Hà Tĩnh triển khai xây dựng Đề án “Mỗi xã một sản phẩm”

Chiều 27/6, Phó chủ tịch UBND tỉnh Đặng Ngọc Sơn chủ trì Hội nghị triển xây dựng Đề án “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP) tỉnh Hà Tĩnh giai đoạn 2017-2020, định hướng 2030; cùng dự có đại diện một số sở, ngành; tổ chức doanh nghiệp sản xuất kinh doanh trong tỉnh và các huyện, thành phố, thị xã.
Toàn cảnh Hội nghị
Đặt vấn đề tại Hội nghị Phó chủ tịch UBND tỉnh Đặng Ngọc Sơn nhấn mạnh xây dựng và triển khai “Chương trình quốc gia Mỗi xã một sản phẩm” là nhiệm vụ trọng tâm trong triển khai xây dựng Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới gắn với cơ cấu lại ngành nông nghiệp, phát triển kinh tế khu vực nông thôn...
 

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đặng Ngọc Sơn đặt vấn tại Hội nghị



Đồng chí Nguyễn Hữu Dực - Tổ trưởng Tổ biên soạn trao đổi về kết quả xây dựng
Chương trình mỗi xã một sản phẩm của một số nước: Nhật Bản,Thái Lan và tỉnh Quảng Ninh.
 
Phó chủ tịch UBND tỉnh Đặng Ngọc Sơn phân tích những thuận lợi khó khăn trong quá trình triển khai Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm”: Tỉnh ta có nhiều sản phẩm tuyền thống đã được thị trường ghi nhận; số lượng Doanh nghiệp, THT, HTX tham gia đầu tư sản xuất kinh doanh khá lớn, toàn tỉnh thành lập được trên 14 ngàn mô hình cho hiệu quả cao; 300 sản phẩm có nhãn mác đưa ra thị trường, đặc biệt xây dựng Khu dân cư NTM kiểu mẫu, vườn mẫu theo hướng sản xuất nông nghiệp hữu cơ đã tạo ra sản phẩm hàng hóa đa dạng cung cấp cho thị trường... đây chính là những lợi thế trong quá trình triển khai xây dựng Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm”. Bên cạnh thuận lợi có một số khó khăn như: Tập quán sản xuất nhỏ lẻ, tiếp cận thị trường còn hạn chế, chuỗi liên kết sản xuất còn khó khăn,...

Trước đó, Đoàn công tác Ban chỉ đạo Chương trình xây dựng nông thôn mới tỉnh do Bí thư Tỉnh ủy Lê Đình Sơn làm Trưởng đoàn đã tham quan học tập kinh nghiệm xây dựng mô hình OCOP tại Quảng Ninh. Để thực hiện Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” giai đoạn 2017-2020, định hướng 2030 Ủy ban nhân dân tỉnh đã thành lập Tổ biên soạn xây dựng đề án, tổ chức điều tra, khảo sát số liệu về sản phẩm, quy hoạch định hướng sản phẩm...

Hà Tĩnh dự kiến đưa ra một số sản phẩm để thực hiện Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm”, giai đoạn 2017-2020, định hướng 2030 có 6 nhóm sản phẩm để tổ chức điều tra, gồm: Thực phẩm; đồ uống; thảo dược; vải may mặc; lưu niệm nội thất trang trí và du lịch nông thôn.

Phát biểu kết luận Hội nghị, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đặng Ngọc Sơn yêu cầu các địa phương tổ chức triển khai khảo sát, lựa chọn, đăng ký sản phẩm có khả năng tham gia chương trình (các xã đều có lựa chọn, đăng ký sản phẩm, tuy nhiên không nhất thiết sản phẩm riêng có của địa phương mình mà có thể cùng loại sản phẩm của các địa phương khác và không chỉ 1 sản phẩm) gửi kết quả đăng ký các sản phẩm về Văn phòng Điều phối Chương trình xây dựng nông thôn mới tỉnh trước ngày 30/6; tổ chức hội thảo hoàn thiện, ban hành đề án trước 31/7.

Sau khi ban hành đề án, thành lập Ban điều hành Chương trình và các tổ chức liên quan để thực hiện chương trình; các đơn vị, sở ngành liên quan chủ động triển khai công tác tuyên truyền, tập huấn, chỉ đạo, hướng dẫn thực hiện.  

Ngô Thắng