Hoàn thiện mô hình tổ chức thôn, bản

Những năm gần đây, gắn liền với quá trình xây dựng nông thôn mới, nhiều địa phương đã tiến hành sáp nhập, sắp xếp mô hình thôn, bản theo hướng tinh, gọn. Công tác này được tỉnh Quảng Ninh thực hiện đạt hiệu quả. Chất lượng đội ngũ cán bộ thôn, bản được nâng cao mỗi năm tiết kiệm được hàng trăm tỷ đồng chi vận hành bộ máy khu vực này. Tại tỉnh Hà Tĩnh, sau 5 năm triển khai đã giảm được 707 đầu mối thôn, bản. Các tỉnh miền trung như Quảng Nam, Quảng Ngãi cũng đang nghiên cứu, tích cực áp dụng việc sáp nhập các thôn, tổ dân phố để nâng cao quy mô diện tích cũng như tăng số lượng hộ dân. Các địa phương đã thực hiện mô hình bí thư chi bộ kiêm trưởng thôn, mang tính thuyết phục trên nhiều phương diện.

Việc giảm đầu mối, gắn liền việc thành lập thôn, bản mới theo hướng tăng quy mô diện tích và số hộ gia đình nêu trên đã giảm được số lượng, tổ chức cán bộ cấp thôn; tiết kiệm cho ngân sách từ vài chục đến hàng trăm tỷ đồng mỗi năm; góp phần mở hướng cho sản xuất, kinh doanh phát triển; nâng cao hiệu quả quản lý, đầu tư cho cộng đồng dân cư tại các địa phương.

Tuy nhiên, tại một số tỉnh, vấn đề nêu trên lại chưa được quan tâm, coi trọng đúng mức, hoặc tiến hành "nóng vội, gượng ép", thiếu tính khoa học, đồng bộ, chưa hiệu quả...

Việc sắp xếp hoàn thiện tổ chức thôn, bản cần được tập trung, triển khai, thực hiện thống nhất tại các địa phương, nhất là trong quá trình đẩy mạnh xây dựng nông thôn mới hiện nay. Vấn đề này cần có sự tổng kết toàn diện cả về lý luận và thực tiễn để có giải pháp khoa học, đồng bộ, đạt được sự đồng thuận của cộng đồng. Theo đó, bảo đảm thôn, bản phải có cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội thiết yếu; tinh giản tổ chức gắn liền nâng cao chất lượng cán bộ, giảm chi phí ngân sách; coi trọng bảo tồn, phát huy được các yếu tố lịch sử, văn hóa truyền thống của địa phương; phát huy cao nội lực của nhân dân.

Theo Lê Thụy Anh/Báo Mhaan Dân.VN