Chỉ số giá tiêu dùng cả nước đạt đỉnh tăng 2,2%

Chỉ số giá tiêu dùng cả nước đạt đỉnh tăng 2,2%
Theo số liệu vừa được Tổng cục Thống kê công bố, chỉ số giá tiêu dùng tháng 9/2012 tăng 2,2% so với tháng 8 và 6,48% so với cùng kỳ năm 2011. Tính chung từ đầu năm, lạm phát cả nước đã tăng 5,13%.
Với mức tăng đột biến này, CPI tháng 9 đã lập kỷ lục về mức tăng cao nhất so với các tháng 9 kể từ năm 1995 đến nay và đạt mức tăng cao nhất so với các tháng, kể từ tháng 6/2011 đến nay.
Ảnh minh họa. (Nguồn: Internet)
 
CPI tháng 9 tăng đột biến là do sự tăng giá mạnh và đồng loạt của nhiều nhóm hàng hóa và dịch vụ thiết yếu như Thuốc và dịch vụ y tế, Giáo dục, Giao thông, Nhà ở và Vật liệu xây dựng.
Theo đó, các nhóm này đã đóng góp tới 2,1% trong 2,2% mức tăng CPI chung cả nước tháng này.
Việc tăng giá thuốc, dịch vụ y tế và một loạt các mặt hàng trọng yếu trong rổ tính giá đã tác động mạnh tới CPI tháng 9, khiến chỉ số này bất ngờ tăng mạnh. So tháng 8, nhóm thuốc và dịch vụ y tế tăng trên 17%, dịch vụ y tế tăng 23,87% , tăng 43,2% so cùng kỳ năm 2011 và tăng 42,2% so với tháng 12/2011, góp phần làm CPI chung cả nước tăng khoảng 0,94%.
Một nhóm dịch vụ khác cũng tăng giá là giao thông, tăng 3,83% trong tháng 9, chủ yếu do tác động của 4 lần tăng giá xăng dầu liên tiếp kể từ cuối tháng 7 và trực tiếp là đợt điều chỉnh ngày 28/8. Nhóm bưu chính viễn thông, sau nhiều tháng giảm giá liên tiếp, cũng tăng nhẹ 0,01% trong tháng này.
Cũng là nhóm hàng hóa thiết yếu, chỉ số giá nhóm Nhà ở và vật liệu xây dựng đã tăng 2,18%, góp 0,22% vào mức tăng CPI chung do giá dầu hỏa tăng 6,38%, giá gas tăng 11,8%.
Đồng thời, việc tăng giá ở nhóm này cũng đặt ra vấn đề về việc đảm bảo mức sống cho người dân lao động và công nhân nghèo giữa bối cảnh kinh tế khó khăn, các doanh nghiệp liên tục phải cắt giảm lương và thu nhập cho nhân viên. Những đối tượng này vốn phải đi thuê nhà và chịu các mức phí đối với các hàng hóa này cao hơn so mức bình quân .
Đặc biệt, với tỷ trọng lớn nhất trong cơ cấu CPI chung, việc CPI của cả hai đầu tầu kinh tế cả nước là Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh đều tăng rất cao trong tháng 9 với mức tăng theo thứ tự là 2,47% và 1,21% cũng đã tạo lực “đẩy” mạnh lên CPI chung.
Chiếm tỉ trọng 40% rổ tính giá, nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống cũng đã ghi nhận mức tăng giá nhẹ trong tháng 0,08%, trong đó, chỉ duy nhất giá thực phẩm giảm 0,07%, còn lại lương thực tăng 0,35% và ăn uống ngoài gia đình tăng 0,27%.
Không nằm trong rổ tính giá, tháng này giá vàng tạo "sóng" lớn khi tăng 5,25% so tháng trước. Chỉ số giá USD tăng nhẹ 0,06%.
Với quy luật tiêu dùng nóng trong những tháng cuối năm, cộng với nhiều yếu tố biến động giá khác như tác động trễ của gói kích cầu, nới lỏng tín dụng, CPI cả năm 2012 sẽ khó giữ được ở mức 7%./.
Linh Hà
Nguồn:ktdt.com.vn