Bến Tre-Tiền Giang: Đầu tư hàng chục tỷ, đắp đập 'dã chiến' ngăn mặn

Bến Tre-Tiền Giang: Đầu tư hàng chục tỷ, đắp đập 'dã chiến' ngăn mặn
Hiện nay, hai tỉnh Bến Tre, Tiền Giang đã đầu tư hàng chục tỷ đồng xây dựng các đập “dã chiến” ngăn mặn, cứu khát cho người dân.
Đắp đập trên sông Ba Lai (Bến Tre).

Đắp đập trên sông Ba Lai (Bến Tre).

Hiện nay, ĐBSCL đang vào mùa khô. Thời điểm này, cùng với con nước triều lên thì mặn đã xâm nhập sâu trên các nhánh sông Cửu Long. Cá biệt trên sông Hàm Luông, tuần qua nước mặn với nồng độ 4‰ đã xâm nhập đến 75km, so với năm 2016 tăng 18 km.

Tại Bến Tre độ mặn 1‰ đã bao trùm toàn bộ địa bàn tỉnh. Để đảm bảo cung cấp nước ngọt ổn định đời sống người dân, chính quyền hai tỉnh Bến Tre và Tiền Giang đã triển khai giải pháp đắp ngang các con sông, rạch để ngăn mặn, trữ ngọt cung cấp cho các nhà máy xử lý nước.

Tỉnh Bến Tre đầu tư khoảng 70 tỷ đồng để đắp các đập tạm trên kênh Xáng, ngăn 02 đoạn trên sông Ba Lại, thuộc xã Tam Phước và Tân Phú, nạo vét sông Mã (xã Sơn Đông, TP Bến Tre) để trữ nước ngọt, ngăn mặn. Riêng 2 đập trên trên Ba Lai hoàn thành sẽ tạo thành một hồ nước ngọt với trữ lượng khoảng 1 tỷ mét khối nhằm cung cấp cho các nhà máy xử lý nước của công ty cổ phần Cấp thoát nước tỉnh Bến Tre.

Tại Tiền Giang, tỉnh cũng đang đầu tư gần 20 tỷ đồng để thi công đập thép ngăn kênh Nguyễn Tấn Thành (tức Kênh Xáng thuộc xã Đình Đức, huyện Châu Thành). Công trình này hoàn thành sẽ cung cấp nước cho nhà máy nước BOO Đồng Tâm, phục vụ nước sinh hoạt cho khoảng 800.000 hộ dân địa phương.

Các công trình trên mang tính “dã chiến” tồn tại khoảng 2 tháng cao điểm của nước mặn, sau đó tháo dỡ để phục vụ cho các phương tiện thủy lưu thông.