Thực phẩm an toàn hấp dẫn người tiêu dùng

Thực phẩm an toàn hấp dẫn người tiêu dùng
Càng ngày, người tiêu dùng càng khó tính hơn trong việc chọn dùng các sản phẩm nông nghiệp, nếu sản phẩm không đạt yêu cầu về chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm là họ “ngó lơ”.

Xu hướng tất yếu

Chả cá là một trong những món đặc sản nổi tiếng ở Bình Định được người tiêu dùng khắp cả nước ưa chuộng.

09-24-17_1
Sản phẩm chả cá được đóng bao bì, gắn nhãn mác trước khi đưa ra tiêu thụ.

Khách du lịch về Bình Định, dù có bận bịu đến cỡ nào cũng phải dành thời gian để một lần được thưởng thức món bún chả cá. Kết thúc chuyến du lịch, chả cá cũng là món luôn nằm trong danh sách đặc sản mua về biếu người thân.

Một lần tham quan cơ sở chế biến chả cá Thanh Vân ở phường Hải Cảng (TP Quy Nhơn, Bình Định), chúng tôi cảm thấy “mát mắt” với cơ sở sản xuất rất vệ sinh, dây chuyền chế biến đồng bộ.

Bà Nguyễn Thị Vân, chủ cơ sở, chia sẻ: “Quy trình sản xuất của cơ sở đảm bảo các điều kiện VSATTP từ khâu nhập nguyên liệu đến đóng gói, vận chuyển, nên sản phẩm của chúng tôi được khách hàng tin dùng.

Nhờ đó, UBND TP Quy Nhơn đã cấp cho cơ sở chúng tôi quyền sử dụng nhãn hiệu “Chả cá Quy Nhơn”, sản phẩm được chứng nhận đủ điều kiện ATTP. Mỗi ngày chúng tôi bán ra 500 - 700kg chả cá”.

Nước mắm Như Hoa ở xã Tam Quan Bắc (huyện Hoài Nhơn, Bình Định) cũng là một trong những cơ sở chế biến thực phẩm ở Bình Định đang thực hiện chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn.

Bà Nguyễn Thị Như Hoa, chủ cơ sở, chia sẻ: “Chúng tôi đặt mục tiêu là phải tạo uy tín thương hiệu. Từ khâu chọn nguyên liệu đến chế biến, đóng chai phải đảm bảo các quy định về VSATTP.

09-24-17_2
Nước mắm Như Hoa là 1 trong những cơ sở chế biến thực phẩm ở Bình Định đang thực hiện chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn.

Chúng tôi công bố rõ ràng quy trình của mình, đúng định kỳ là cho tái kiểm. Mình làm ăn nghiêm túc nên giữ vững uy tín trong khách hàng. Bình quân, mỗi tháng chúng tôi xuất bán trên 20.000 lít nước mắm”.  

Siết quản lý

Theo ông Hồ Phước Hoàn, Chi cục trưởng Chi cục quản lý nông lâm thủy sản Bình Định, hiện có 338 cơ sở sản xuất, kinh doanh các sản phẩm nông lâm thủy sản đã được đơn vị cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện ATTP.

“Bên cạnh việc tư vấn, hướng dẫn các tổ chức, cá nhân thực hiện quy định của nhà nước về VSATTP, chúng tôi còn tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, cấp giấy chứng nhận cho các cơ sở đủ điều kiện ATTP. Trong năm 2019, chúng tôi đã kiểm tra ATTP tại 1.110 cơ sở sản xuất kinh doanh các sản phẩm nông lâm thủy sản, xử phạt 93 cơ sở vi phạm quy định về VSATTP, đồng thời thẩm định điều kiện ATTP cho 1.224 lượt cơ sở khác”, ông Hoàn cho hay.

Ông Trần Văn Phúc, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Bình Định, nhìn nhận: “Năng lực quản lý Nhà nước về VSATTP từ cấp tỉnh đến cơ sở trong những năm qua đã được tăng cường; nhận thức về VSATTP của các cơ sở sản xuất kinh doanh và người tiêu dùng cũng đã có những chuyển biến tích cực. Nhờ đó đã thúc đẩy sản xuất nông nghiệp phát triển theo hướng bền vững”.

Theo Vũ Đình Thung/nongnghiep.vn