Sản xuất theo thị trường - chuyện không dễ

Sản xuất theo thị trường - chuyện không dễ
Lộ trình bình đẳng về thị trường nguyên liệu thủy sản theo cam kết WTO đang gần kề. Các doanh nghiệp (DN) có quyền mua nguyên liệu nơi nào rẻ hơn, trong khi người sản xuất đang loay hoay với khắc phục tôm chết. Người sản xuất, kẻ thu mua, người tiêu thụ xem ra vẫn chưa gặp nhau ở mặt hàng tôm nuôi.
 

Sản xuất theo thị trường - chuyện không dễ

Hầu hết người nuôi tôm ở đồng bằng sở hữu ít ruộng đất nên khó
liên kết trong chuỗi giá trị về con tôm. Ảnh: N.H

Nông dân chịu thiệt

Để giảm dần tình trạng tôm chết hàng loạt, gây khó khăn cho người nuôi, đẩy nhanh hiệu quả bền vững cho người nuôi, các tỉnh ĐBSCL đang xây dựng mô hình nuôi tôm khép kín theo tiêu chuẩn VietGAP. Một cánh đồng mẫu lớn cho con tôm nuôi cũng được xây dựng. Tại Sóc Trăng đã có ít nhất 10 “cánh đồng mẫu lớn” nuôi tôm như vậy. Đó là các hiệp hội nuôi tôm, các DN được cấp đất nuôi tôm với diện tích lớn từ 40ha trở lên. Tại Bạc Liêu, UBND tỉnh cấp phép hàng loạt cho các DN nuôi tôm công nghiệp theo tiêu chuẩn nói trên. Cà Mau là tỉnh mới bắt đầu nuôi tôm công nghiệp – bán công nghiệp (CN–BCN) cũng hướng đến mô hình này. Tỉnh Cà Mau đã xây dựng 3 mô hình theo tiêu chí này. Ông Tô Quốc Nam, Phó Giám đốc Sở NNPTNT Cà Mau cho biết: “Sản xuất hướng đến tiêu chuẩn an toàn là mục đích chính của ngành nông nghiệp Cà Mau nên không chỉ cây lúa mà con tôm, con cua cũng dần sản xuất theo chuẩn”.

Hướng đến nền nông nghiệp sạch, sản xuất quy mô lớn, chủ động trong sản xuất là mục tiêu lâu dài của ngành thủy sản các tỉnh ĐBSCL. Tuy nhiên, đây thật sự là điều không dễ trong bối cảnh tất cả quyền sử dụng đất đều của người dân, hộ gia đình. Họ sở hữu đất đai ít, nhỏ lẻ trong cùng một vùng nuôi có hộ lại không muốn nuôi theo mô hình CN–BCN. Ông Nguyễn Văn Khởi, Phó giám đốc Sở NNPTNT Sóc Trăng phân tích: “Hiện tại Sóc Trăng có 48.000ha nuôi theo mô hình CN-BCN, nhưng có đến trên 50.000 hộ dân nuôi. Đất đai của họ mỗi người một cách, một tính khác nhau nên muốn hướng người nuôi vào nuôi quy mô lớn, có sự kiểm soát chặt về dịch bệnh, thức ăn, con giống là điều không dễ. Trong khi đó, chuyện tích tụ ruộng đất, quy hoạch vùng nuôi vẫn còn là một câu chuyện dài, chưa có hồi kết”.

Xây dựng vùng nguyên liệu tôm nuôi phục vụ cho các nhà máy chế biến thủy sản theo kiểu ký kết hợp đồng bao tiêu sản phẩm các tỉnh đang hướng tới. Tuy nhiên, theo ông Khởi, không thể tất cả gần cả triệu ha mặt nước nuôi tôm với hàng trăm ngàn nông dân đều ký hợp đồng với các nhà máy. Chính vì vậy những người nuôi tôm nhỏ lẻ, những hộ nuôi quảng canh, nuôi theo mô hình thả thưa sẽ bị loại khỏi cuộc chơi cung cầu nếu chuỗi giá trị về con tôm được xác lập. Điều này đồng nghĩa với việc đẩy người nông dân vào chỗ khó.

Khó trách DN 

Giá hạ, tôm khó nuôi khiến cho nông dân khốn khó, họ càng lao đao đao, hoang mang hơn khi đón nhận thông tin các DN chế biến thủy sản xuất khẩu Việt Nam nhập tôm nước ngoài về chế biến. Ông Nguyễn Văn Hảo, ấp 16, xã Vĩnh Hậu A, huyện Hòa Bình, Bạc Liêu boăn khoăn: “Sao nhà nước không mua tạm trữ tôm theo kiểu mua tạm trữ lúa mà để cho các DN nhập tôm nước ngoài về chi làm hại tụi tui. Họ làm vậy khác nào chở củi về rừng”.

Tuy nhiên, “rừng” bây giờ củi đã không còn tốt nữa. Ông Trần Văn Thuận, Chủ tịch Hiệp hội Chế biến xuất khẩu thủy sản Cà Mau nêu thông tin: Hiện tại các nhà máy chế biến thủy sản tại Cà Mau đang tồn đọng một lượng hàng trong kho rất lớn, không xuất khẩu được. Không phải do kém chất lượng mà do mức giá bán trên thị trường thế giới kém cạnh tranh hơn, nếu bán rẻ các DN bị cho là phá giá và sẽ lỗ nặng do đã mua giá cao thù trước. Các chi phí vận chuyển, lưu kho, lãi vay đè nặng trên vai DN.

Trao đổi với chúng tôi, ông Trần Thiện Hải, Chủ tịch VASEP thẳng thắn: “Hiện tại các DN đang rất khó khăn trong xuất khẩu. Các DN đang bị cạnh tranh quyết liệt về giá trên thị trường thế giới. Do tình trạng suy thoái kinh tế nên các nước nhập khẩu chọn những mặt hàng nào rẻ hơn, trong khi đó Việt Nam không đáp ứng được. Tôm nguyên liệu của Việt Nam hiện cao hơn các nước khoảng 1 USD nên rất khó cạnh tranh. Để duy trùy sản xuất, một số DN nhập tôm nguyên liệu về chế biến nhưng không đáng kể, không làm ảnh hưởng đến thị trường tôm nguyên liệu. Chúng tôi rất thấu hiểu người dân, nhưng không thể mua giá nguyên liệu cao rồi chế biến thành phẩm bán giá thấp được”.

Ông Hải đề xuất, đã đến lúc người nuôi tôm phải xem mình là người sản xuất, làm ra sản phẩm và phải tìm thị trường. Và tập dần bán những gì thị trường cần chớ không phải bán những gì mình có. Mục tiêu này xem ra còn lâu lắm người nuôi tôm đồng bằng mới đạt tới. Và trong khi chờ đợi, họ sẽ chịu nhiều thiệt thòi do cách sản xuất nhỏ lẻ, thiếu thương hiệu, kém cạnh tranh nếu như thiếu sự trợ giúp từ phía nhà nước, nhà khoa học và nhà DN trong chuỗi giá trị về con tôm.

 
Nhật Hồ
 Theo laodong.com.vn