Hợp tác xã chè Ngân Sơn Trung Long đa dạng hóa hình thức sản xuất chè sạch

Hợp tác xã (HTX) chè Ngân Sơn Trung Long là HTX điển hình về sản xuất chè sạch theo tiêu chuẩn VietGAP đảm bảo an toàn từ khâu chăm sóc, thu hoạch đến khâu chế biến. Hợp tác xã đã mở rộng được thị trường tiêu thụ chè ở nhiều tỉnh, thành phố. Vượt qua khó khăn, HTX Ngân Sơn Trung Long đang chạm tới mục tiêu trở thành cơ sở đầu tiên ở Tuyên Quang sản xuất chè sinh học.
HTX chè Ngân Sơn Trung Long được thành lập từ tháng 9/2015, cùng với sự hỗ trợ của Nhà nước, HTX đã nâng cấp xưởng chế biến, dây chuyền đóng gói hút chân không, đăng ký logo thương hiệu, nhãn mác. Tháng 4/2017, sản phẩm chè xanh của Hợp tác xã được Cục Sở hữu Trí tuệ cấp giấy chứng nhận nhãn hiệu tập thể “Chè xanh Trung Long”. 
Hợp tác xã chè Ngân Sơn Trung Long là HTX điển hình về sản xuất chè sạch theo tiêu chuẩn VietGAP đảm bảo an toàn từ khâu chăm sóc, thu hoạch đến khâu chế biến, đáp ứng đúng và đầy đủ 60 tiêu chí về sản xuất. HTX có 8 thành viên chính thức và 32 thành viên liên kết, với tổng diện tích trên 20 ha chè sạch. Trong đó có 5,5 ha chè được trồng theo tiêu chuẩn VietGAP đạt năng suất 15,1 tấn/ha. Mỗi hộ trồng chè trong HTX đều có một mã số được in trên bao bì khi đóng gói sản phẩm để dễ dàng kiểm tra nguồn gốc sản phẩm. HTX đã và đang liên kết với các doanh nghiệp, các đơn vị cung ứng vật tư đầu vào và bao tiêu sản phẩm chè không chỉ cho HTX mà còn tạo điều kiện cho các hộ nông dân trên địa bàn ổn định đầu ra.
Nhờ sản xuất khoa học, năng suất, chất lượng, giá chè tăng lên, thu nhập theo đó được nâng cao.
Ngoài sản xuất chè theo tiêu chuẩn VietGAP, HTX đang đẩy mạnh sản xuất chè sinh học. Những ha chè sinh học thí điểm đã cho ra mẻ sản phẩm đầu tiên, được các cơ sở kiểm định chất lượng đánh giá cao. Trong khi chờ những tài liệu của các tổ chức kiểm định sản phẩm khẳng định chất lượng chè sinh học, HTX cũng đang tích cực tổ chức tập huấn cho xã viên và các hộ hợp tác cách thức trồng chè hữu cơ, với những yêu cầu nghiêm ngặt phải tuân thủ để đảm bảo sản phẩm theo tiêu chuẩn, đồng thời tổ chức tốt chuỗi sản xuất từ trồng chè, thu hoạch, chế biến, tiêu thụ sản phẩm… 
Để trồng chè theo quy trình nông nghiệp hữu cơ, ban đầu các hộ tham gia thực hiện mô hình không sử dụng các chất hóa học như phân hóa học, thuốc trừ sâu hay thuốc trừ cỏ. Người trồng chè sử dụng các các loại phân ủ hoai mục và các loại phân hữu cơ khác nhằm tăng độ phì nhiêu cho đất. Để kiểm soát sâu bệnh, người dân thường dùng các biện pháp thủ công để bắt sâu...
Có thể thấy, trước đây, các quy trình trồng chè hữu cơ vẫn mang tính chất thủ công, do đó, để nâng cao hiệu quả từ mô hình sản xuất chè hữu cơ, HTX Ngân Sơn Trung Long đã có thời gian 2 năm tái thiết đất, dùng chế phẩm vi sinh làm sạch đất, nước, loại bỏ tồn dư phân bón hóa học, thuốc bảo vệ thực vật, đến nay diện tích đã bắt đầu bước vào khâu sản xuất sản phẩm, đem lại hiệu quả kinh tế cao.
