Nhiều người nghèo chưa biết mình được hỗ trợ 70% bảo hiểm y tế

Một đề án phát triển BHYT toàn dân đang được hoàn thành trình Chính phủ. Trong đó, nhiều giải pháp được đưa ra để tăng độ bao phủ của BHYT, đặc biệt ưu tiên nhóm cận nghèo bởi đây là nhóm gặp nhiều khó khăn nhất khi đi khám chữa bệnh không có thẻ BHYT.


Xung quang việc tăng cường hỗ trợ nhóm cận nghèo tham gia BHYT, phóng viên Dân trí đã có cuộc trao đổi với ông Phạm Lương Sơn, trưởng ban thực hiện chính sách BHYT (BHXH VN) về vấn đề này.

 
Ông Phạm Lương Sơn. Ảnh: H.Hải
Ông Phạm Lương Sơn. Ảnh: H.Hải
 

Thưa ông, đến nay, còn gần 40% dân số chưa có thẻ BHYT. Kế hoạch để tăng độ bao phủ của thẻ BHYT như thế nào?

 

Hiện nay chúng tôi đang hoàn thành Đề án phát triển BHYT toàn dân giai đoạn 2012 - 2015 và 2020 để trình Chính phủ. Tuy nhiên, thực tế còn nhiều khó khăn trong việc thực hiện theo đúng lộ trình đã đặt ra của luật BHYT. Khó khăn này gặp ở đủ các nhóm đối tượng, từ nhóm hộ cận nghèo, nhóm học sinh - sinh viên, nhóm hộ nông, lâm, ngư, diêm nghiệp…

 

Ông có thể chia sẻ những khó khăn này? Nhất là với nhóm cận nghèo, khi mà còn tới 75% hộ cận nghèo chưa có thẻ BHYT?

 

Theo Luật, hộ cận nghèo là đối tượng có trách nhiệm tham gia BHYT, hay nói đúng hơn là phải tham gia BHYT bắt buộc. Hộ này có hai sự hỗ trợ, đó là ngân sách nhà nước hỗ trợ 70% mức đóng. Ngoài ra, khá nhiều nguồn tài chính khác hỗ trợ, có những tỉnh hỗ trợ thêm 20 - 30%. Thuận lợi thứ hai là các hộ này khi tham gia BHYT theo hộ gia đình sẽ được giảm trừ mức đóng, khi mà từ người thứ hai trong gia đình tham gia. Tuy nhiều thuận lợi nhưng diện bao phủ hộ cận nghèo rất thấp, không đạt mục tiêu đặt ra. Năm 2011 chỉ có 25% hộ cận nghèo tham gia trong tổng số 13 - 14 triệu hộ cận nghèo, con số khiêm tốn. Nó cũng thể hiện sự kém hiệu quả kể cả các dự án hỗ trợ.

 

Nguyên nhân là do nhận thức của những người thuộc hộ cận nghèo về BHYT chưa đầy đủ, khiêm tốn dưới mức cần thiết. Có những vùng, nơi khảo sát người ta còn chưa biết đến chính sách BHYT là cái gì, không biết mình trong diện được hỗ trợ. Thậm chí đến lúc ốm đau bệnh tật người ta cũng không biết mình có BHYT. Thậm chí có những tỉnh có chỉ đạo tích cực từ chính quyền địa phương như Bến Tre chỉ đạo BHXH tỉnh ứng tiền để in thẻ, cấp thẻ, hộ cận nghèo đến lấy thẻ chỉ đóng thêm 20% nữa mà người ta cũng không đến nhận thẻ.

 

Vậy BHXH đã tính đến những giải pháp gì để tăng độ bao phủ cho hộ cận nghèo, thưa ông?
 
Người nghèo được hưởng lợi nhiều từ thẻ BHYT khi đi khám chữa bệnh. Ảnh: H.Hải
Người nghèo được hưởng lợi nhiều từ thẻ BHYT khi đi khám chữa bệnh. Ảnh: H.Hải

 

Chúng tôi cho rằng, trước đây, khi ngân sách nhà nước hỗ trợ 50% với hộ cận nghèo là chưa thỏa đáng. Vì thế, chúng tôi đề xuất tăng lên 70% để đảm bảo tiệm cận sự công bằng người nghèo, cận nghèo vì khoảng cách hai đối tượng này không nhiều, trong khi người nghèo được hỗ trợ 100%.

