Khó khăn bủa vây ngành chăn nuôi

Khó khăn bủa vây ngành chăn nuôi
Chưa khi nào ngành chăn nuôi lâm vào cảnh khốn đốn như hiện nay. Gia súc, gia cầm bị bủa vây bởi dịch bệnh, sức mua của thị trường giảm khiến người chăn nuôi lỗ nặng. Khó khăn chồng chất khiến nhiều người đặt câu hỏi, phải chăng ngành này đang rơi xuống “
Gian khó trăm bề

Theo Cục Chăn nuôi (Bộ Nông nghiệp và PTNT), tổng sản lượng thịt hơi các loại sản xuất trong nước từ đầu năm đến nay đạt khoảng 2,6 triệu tấn (tương đương 1,78 triệu tấn thịt xẻ), trong đó thịt lợn và gia cầm chiếm hơn 90%. Mặc dù tình hình sản xuất vẫn đủ đáp ứng yêu cầu nội địa, song các chủ trang trại và hộ chăn nuôi nhỏ lẻ đang rơi vào khủng hoảng bởi dịch bệnh hoành hành, giá bán sản phẩm chăn nuôi liên tục sụt giảm, nhất là từ tháng 3 đến nay. Trong đó, 3 nhóm giảm nhiều nhất là thịt lợn (giảm 17- 20%), thịt gia cầm (giảm 20-25%) và trứng gia cầm (giảm 38-45%).

Ở các tỉnh phía Bắc, bình quân giá thịt lợn siêu nạc hiện chỉ còn 42.200 đồng/kg hơi, lợn lai nuôi trong các hộ nhỏ lẻ khoảng 37.800 đồng/kg; gà công nghiệp lông trắng 24.000-25.000 đồng/kg, gà lông màu 40.000 đồng/kg. Còn tại miền Nam, tình cảnh cũng không khá hơn khi giá thịt lợn xuất chuồng ở các trang trại giảm còn khoảng 39.700 đồng/kg, thậm chí tại một số tỉnh như Tiền Giang, Long An, Đồng Tháp, Vĩnh Long… chỉ còn 3,2 - 3,5 triệu đồng/tạ, mức thấp nhất trong vòng 2 năm qua.

Mọi thứ bán ra của ngành chăn nuôi đều giảm, trong khi giá các loại đầu vào như thức ăn, con giống thì giảm không đáng kể, riêng các trang thiết bị chăn nuôi, thuốc thú y, điện, nước thì không hề giảm mà thậm chí còn tăng, khiến chi phí giá thành nuôi lợn tại các trang trại vào khoảng 46.000 - 47.000 đồng/kg.

Hồi giữa năm 2011, gia đình anh Bùi Xuân Xưởng ở thôn Cổ Miếu, xã Thụy Lâm (Đông Anh - Hà Nội) nuôi tới 16.000 con gà đẻ, mỗi ngày thu hoạch 12.800 quả trứng, bán cho thương lái và các đầu nậu, thu lãi 400 đồng/quả. Cộng với tiền thanh lý gà quá lứa 100.000 đồng/con, hàng năm, gia đình anh thu về trên 3 tỷ đồng. Nhưng sang năm nay, giá trứng giảm mạnh khiến anh Xưởng bị lỗ tới 500 - 700 đồng/quả, tương đương 6 -7 triệu đồng/ngày. Anh đã tìm mọi cách chống đỡ nhằm giữ đàn gà đẻ, nhưng cũng không qua nổi 3 tháng, và để chống chọi với “khủng hoảng” giá, anh bắt đầu “phá” dần đàn gà để giảm chi phí.

Trao đổi với chúng tôi, anh Xưởng than vãn: “Trang trại lớn như gia đình tôi mà còn không chống nổi, huống hồ những hộ chăn nuôi nhỏ lẻ. Hiện, hầu hết các hộ chăn nuôi xung quanh nhà tôi đều giảm đàn hoặc bỏ trống chuồng vì khó khăn, kiệt quệ tới mức không còn tiền để tiếp tục duy trì cảnh lỗ triền miên nữa…”.