Các thành viên HTX chè Ngân Sơn Trung Long, xã Trung Yên (Sơn Dương) thu hái chè hữu cơ
Trồng chè an toàn rất kỳ công, chi phí cao hơn so với cách làm chè thông thường, song cái được lớn nhất là sức khỏe người sản xuất và tiêu dùng được bảo đảm. Ngoài ra, người dân trong xóm cũng tích cực sử dụng các thiết bị máy móc để giảm sức lao động, nâng cao năng suất lao động. Hiện nay, mỗi gia đình có từ 2-3 chiếc tôn sao chè, máy vò chè. Có 90% số hộ dân chế biến chè bằng tôn inox vì tôn inox bền hơn, lại sạch, không gỉ. Lò sao chè được cải tiến, giúp tiết kiệm củi, chất đốt, giảm thời gian chế biến và hạn chế khói, bụi nên không ảnh hưởng đến chất lượng chè.
Sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, được đăng ký nhãn hiệu hàng hóa và đưa đi giới thiệu tại nhiều hội chợ ở Hà Nội, Hải Phòng, sản phẩm chè của HTX Ngân Sơn Trung Long ngày càng khẳng định tên tuổi trên thị trường. Sản phẩm của HTX được tiêu thụ ở nhiều tỉnh, thành phố như Hải Dương, Hải Phòng, Hà Nội, Ninh Bình, Thanh Hóa, Gia Lai, Tp.HCM...  100% sản phẩm chè VietGAP của HTX được ký hợp đồng tiêu thụ. Chè sàn xuất theo quy trình hữu cơ năng suất giảm 30% so với chè sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, nhưng chất lượng chè được đảm bảo hơn và giá bán cao gấp đôi. Cụ thể, mỗi sào chè  hữu cơ mỗi lứa thu được 20 kg chè khô, giá bán 400.000- 600.000 đồng/kg.
Ngay từ khi thành lập HTX, phương phápVietGap đã được HTX lựa chọn để phát triển vùng chè gắn với xây dựng thương hiệu. Với điều kiện khí hậu, đất đai phù hợp cho cây chè phát triển, kết hợp với mô hình tưới tự động và sử dụng chủ yếu phân hữu cơ vi sinh nên sản phẩm chè của HTX thu được đạt chất lượng cao.
Nhận thấy hiệu quả kinh tế mà mô hình này đem lại, xã Trung Yên đã chủ động phân công cán bộ tới các thôn chỉ đạo, hướng dẫn nhân dân khắc phục những ảnh hưởng của thời tiết, sâu bệnh. Tổ chức tập huấn, chuyển giao khoa học kỹ thuật, áp dụng hướng canh tác, nhân rộng mô hình chè VietGAP trong toàn xã đáp ứng nhu cầu thị trường, kết hợp với việc tuyên truyền, quảng bá sản phẩm rộng rãi đến tay người tiêu dùng.
 HTX chè Ngân Sơn Trung Long đã giúp cho nhiều hộ gia đình tại địa phương thoát nghèo, vươn lên trở thành hộ có thu nhập khá. Thời gian tới, HTX sẽ tiếp tục nhân rộng mô hình trồng chè theo tiêu chuẩn VietGAP, khẳng định chất lượng sản phẩm và thương hiệu chè Ngân Sơn Trung Long đến người tiêu dùng trong và ngoài nước.
Là HTX điển hình về sản xuất chè sạch theo tiêu chuẩn VietGap đảm bảo an toàn từ khâu chăm sóc, thu hoạch đến khâu chế biến. Vì vậy, để tiếp tục nâng cao hơn nữa chất lượng và giá trị sản phẩm chè, năm 2019 HTX chè Ngân Sơn Trung Long đã xây dựng mô hình sản xuất chè theo tiêu chuẩn hữu cơ với 4 ha. Vượt qua khó khăn, HTX Ngân Sơn - Trung Long đang chạm tới mục tiêu trở thành cơ sở đầu tiên ở Tuyên Quang sản xuất chè sinh học.
Theo snntuyenquang/http://vca.org.vn/