 

Tuy nhiên, dù ngân sách hỗ trợ đến 70% cũng không chắc nhiều người tham gia nếu không có nguồn tài trợ khác. Vì thế, một giải pháp thứ hai đang được chúng tôi tính đến, đó là phải năng động hơn trong tổ chức thực hiện. Hiện chúng tôi đang đề xuất Chính phủ cho phép BHXH Việt Nam đưa ra các hình thức, các mệnh giá thẻ khác nhau tương ứng với quyền lợi, trong đó hai hình thức được đề xuất. Một là phát hành thẻ BHYT cận nghèo với đúng mệnh giá của nó, bằng 4,5% lương tối thiểu, khi hộ cận nghèo đến nhận thẻ phải đóng nốt 30% còn lại. Giải pháp này có thuận lợi là quyền lợi của hộ nghèo được đảm bảo đầy đủ. Nhưng có một rủi ro từng xảy ra ở Bến Tre năm 2010, đó là bỏ tiền ra in thẻ nhưng người dân không đến nhận.

 

Giải pháp thứ hai đó là phát hành thẻ BHYT tương ứng 70% hỗ trợ của ngân sách nhà nước và tương ướng đó là quyền lợi 70%. Đối tượng hộ cận nghèo bình thường được quỹ BHYT chi trả 80% khi đi khám bệnh, nay nhận thẻ này, quỹ chỉ chi trả 70% chi phí. Nhưng họ sẽ được nhận miễn phí thẻ BHYT mà không phải đóng thêm 30% giá trị thẻ.

 

Ngoài khó khăn ở nhóm đối tượng này, lộ trình thực hiện BHYT còn gặp khó khăn ở những đối tượng nào, thưa ông?

 

Học sinh, sinh viên là nhóm đối tượng tiềm năng lớn, chiếm tới gần 20 triệu trong tổng số gần 90 triệu dân Việt Nam nhưng mới đạt độ bao phủ 75% học sinh sinh viên tham gia. Rào cản chính là vướng mắc về cơ chế. Đó là nhóm đối tượng bắt buộc nhưng bản thân họ không tham gia BHYT bắt buộc được mà phải thông qua bố mẹ, người giám hộ. Người trực tiếp đóng tiền không phải là học sinh, sinh viên mà là bố mẹ, tăng thêm gánh nặng về tài chính. Trong khi đó, mức đóng hiện nay của nhóm đối tượng này khoảng 300 ngàn/năm, cao hơn so với trước đây (nhóm thành thị trước chỉ khoảng 120 ngàn), trong khi đó, đây là nhóm ít có khả năng ốm đau nên cha mẹ cân nhắc về chi phí và chỉ lo lắng mua thẻ khi con ốm đau. Cũng vì thế, hiện nay 25% nhóm này chưa có thẻ bảo hiểm y tế.

 

Ngoài ra các nhóm hộ gia đình làm nông nghiệp, lâm nghiệp, ngư nghiệp và diêm nghiệp, thân nhân người lao động và nhóm người lao động tự do. Bởi đa số những người này có thu nhập không ổn định và không thuộc một tổ chức xã hội nào.

 

Để khắc phục những khó khăn này, BHXH VN có đưa ra những giải pháp gì, thưa ông?

 

Hiện BHXH VN đang đề nghị hướng tới thực hiện BHYT hộ gia đình thay cho việc thực hiện BHYT theo cá nhân, phải thực hiện BHYT hộ gia đình. Hướng tới hộ gia đình, bắt buộc phải tham gia 100% trong gia đình. Kinh nghiệm tại nhiều nước trên thế giới và khu vực đã cho thấy, việc tham gia theo hộ gia đình là một cách thức tối ưu để thực hiện bảo hiểm y tế toàn dân.

 

Xin cảm ơn ông!

 

Hồng Hải

Theo Dân Trí