Đầu tư cho lao động – Hiệu ứng kép

Đầu tư cho lao động – Hiệu ứng kép
Lao động là yếu tố mà Việt Nam có nhiều lợi thế. Lao động có vai trò kép, vừa là yếu tố kinh tế, vừa là vấn đề an sinh xã hội. Thu nhập của người lao động tăng, sức mua có khả năng thanh toán tăng, góp phần xóa đói, giảm nghèo, phát triển văn hóa, giáo dục, y tế...

Vốn có thể vay được, nhưng vay thì tăng nợ nần. Kỹ thuật, công nghệ có thể mua được, nhưng mua phải có tiền và đâu có dễ mua khi nước nào cũng giấu. Lao động là yếu tố mà Việt Nam có nhiều lợi thế: có số lượng dồi dào, có giá nhân công rẻ… Đó là chưa nói việc sử dụng vốn có hiệu quả không, kỹ thuật, công nghệ có sử dụng, ứng dụng được không, thì con người, lao động là chủ thể. Chính vì thế lao động là yếu tố có tầm quan trọng hàng đầu về mặt kinh tế.

Số lượng lao động đang làm việc đã tăng nhanh qua các năm.

 

Nguồn số liệu: Tổng cục Thống kê

 

Ước năm 2012 đã cao gấp gần 1,8 lần năm 1990, bình quân 1 năm tăng 2,58%. Tốc độ tăng này là khá cao so với nhiều nước; thể hiện nguồn nội lực dồi dào của Việt Nam. Nguồn lao động của Việt Nam còn tiếp tục tăng, do thời kỳ “dân số vàng” được dự đoán sẽ còn kéo dài trong trên 30 năm nữa, chưa đến mức thiếu lao động như đã diễn ra ở nhiều nước. Tốc độ tăng khá cao của số lao động đang làm việc do nhiều nguyên nhân. Có nguyên nhân do tốc độ tăng dân số mặc dù đã chậm lại nhanh trong mươi năm nay, nhưng vẫn ở mức trên 1%/năm, tức là mỗi năm vẫn tăng gần 1 triệu người. Một nguyên nhân quan trọng do việc chuyển đổi từ kế hoạch hóa tập trung bao cấp hiện vật sang cơ chế thị trường. Sự chuyển đổi này đã tạo điều kiện cho hàng trăm nghìn doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế, hàng triệu cơ sở kinh tế cá thể, các cơ sở văn hóa, y tế, giáo dục ngoài công lập ra đời; thị trường lao động hình thành, trong đó, người lao động đã tự đi tìm việc, không ỷ lại vào sự bao cấp của nhà nước. Một nguyên nhân quan trọng khác là Nhà nước cò nhiều chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, người lao động trong lĩnh vực công ăn việc làm. Tuy nhiên, từ năm ngoái đến nay, do tác động của kinh tế quốc tế và hiệu ứng phụ của việc kiềm chế lạm phát ở trong nước, nên số lao động bị mất và thiếu việc làm có nguy cơ gia tăng. Song trong 6 tháng năm nay, cả nước đã giải quyết việc làm cho 735 nghìn lao động, tăng 1,5% so với cùng kỳ năm trước và bằng 45,9% kế hoạch cả năm.

Cơ cấu lao động theo loại hình kinh tế đã có sự chuyển dịch theo hướng tích cực. Tỷ trọng của lao động khu vực nhà nước, nếu năm 1990 là 11,6% thì năm 2011 chỉ còn 10,4%, còn của khu vực ngoài nhà nước và khu vực có vốn đầu tư nước ngoài tương ứng tăng từ 88,4% lên 89,6%, trong đó khu vực có vốn đầu tư nước ngoài từ chỗ chưa có gì nay đã chiếm 3,4%. Năm 2011 so với năm 1990, nếu tổng số lao động đang làm việc tăng trên 20,91 triệu người, thì khu vực nhà nước chỉ tăng trên 1,83 triệu người, chiếm gần 8,8%; còn hai khu vực còn lại đã tăng 19,07 triệu người, chiếm 91,2%. Điều đó chứng tỏ đường lối đổi mới, mở cửa hội nhập đã khơi dậy các nguồn lực của các thành phần kinh tế.

