Làm giàu trên đất quê hương

Làm giàu trên đất quê hương
Có trong tay cơ ngơi hàng tỷ đồng nhưng ông vẫn chưa bằng lòng với kết quả mình đạt được, bởi duy nhất một lẽ: “Mình còn sức khoẻ, quê hương còn tiềm năng thì phải quyết tâm làm giàu để không lãng phí tài nguyên”, câu nói đặc chất giọng của đất Hải Phú đã thể hiện rõ quyết tâm của ông, người thương binh gương mẫu, một nông dân chịu khó làm giàu. Ông chính là Nguyễn Sỹ Hùng, thôn Phú Hưng, xã Hải Phú (Hải Lăng, Quảng Trị).

Ông Nguyễn Sỹ Hùng giới thiệu về những dự định mới trên trang trại tổng hợp


Vượt qua đồi thông, trước mắt chúng tôi dần hiện ra trang trại tổng hợp tọa lạc tại một thung lũng bằng phẳng. Bên cạnh những ao cá là hệ thống chuồng trại quy mô chăn nuôi lợn. Xa hơn, trước mặt là từng dãi đất trồng sắn KM94. Cởi mở, vui vẻ, trong câu chuyện với chúng tôi, ông Nguyễn Sỹ Hùng kể về những ngày gắn bó với trang trại. 

Năm 1979, ông Hùng trở về từ chiến trường Tây Nam với tỷ lệ thương tật 63%, thương binh hạng 2/4. Sau khi lập gia đình, ngoài mấy sào ruộng khoán, ông xin làm thêm thủ kho cho HTX để kiếm thêm thu nhập cho gia đình. Đến năm 1990, trước nhu cầu sử dụng nước đá của địa phương, ông Hùng vay thêm vốn đầu tư làm nhà máy sản xuất nước đá. Là mô hình mới trên địa bàn nên ngay từ mùa hè năm đầu tiên đã cho ông thu nhập khá. Chăm chỉ từ công việc đồng áng đến kinh doanh buôn bán, kinh tế gia đình ông Hùng dần được cải thiện. 

Tuy nhiên, ngay thời điểm đó, ông Hùng đã sớm nhận thấy muốn làm giàu thì phải tìm hướng phát triển lâu dài và ổn định hơn chứ không đơn thuần chỉ dựa vào buôn bán nhỏ. Năm 1992, thấy vùng Đồng Thỉu đất đai bỏ hoang, có địa thế bằng phẳng, gần nguồn nước, ông Hùng làm đơn xin chính quyền địa phương làm trang trại. 

“Ngày trước, đây là vùng rừng núi hoang sơ, cây cối vượt đầu người. Với nắm cơm và ấm chè xanh, vợ chồng tôi hì hục suốt gần tháng trời để phát cây, làm cỏ. Vừa khai hoang, vừa nhặt củi, hàng trăm gánh củi rừng được mang ra chợ bán kiếm thêm thu nhập để mua cây giống”. 

Ban đầu, ông Hùng chỉ khai hoang khoảng 3 ha, vừa đào ao nuôi cá, trồng sắn và chăn nuôi gà, lợn thả. Với lợi thế nguồn thức ăn sẵn có trong tự nhiên, môi trường chăn nuôi tốt nên ngay từ vụ đầu tiên, trừ chi phí ông Hùng lãi ròng gần 100 triệu đồng. 

Phấn khởi vì thành công bước đầu, ông Hùng tiếp tục mở rộng quy mô trang trại, tích cực học hỏi thêm kinh nghiệm từ các nơi khác để áp dụng. Đến nay, trang trại tổng hợp của ông Hùng đã rộng trên 6 ha với đủ các loại cây trồng, vật nuôi có giá trị, trong đó rừng tràm 4 ha, hệ thống ao nuôi cá rộng trên 1,5 ha và gần 2 ha trồng sắn nguyên liệu. Ngoài ra, ông Hùng còn nhận đấu thầu 2 con suối cạnh trang trại để nuôi thêm cá tự nhiên. Sau khi trừ mọi chi phí, hàng năm ông Hùng thu lãi trên 200 triệu đồng từ mô hình trang trại tổng hợp. 

Trên 20 năm gắn bó với trang trại, bí quyết quan trọng nhất để ông Hùng thành công chính là việc biết chọn lựa cây trồng, con nuôi phù hợp. Ông Hùng cho biết, phải thường xuyên học tập kinh nghiệm để chọn cây trồng, vật nuôi sao cho phù hợp với nhu cầu của thị trường tiêu thụ. Chẳng hạn như từ khi nhà máy tinh bột sắn Hải Lăng đi vào hoạt động, trước nhu cầu về nguồn nguyên liệu rất lớn, ông Hùng đã dành phần lớn diện tích đất để trồng sắn KM94. Nhưng có thời điểm sắn có chiều hướng rớt giá, ông lại chuyển dần một phần diện tích sắn sang trồng rừng để tránh bị thua lỗ. 

Hay như trong việc chăn nuôi lợn, hiện nay đang phổ biến mô hình chăn nuôi lợn bán công nghiệp tại các địa phương. Những năm gần đây, tình trạng lợn rớt giá, thức ăn chăn nuôi tăng cao đã ảnh hưởng không nhỏ đến thu nhập của người dân. Trước tình hình đó, ông Hùng đã chọn cho mình một hướng đi riêng trong chăn nuôi đó là kết hợp chăn nuôi tập trung và nuôi lợn thịt theo hình thức thả rông. Chính phương thức chăn nuôi này đã hạn chế ảnh hưởng của dịch bệnh, tiết kiệm chi phí chăn nuôi và bán được giá trên thị trường. Trong nuôi cá, ông Hùng cũng kết hợp giữa nuôi tập trung và nuôi cá tự nhiên để nâng cao thu nhập. 

Rời trang trại tổng hợp, chúng tôi ghé thăm cơ ngơi khang trang của ông Hùng nằm ngay cạnh đường bê tông dẫn vào thôn Phú Hưng. Ông chia sẻ, nhờ thành công với mô hình trang trại tổng hợp, năm 2010 ông đã xây được căn nhà trị giá trên 800 triệu đồng và nuôi các con ăn học đến nơi đến chốn. Hiện tại, ngoài làm trang trại, ông Hùng còn làm thêm 6 sào ruộng và trên 1,2 mẫu hoa màu để tăng thu nhập. 

Khi hỏi về dự kiến trong thời gian tới, ông Hùng cho biết: “Hiện tại tôi đang học kinh nghiệm trồng cây cao su tiểu điền từ miền Nam. Nhận thấy điều kiện đất đai, khí hậu ở Quảng Trị khá thuận lợi cho trồng cao su nên dự định đến cuối năm, sau khi thu hoạch xong 4 ha rừng tràm, tôi sẽ chuyển sang trồng cao su tiểu điền. Trong thời gian chờ cao su cho thu hoạch, tôi sẽ trồng xen thêm một số loại hoa màu khác để có thêm thu nhập hàng năm”. 

Với cách làm hay và sáng tạo trong suy nghĩ, ông Nguyễn Sỹ Hùng đã trở thành một trong những người đầu tiên của xã Hải Phú thành công với mô hình kinh tế trang trại tổng hợp, là một hội viên nông dân tiêu biểu trong phong trào sản xuất, kinh doanh giỏi của địa phương. 

                                              Bài, ảnh: LỆ NHƯ
Theo  baoquangtri.vn
Ha Giang (ST)