Thị xã Kỳ Anh nỗ lực phòng chống dịch bệnh ở tôm

Thị xã Kỳ Anh là một trong những địa phương có diện tích nuôi tôm lớn của tỉnh.Hiện nay, các hộ nuôi tôm đang tích cực chăm sóc tôm vụ 1. Tuy nhiên, trong thời gần đây, trên địa bàn thị xã đã xuất hiện một số ao nuôi có tôm bị dịch, người dân và địa phương đang tập trung phòng chống, không để lây lan ra diện rộng.
Các địa phương thường xuyên kiểm tra và hướng dẫn các hộ nuôi cách phòng chống dịch cho tôm

 

         Hiện nay trên địa bàn thị xã có 6 vùng nuôi tôm thuộc các xã, phường Kỳ Nam, Kỳ Trinh, Kỳ Ninh, Kỳ Hà đã có dịch bệnh tôm do virut đốm trắng gây hại trên 13,7 ha. Nguyên nhân khách quan dẫn đến dịch bệnh đốm trắng trên tôm lây lan nhanh là do thời tiết không thuận lợi, nhiệt độ chênh lệch giữa ngày và đêm cao, gây biến động các yếu tố môi trường, làm giảm sức đề kháng của tôm nuôi.Cùng với đó, cơ sở hạ tầng nhiều vùng nuôi không đảm bảo, thả giống không rõ nguồn gốc và chưa triển khai các biện pháp kiểm soát mầm bệnh…Trước tình hình đó, các địa phương đã kịp thời triển khai đồng bộcác giải pháp phòng, chống dịch bệnh, thành lập các đoàn công tác về cơ sở kiểm tra, nắm tình hình, diễn biến dịch bệnh, hướng dẫn, giám sát người nuôi thực hiện quy định về phòng, chống dịch bệnh và xử lý ổ dịch.

        Ông Nguyễn Tri Hà- Phó Chủ tịch UBND phường Kỳ Trinh cho biết " Địa phương đã thông báo trên loa truyền thanh liên tục, khuyến cáo cho bà con các biện pháp phòng chống để tiếp tục nuôi đảm bảo cho vụ 1 để khép kín diện tích. Đồng thời thường xuyên kiểm tra những hộ có dịch bệnh ở tôm và chỉ đạo người dân không được xả thải nước ra bên ngoài nếu chưa được xử lý nước"

         Gia đình ông Nguyễn Văn Lân, có 0,6 ha diện tích nuôi tôm thuộc tổ hợp tác thôn Tây Hà, xã Kỳ Hà, ngày 12/3 âm lịch đã tiến hành thả nuôi hơn 10 vạn con tôm giống thẻ chân trắng. Tuy nhiên, từ khi thả đến 35 ngày sau, xuất hiện tôm chết nổi trên mặt nước.Gia đình ông lập tức báo lên chính quyền địa phương để có biện pháp ngăn ngừa.." Sau khi xử lý nguồn nước trong ao để xả thải ra môi trường, gia đình đều làm theo quy trình do cán bộ địa phương hướng dẫn. Tiếp đó, gia đình xử lý lại ao nuôi, lấy nước vào, đánh clorine và tiếp tục thả nuôi tôm".Ông Lân cho biết.

 

Hiện nay các hộ nuôi tôm đang tích cực phòng chống dịch cho tôm

 

 

       

        Để tăng cường công tác phòng dịch, hạn chế thấp nhất thiệt hại cho người nuôi tôm, Ủy ban nhân dân thị xã Kỳ Anh đang triển khai, chỉ đạo các địa phương có diện tích nuôi tôm bị dịch tuyên truyền người dân về cách phòng chống dịchvà cấp phát hóa chất clorin cho các hộ nuôi trong vùng tôm bị dịch. Khuyến cáo những vùng nuôi tôm chưa xảy ra dịch cần thực hiện đầy đủ các bước từ vệ sinh, tẩy dọn ao, bón vôi, cấp và xử lý nước đúng quy trình, kỹ thuật. Trong quá trình nuôi cần theo dõi chặt chẽ diễn biến thời tiết, môi trường ao nuôi, phát hiện và xử lý kịp thời những dấu hiệu không bình thường của tôm.

     Sự tăng cường chỉ đạo triển khai các biện pháp cấp bách phòng, chống dịch bệnh tôm vụ xuân hè 2017 của chính quyền và các cơ quan chức năng, cùng với đó là ý thức tự giác thực hiện nghiêm túc các quy định từ phía người nông dân,hi vọng rằng người nông dân sẽ có một vụ tôm bội thu, mang lại hiệu quả kinh tế cao.

 

Theo Minh Hằng-Nguyễn Đức/thixakyanh.hatinh.gov.vn