Cơ cấu lao động theo nhóm ngành kinh tế đã có sự chuyển dịch theo hướng tỷ trọng của nhóm ngành nông, lâm nghiệp và thủy sản đã giảm từ 73% năm 1990, xuống còn 48,4% năm 2011, tương ứng của nhóm ngành công nghiệp và xây dựng đã tăng từ 11,2% lên 21,3%, của nhóm ngành dịch vụ đã tăng từ 15,8% lên 30,3%. Trong tổng số tăng 2011 so với 1990 (20,91 triệu người), thì nhóm ngành nông, lâm nghiệp và thủy sản chỉ tăng 2,75 triệu người, chiếm 13,1%; nhóm ngành công nghiệp và xây dựng tăng 8,01 triệu người, chiếm 38,3%; nhóm ngành dịch vụ tăng 10,3 triệu người, chiếm 49,2%.

Tỷ lệ thất nghiệp của lao động trong độ tuổi khu vực thành thị đã liên tục giảm xuống, nếu năm 1990 là 11,87% thì nay chỉ còn dưới 4%. Tốc độ tăng bình quân năm trong thời kỳ 1991- 2011 của GDP là 7,34%, của số lao động đang làm việc là 2,59%. Điều đó có nghĩa là tốc độ tăng GDP do tăng số lượng lao động là 2,59%, do năng suất lao động bình quân năm trong thời kỳ 1991- 2011 là 4,63%. Đó là một tốc độ tăng khá. Tuy nhiên chủ yếu do chuyển dịch cơ cấu lao động theo nhóm ngành: tỷ trọng lao động nhóm ngành năng suất lao động thấp giảm, tỷ trọng lao động của nhóm ngành có năng suất lao động cao tăng.

Xuất khẩu lao động hàng năm đạt 70- 80 nghìn người. Tổng số lao động Việt Nam đang làm việc ở nước ngoài hiện có khoảng 400 nghìn người; ở khoảng 40 nước, hiện mang về gần 2 tỷ USD/năm, đối với kinh tế vĩ mô đã đóng góp quan trọng vào việc cải thiện cán cân thanh toán, ổn định tỷ giá, ổn định kinh tế vĩ mô. Đối với những người lao động, lợi ích còn có nhiều hơn, nhất là về tác phong làm việc, thu nhập…

Về mặt xã hội, đã góp phần tạo công ăn việc làm, hạn chế tiêu cực do thiếu công ăn việc làm. Thu nhập của người lao động tăng, sức mua có khả năng thanh toán tăng, góp phần xóa đói, giảm nghèo, phát triển văn hóa, giáo dục, y tế, góp phần thực hiện mục tiêu bảo đảm an sinh xã hội.

 

Mục tiêu đề ra trong năm 2012 là giải quyết việc làm cho 1,6 triệu người, đẩy mạnh xuất khẩu lao động, tăng tốc độ và tỷ lệ lao động đã qua đào tạo - Ảnh minh họa

Tuy đạt được nhiều kết quả, nhưng về lao động hiện vẫn còn có những hạn chế, bất cập và đứng trước nhiều khó khăn, thách thức.

 

Số lượng lao động đông hàng năm vẫn còn tăng cao do dân số tăng, số người đến tuổi lao động tăng, trong khi số người thất nghiệp cũ còn lớn, sức ép đối với lao động việc làm vẫn còn rất cao, đặc biệt là từ năm ngoái đến năm nay (do hiệu ứng phụ của việc thắt chặt tiền tệ nên nhiều doanh nghiệp bị ngừng sản xuất, phá sản; nhiều làng nghề gặp khó khăn). Tình hình đó làm cho thu nhập và sức mua có khả năng thanh toán của một bộ phận người tiêu dùng cũng bị sụt giảm và tốc độ tăng tổng mức bán lẻ hàng hoá và doanh thu dịch vụ tiêu dùng bị chậm lại, làm cho tồn khó tăng cao.

