Vân Đồn: Đẩy mạnh thực hiện ba đột phá chiến lược

Triển khai các chỉ thị, nghị quyết của Trung ương về thực hiện ba khâu đột phá chiến lược, huyện Vân Đồn đã chủ động xây dựng nhiều nghị quyết, kế hoạch để cụ thể hóa trong thực tiễn ở địa phương.
Tuyến đường giao thông thôn Đài Van, xã Đài Xuyên, đã được bê tông hóa.

Thời gian qua, huyện Vân Đồn đã huy động tối đa nguồn lực để hoàn thành các tuyến đường trục chính trên địa bàn. Điển hình là tuyến các đường nối từ tỉnh lộ 334 đến Cảng hàng không quốc tế Vân Đồn, từ khu tái định cư xã Vạn Yên đến Khu công viên phức hợp phía Đông đảo Cái Bầu... Đặc biệt, từ nguồn vốn của Chương trình xây dựng nông thôn mới, huyện đã bê tông hóa 100% tuyến đường liên xã, liên thôn trên địa bàn. Chỉ tính riêng năm 2019, huyện đã bàn giao và đưa vào sử dụng 25 công trình với tổng số tiền đầu tư lên tới trên 250 tỷ đồng.

Kết cấu hạ tầng giao thông được triển khai đồng bộ đã và đang tạo ra thế và lực mới để Vân Đồn vươn lên về mọi mặt. Cụ thể, tổng giá trị sản xuất năm 2019 của huyện đạt 5.174 tỷ đồng (tăng 6 tỷ đồng so với kế hoạch năm); tốc độ tăng giá trị sản xuất đạt 18,2% (tăng 0,2% so với kế hoạch); tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hoá trên địa bàn đạt 0,75 triệu USD (tăng 0,02 triệu USD so với kế hoạch); tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn đạt 645 tỷ đồng (tăng 90,8% so với kế hoạch)...

Kinh tế có bước tăng trưởng mạnh giúp cho công tác giảm nghèo của địa phương thu được những kết quả đáng mừng. Nếu như năm 2018, toàn huyện còn 2,24% thì hết năm 2019 đã giảm xuống còn 1,46%...

Công tác cải cách hành chính là một trong 3 khâu đột phá chiến lược được Đảng bộ huyện Vân Đồn quan tâm, đẩy mạnh. Năm 2019, các cơ quan chức năng của huyện đã phối hợp chặt chẽ, thực hiện nhất quán các chủ trương về cải cách hành chính với những bước đi phù hợp thông qua việc tham mưu cho UBND huyện ban hành các kế hoạch thực hiện các giải pháp nâng cao chất lượng chỉ số cải cách hành chính PAR INDEX, chỉ số hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước SIPAS, hiệu quả quản trị DGI, chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công PAPI, DDCI, ICT.

Cùng với đó, các cơ quan, đơn vị trên địa bàn huyện đã tăng cường sử dụng chữ ký số trong trao đổi văn bản điện tử, đồng thời rà soát danh mục thủ tục hành chính, tăng số lượng dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4... Hiện nay, Trung tâm Hành chính công huyện đã niêm yết 100% thủ tục hành chính cấp huyện. Năm 2019, trung tâm đã tiếp nhận và xử lý 16.012 hồ sơ, đã giải quyết xong 15.624 hồ sơ, đạt 97,9%; tiếp nhận 206 hồ sơ dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 và 4 qua website dịch vụ công của tỉnh để xử lý, giải quyết...

Kết quả của công tác cải cách thủ tục hành chính ở huyện Vân Đồn đã từng bước đáp ứng được nhu cầu của tổ chức, cá nhân. Bà Hoàng Thị Mai, trú tại thôn Cặp Tiên, xã Đông Xá, chia sẻ: Các thủ tục hành chính được niêm yết công khai, cán bộ Trung tâm Hành chính công huyện tận tình hướng dẫn, nên quá trình làm thủ tục xin cấp quyền sử dụng đất của gia đình được tiến hành rất thuận tiện...

Việc phát triển nguồn nhân lực đóng vai trò quyết định đến sự phát triển của địa phương, vì vậy huyện đã chỉ đạo triển khai kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng cụ thể, nên đã không ngừng nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ các cấp. Năm 2019, toàn huyện đã cử 539 cán bộ, công chức, viên chức tham gia các lớp bồi dưỡng trong và ngoài nước.

Song song với đó, công tác đào tạo nghề cho lao động, đặc biệt là ở khu vực nông thôn được duy trì tổ chức tốt. Năm 2019, trung tâm dạy nghề của huyện đã liên kết mở 4 lớp về hướng dẫn du lịch, quản trị khách sạn, điện dân dụng và lái xe hạng C cho 249 học viên; các xã, thị trấn đã phối hợp tổ chức gần 100 buổi tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật canh tác nông - lâm - ngư nghiệp cho trên 1.000 lượt người. Đến nay, tỷ lệ lao động qua đào tạo của huyện đã đạt 59,1%; 100% người qua đào tạo có việc làm và thu nhập ổn định...