hai sản phẩm chủ lực của tỉnh là lúa gạo và cá tra. Với những bất cập, thách thức đặt ra trong sản xuất nông nghiệp, tỉnh coi trọng đổi mới, tổ chức lại sản xuất theo quy mô lớn, hàng hóa và theo chuỗi giá trị; nhân rộng các mô hình liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi giá trị nhằm tăng hiệu quả kinh tế cho nông dân, hộ kinh doanh.

Năm 2018, nhằm thúc đẩy chương trình xây dựng nông thôn mới rộng khắp, tỉnh tập trung xử lý môi trường khu vực nông thôn, tăng tỷ lệ sử dụng bảo hiểm y tế; quan tâm vấn đề dinh dưỡng, sức khỏe cho nhân dân, nhất là trẻ em và người cao tuổi; đồng thời, có các giải pháp phù hợp để giữ vững và nâng chất lượng các xã nông thôn mới, phấn đấu đến năm 2020 có 50% số xã đạt chuẩn nông thôn mới và một huyện đạt chuẩn nông thôn mới.

Theo P.V/Báo Nhân Dân .vn