Theo thống kê của Cục Chăn nuôi, hiện cả nước có khoảng 7.000 trang trại chăn nuôi còn hoạt động, trong khi cùng kỳ năm 2011 là 17.000 trang trại. Trước khó khăn bủa vây tứ phía, các chủ trang trại, người nuôi chỉ còn biết trông đợi vào các ngân hàng, tổ chức tín dụng, thế nhưng xem ra các “bà đỡ” này chưa thể hiện được vai trò của mình khi lãi suất vốn vay vẫn cao, từ 18-20%, mặt khác, theo Cục Chăn nuôi, ngân hàng vẫn rất ngại cho các cơ sở chăn nuôi vay vì sợ rủi ro.

 

Người chăn nuôi cần được hỗ trợ để duy trì sản xuất.


“Các trang trại không được dùng hệ thống tài sản như đất đai, con giống,… để làm tài sản thế chấp, ngay cả nếu có vay được thì đồng vốn cũng rất ít ỏi, chỉ vài trăm triệu đồng, trong khi thực tế nhu cầu đầu tư của họ là vài tỷ đồng. Cứ đà này, 6 tháng cuối năm sẽ thiếu thịt và dù muốn hay không, chúng ta sẽ quay lại câu chuyện như nửa cuối năm ngoái là phải nhập khẩu thịt, gây bất ổn định thị trường”, ông Nguyễn Thanh Sơn, Phó cục trưởng Cục Chăn nuôi nói.

9.000 tỉ đồng có cứu được ngành chăn nuôi?

Theo nhận định của các nhà quản lý và chủ trang trại, có hai nguyên nhân chính khiến giá sản phẩm chăn nuôi sụt giảm. Thứ nhất, do suy giảm kinh tế, nhu cầu trong nước giảm mạnh (nhất là mức tiêu thụ thịt tại các khu công nghiệp ước giảm khoảng 30% so với cùng kỳ năm trước). Thứ hai, do ảnh hưởng bởi thông tin có sử dụng chất cấm trong chăn nuôi, dẫn đến một số người dân quay lưng lại với các sản phẩm thịt lợn và thịt, trứng gia cầm. Bên cạnh đó, dịch lợn tai xanh đang tái bùng phát tại một số địa phương và hiện chưa được khống chế, gây thiệt hại về kinh tế và tác động xấu đến tâm lý người chăn nuôi và người tiêu dùng.

Theo ông Sơn, trước những khó khăn trên, chúng ta cần phải có chính sách tín dụng đặc biệt cho ngành chăn nuôi, trong đó phải xem xét việc tiếp cận nguồn vốn vay với lãi suất ưu đãi của các trang trại cũng như doanh nghiệp nhỏ, để từ đó khơi thông khó khăn về vay vốn. Bên cạnh đó, phải tính đến việc hỗ trợ nhập trang thiết bị đối với các cơ sở đầu tư mới, đề xuất giảm thuế nhập khẩu trang thiết bị.

Đồng thời, Cục Chăn nuôi cũng kiến nghị xem xét giảm một số phí kiểm dịch trong một năm để giảm chi phí đầu vào cho ngành chăn nuôi; đề xuất đưa vào các biện pháp kỹ thuật để nâng cao năng suất, sản lượng, quản lý chăn nuôi tốt để giảm giá thành sản phẩm…

Theo đó, Cục Chăn nuôi đang soạn thảo văn bản kiến nghị Bộ Nông nghiệp và PTNT đề xuất Chính phủ có gói hỗ trợ khoảng 9.000 tỷ đồng dành cho các trang trại chăn nuôi (ước khoảng 3.000 trang trại) nhằm giúp họ đáo nợ, giãn nợ cho các khoản vay cũ, hỗ trợ lãi suất tiền vay, đầu tư cho chăn nuôi trong khoảng 1 năm (từ tháng 6/2012-6/2013). Hỗ trợ cho các trang trại vay mới với lãi suất dưới 10% để tái đàn.

Nhiều chủ trang trại cho rằng, để tháo gỡ khó khăn cho người chăn nuôi, trước mắt Nhà nước cần chỉ đạo các ngân hàng có chính sách khoanh nợ cũ, đồng thời tạo điều kiện cho các hộ chăn nuôi tiếp tục được vay vốn để đầu tư sản xuất. Bởi đầu ra của sản phẩm chăn nuôi khó khăn, việc thu hồi vốn đáo nợ ngân hàng rất khó. Về lâu dài, cần có quy hoạch tổng thể ngành chăn nuôi theo các vùng nhằm đảm bảo đáp ứng đủ điều kiện về môi trường, hạ tầng, tránh tình trạng dịch bệnh kéo dài như hiện nay.

Thiên Hương
(Nguồn:Kinhtenongthon.com.vn)