Năng suất lao động của Việt Nam tính bằng USD theo tỷ giá hối đoái của năm 2011 đạt gần 2400 USD/người, tuy đã cao hơn nhiều so với mức của các năm trước (1990 đạt 265 USD, 1995 đạt 630 USD, 2000 đạt 842 USD, 2005 đạt 1237 USD, 2010 đạt 2067 USD), nhưng vẫn còn thấp xa so với nhiều nước ở Châu Á (như Ấn Độ, Philippines, Indonesia, Trung Quốc, Thái Lan, Malaysia, Hàn Quốc, Singapore, Nhật Bản). Năng suất lao động thấp không chỉ tác động đối với thu nhập, sức mua có khả năng thanh toán của dân cư, tốc độ tăng GDP, mà còn tác động đến hiệu quả, sức cạnh tranh, lạm phát, nhập siêu,…

Năng suất lao động thấp do nhiều nguyên nhân. Tỷ lệ lao động đã qua đào tạo còn thấp, chất lượng đào tạo, cơ cấu đào tạo (giữa thầy và thợ, giữa lý thuyết và thực hành, giữa các ngành nghề,…) còn hạn chế, bất cập. Tỷ trọng lao động làm việc trong nông, lâm nghiệp- thuỷ sản còn rất lớn, trong khi năng suất lao động của nhóm ngành này thấp (năm 2011 chỉ bằng 45,5% năng suất lao động chung, bằng 25,1% công nghiệp- xây dựng, bằng 36,3% dịch vụ). Công nghiệp - xây dựng có năng suất lao động cao nhất, nhưng tỷ trọng lao động lại thấp nhất; dịch vụ có năng suất lao động cao thứ hai, nhưng tính kiêm nhiệm còn lớn, kinh tế cá thể trong lĩnh vực thương mại chiếm tỷ trọng cao và tỷ trọng lao động thấp.

Mục tiêu đề ra trong năm 2012 là giải quyết việc làm cho 1,6 triệu người, đẩy mạnh xuất khẩu lao động, tăng tốc độ và tỷ lệ lao động đã qua đào tạo,… Đó là một kỳ vọng của người lao động. Tuy nhiên, châu Âu vẫn chưa thoát khỏi khủng hoảng nợ công, đầu tư và tiêu dùng bị co lại, trong khi đây là thị trường xuất khẩu lớn của Việt Nam. Kinh tế Mỹ vẫn chưa hồi phục. Các yếu tố đó sẽ tác động lớn đến xuất khẩu của Việt Nam. Tỷ lệ vốn đầu tư phát triển xã hội /GDP năm nay theo kế hoạch thấp so với năm trước (33,5% so với 34,6%). Tăng trưởng GDP năm 2012 theo mục tiêu ban đầu 6- 6,5% và đạt mục tiêu này sẽ rất khó khăn.

Để khắc phục những hạn chế, bất cập, khó khăn, thách thức trên, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã lưu ý các Bộ, ngành, địa phương thực hiện quyết liệt, hiệu quả các biện pháp tạo việc làm, tăng thu nhập cho người lao động; quan tâm giải quyết việc làm cho người lao động mất việc từ các doanh nghiệp phải thu hẹp quy mô sản xuất, giải thể hoặc ngừng hoạt động. Người lao động phải có sự nỗ lực lớn nhất: có việc thì cần nâng cao tay nghề, trình độ chuyên môn để giữ lấy việc; chưa có việc thì chủ động đi tìm việc,… Doanh nghiệp cần có chính sách khuyến khích và giữ chân người lao động, bởi để có được đội ngũ đó không dễ tuyển dụng lại khi kinh tế vượt qua khó khăn. Các nhà hoạch định chính sách cần coi việc giải quyết công ăn việc làm có tầm quan trọng hàng đầu, vì đó không chỉ là vấn đề kinh tế mà đó còn là vấn đề xã hội quan trọng.
 

Minh Ngọc
Nguồn: chinhphu.vn