Các địa phương tập trung sản xuất nông sản mũi nhọn

Các địa phương tập trung sản xuất nông sản mũi nhọn
Theo Viện Nghiên cứu cây ăn quả miền nam, hơn ba năm qua, các tỉnh Tiền Giang, Bến Tre, Ðồng Tháp, Vĩnh Long, Trà Vinh, Sóc Trăng, Hậu Giang và TP Cần Thơ đã đưa thêm 20 nghìn ha vào trồng các loại cây ăn quả đặc sản như bưởi năm roi, bưởi da xanh, thanh long... nâng tổng diện tích cây ăn quả đặc sản toàn vùng lên 83 nghìn ha, chiếm 29% diện tích cây ăn quả tại đồng bằng sông Cửu Long.

Tỉnh Bến Tre tổ chức Ngày hội cây-trái ngon, an toàn và sản phẩm nông nghiệp tỉnh Bến Tre lần thứ 13 năm 2013. Trong lễ hội có đến hơn 70 gian hàng; hội chợ thương mại với 110 gian hàng bày bán các sản phẩm công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp, mỹ nghệ của các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh. Ngoài việc trưng bày các loại trái cây đặc sản còn có các hoạt động thi vườn xanh, sạch, đẹp. Ngày hội sẽ kết thúc vào chiều 13-6.

Tỉnh Tiền Giang đầu tư hơn sáu tỷ đồng phát triển vùng chuyên canh rau theo tiêu chuẩn VietGAP với quy mô 550 ha tại bốn huyện Châu Thành, Chợ Gạo, Gò Công Ðông và thị xã Gò Công. Mục tiêu của dự án nhằm nâng cao chất lượng và sản lượng rau an toàn của tỉnh, tạo điều kiện để nông dân tham gia chuỗi sản xuất và tiêu thụ rau an toàn với TP Hồ Chí Minh và các tỉnh trong khu vực. Từ đó, tiến tới xây dựng thương hiệu rau an toàn theo tiêu chí VietGAP, đáp ứng nhu cầu thị trường trong nước và xuất khẩu.

Dự án được triển khai từ tháng 6-2013 đến năm 2018. Huyện Hồng Ngự tỉnh Ðồng Tháp có hơn 70 cơ sở ương nuôi cá bột và hơn 800 hộ nuôi cá tra giống. Nhiều cơ sở đẩy mạnh việc cho cá tra sinh sản chủ động, sinh sản nghịch mùa, cho nên đáp ứng được nhu cầu của người nuôi cá. Ðến nay, gần 50% số cơ sở sản xuất cá bột đã có được con giống tốt.

Thời gian tới, huyện tổ chức hội thảo, mời các ngành chức năng đưa ra hướng sử dụng lô-gô cho nhãn hiệu tập thể cá tra giống Hồng Ngự, đồng thời xây dựng quy trình sản xuất và xây dựng hệ thống nhận diện thương hiệu cho sản phẩm.

 Theo Trạm Thú y huyện Ðông Giang, tỉnh Quảng Nam, toàn huyện có hơn 150 con trâu, bò ở các xã: Tà Lu, Sông Kôn, Jơ Ngây và A Ting bị nhiễm dịch lở mồm long móng. Riêng tại xã Sông Kôn có gần 130 con gia súc mắc bệnh; trong đó, có 12 con bị chết và đã được chính quyền địa phương tổ chức tiêu hủy... Các ngành chức năng đang khẩn trương sử dụng mọi biện pháp ngăn chăn tránh lây lan diện rộng.

Báo Nhân dân