Chẩn đoán lâm sàng phân biệt 4 bệnh đỏ của lợn

Hàng ngày, cán bộ thú y cơ sở khi điều trị cho lợn rất ít gặp những triệu trứng lâm sàng điển hình như lý thuyết đã học. Vậy làm thế nào để chẩn đoán cho đúng? Với kinh nghiệm trong nhiều năm gắn bó với thực tế, tôi xin được nêu một số biện pháp phân biệt.

*Thứ nhất: Phân biệt về lứa tuổi của lợn

          Trong 4 bệnh đỏ, bệnh dịch tả thường gặp ở mọi lứa tuổi lợn, bệnh phó thương hàn thường mắc ở lứa tuổi dưói 3 tháng tuổi, bệnh tụ huyết trùng, đóng dấu lợn thường mắc ở lứa tuổi từ 3 tháng tuổi trở lên.

          Như vậy khi lợn từ 3 tháng tuổi trở lên, khi mắc bệnh không nên chẩn đoán bệnh là phó thương hàn và ngược lại lơn con(đặc biệt lợn con theo) không chẩn đoán là tụ huyết trùng hoặc đóng dấu lợn.

 

* Thứ hai: Phân biệt qua mức độ lây lan và tính chất mùa vụ

          - Đối với bệnh dịch tả lợn, có khả năng lây lan rất nhanh, khi trong đàn có một con nhiễm bệnh thì chỉ trong một thời gian rất ngắn là lây nhiễm cả đàn, thậm chí cả khu vực xung quanh. Khi thấy mức độ lây nhiễm như vậy chúng ta thường nghĩ nhiều đến việc lợn có thể bị dịch tả.

          - Bệnh tụ huyết trùng lợn thường hay xảy ra vào mùa mưa hoặc cuối mùa mưa, nhất là vào những ngày mưa phùn kéo dài còn đối với những bệnh đỏ khác có thể xảy ra quanh năm, bất cứ thời điểm nào.

 

* Thứ ba: Phân biệt bằng khả năng đề kháng và nốt xuất trên da

          - Lợn mắc bệnh dịch tả hoặc phó thường hàn ban đầu thường không có dấu hiệu giảm sút về sức khỏe nhiều, chỉ gầy yếu dần,  nhiều con vẫn đi lại chạy nhảy bình thường, tiến triển bệnh chậm. Đối với lợn mắc tụ huyết trùng hoặc đóng dấu lợn thì khác hẳn, bệnh thường tiến triển rất nhanh, nhiều con chưa kịp điều trị hoặc mới điều trị một hai mũi tiêm đã chết.

          Trạng thái ăn uống cũng có nhiều khác nhau. Bệnh dịch tả, phó thương hàn thường con vật hay có đặc tính lúc ăn lúc không, lúc con vật bỏ ăn là lúc con vật sốt cao nhưng khi hạ sốt con vật lại muốn ăn uống.

          - Về màu sắc da: Khi lợn mắc bệnh tụ huyết trùng hoặc đóng dấu tuy chưa biểu hiện xuất huyết trên da nhưng bao giờ niêm mạc mắt cũng đỏ, niêm mạc thường đỏ sấm khã thường. Lợn mắc dịch tả hay phó thương hàn da thường rất nhợt nhạt, khi xuất huyết lấm tấm trên da thì gần như lợn đã ở giai đoạn cuối sắp chết.

 

* Thứ tư: Phân biệt qua trạng thái phân

          Trong thực tế hiện nay hầu hết lợn mắc 4 bệnh đỏ phân lúc đầu đều táo nhưng đối với lợn bị dịch tả phân thường tròn và rất cứng, bề mặt có màng nhầy đen bóng, khi chuyển sang trạng thái lỏng phân cũng có màu đen, mùi khắm đặc biệt, bệnh phó thương hàn khi phân chuyển sang trạng thái lỏng thì phân lại có màu vàng nhớt. Đối với bệnh tụ huyết trùng và đóng dấu lợn nếu không mắc bệnh ghép khác thì lợn thường ít khi chuyển sang trạng thái ỉa chảy kéo dài.

          Có thể nói đây là một trong nhũng triệu chứng ngoài thực tế rất điển hình để chẩn đoán phân biệt 4 bệnh đỏ của lợn.

 

* Thứ năm: Phân biệt qua phương hướng điều trị bệnh

          Thông qua việc dùng thuốc kháng sinh để điều trị. Nếu lợn mắc bệnh tụ huyết trùng hoặc đóng dấu lợn khi dùng 1- 2 liều kháng sinh là con vật thường chuyển bệnh, có khi  trở lại bùnh thường. Trường hợp dùng kháng sinh mà không thấy tiến triển thì phải nghĩ ngay đến bệnh khác, có thể là dịch tả, phó thương hàn ...  

          Hy vọng những kinh nghiệm nhỏ trên đây sẽ giúp các bạn đồng nghiệp bổ sung thêm kiến thức trong quá trình phòng trị bệnh tại cơ sở.
 

Nguồn: nguoichannuoi.vn