Trồng đậu phụng xen mì: Tăng thu nhập, giảm thoái hóa đất

Trồng đậu phụng xen mì: Tăng thu nhập, giảm thoái hóa đất
Được sự hỗ trợ kinh phí của Quỹ Môi trường toàn cầu, vụ đông xuân 2014-2015, Hội Làm vườn (HLV) tỉnh Bình Định đã chủ trì xây dựng mô hình trồng đậu phụng (lạc) xen mì (sắn) trên chân đất cát, đất xám bạc màu tại hai xã Cát Hiệp (huyện Phù Cát) và Bình Tân (huyện Tây Sơn).
 

Mô hình trồng đậu phụng xen mì ở xã Cát Hiệp.

Ông Tống Nhuệ, Chủ tịch HLV Bình Định, cho biết: Để giúp nông dân trong tỉnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng hiệu quả, chủ động thích ứng với tác động bất lợi do biến đổi khí hậu gây ra, Quỹ Môi trường toàn cầu đã hỗ trợ 50.000 USD để thực hiện pha 2 dự án phát triển cây mì bền vững trên diện tích đất có nguy cơ thoái hóa, bạc màu, bắt đầu thực hiện từ đầu năm 2015, kết thúc vào cuối năm 2017.

Mô hình trồng giống đậu phụng sẻ Tây Nguyên xen giống mì KM94; cả hai loại cây trồng này đều sinh trưởng, phát triển tốt, ít bị sâu bệnh gây hại nhờ tận dụng được độ ẩm, chất dinh dưỡng và được chăm sóc tốt. Mới đây, HLV tỉnh đã tổ chức hội nghị đầu bờ đánh giá kết quả thực hiện mô hình.

Tại xã Cát Hiệp, năng suất đậu phụng đạt xấp xỉ 40 tạ/ha, với giá hiện nay 22.000 đồng/kg, doanh thu đạt trên 84 triệu đồng/ha, trừ chi phí, lãi trên 52 triệu đồng/ha, cao hơn 8,3 triệu đồng/ha so với đối chứng.

Tại xã Bình Tân, năng suất đậu phụng đạt 34,2 tạ/ha, doanh thu 75,2 triệu đồng/ha, lợi nhuận 37,36 triệu đồng/ha, cao hơn 9,4 triệu đồng/ha so với ruộng ngoài mô hình. Sau khi thu hoạch xong đậu phụng, nông dân tiếp tục chăm sóc cây mì để thu hoạch vào cuối năm.

Ông Phạm Văn Chút, nông dân thôn Tùng Lộc, xã Cát Hiệp, cho biết: Trồng đậu phụng xen mì trên vùng đất cát cho năng suất cao hơn trồng thuần. Nhờ trồng xen 2 loại cây với chế độ đầu tư thâm canh mà đậu phụng và mì sinh trưởng, phát triển tốt hơn, do đất được cải tạo tơi xốp, nhờ rễ đậu phụng có các nốt sần làm tăng thêm độ phì... Sau khi thu hoạch đậu phụng, một phần thân và lá dùng để che phủ gốc mì nhằm duy trì độ ẩm và trả lại chất hữu cơ cho đất, một phần được sử dụng để chế biến thành thức ăn vỗ béo bò, tăng thêm thu nhập.

Theo ông Tống Nhuệ, kết quả từ mô hình đã mở ra triển vọng tăng hiệu quả kinh tế cho các vùng đất cát, đất xám bạc màu trong tỉnh;  không những nâng cao hiệu quả sử dụng đất mà còn góp phần bảo vệ tài nguyên đất, giúp canh tác bền vững hơn. Thời gian tới, HLV tỉnh sẽ tăng cường tuyên truyền về kết quả mô hình và khuyến cáo nông dân áp dụng kỹ thuật trồng xen canh, thâm canh cho các vùng nguyên liệu mì trong tỉnh.

Phú Mỹ