Làm nông thôn mới, Đam Rông thêm giàu và văn minh

Làm nông thôn mới, Đam Rông thêm giàu và văn minh
Mặc dù là huyện nghèo thuộc diện 30a, nhưng với quyết tâm của cả hệ thống chính trị, sự đồng lòng của người dân địa phương, huyện Đam Rông (Lâm Đồng) đã thay đổi từ ngày bắt tay vào xây dựng nông thôn mới (NTM).

3 xã về đích NTM

Huyện Đam Rông được thành lập năm 2004 dựa trên cơ sở chia tách 5 xã vùng sâu, vùng xa của huyện Lâm Hà gồm Liêng S'rônh, Đạ Rsal, Phi Liêng, Đạ K'nàng, Rô Men và 3 xã của huyện Lạc Dương là Đạ M'rông, Đạ Tông, Đạ Long. Khi mới thành lập huyện, điều kiện kinh tế - xã hội hết sức khó khăn, đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân còn nhiều thiếu thốn, tỷ lệ hộ nghèo chiếm 73,19%, thu nhập bình quân đầu người chỉ đạt 2,6 triệu đồng/năm.

Chính vì vậy, việc nâng cao các tiêu chí trên là bài toàn khó đối với chính quyền địa phương, đặc biệt khi huyện bắt tay vào xây dựng NTM.

    Anh Nguyễn Huy Phương giới thiệu những buồng chuối laba được hợp tác xã của mình xuất khẩu qua Nhật Bản. Ảnh: V.L

Trong năm 2020, huyện Đam Rông sẽ phấn đấu để có thêm xã Phi Liêng đạt chuẩn NTM, nâng tổng số xã về đích NTM lên con số 4. Ngoài ra, xã Đạ R’sal tiếp tục tập trung đầu tư hoàn thiện kết cấu hạ tầng,... quyết tâm phấn đấu đến cuối năm 2020 xã Đạ R’Sal đạt chuẩn xã NTM nâng cao.

Ông Trần Đức Tâm - Phó Chủ tịch UBND huyện Đam Rông cho biết, tính đến cuối năm 2019, toàn huyện đã có 3/8 huyện đạt chuẩn NTM là Đạ R’Sal, xã Rô Men và xã Đạ K’Nàng.

Riêng xã Đạ R’Sal, địa phương đang thực hiện xây dựng NTM nâng cao và đã đạt 18/28 chỉ tiêu. So với với kết quả đạt được cuối năm 2018, trong năm 2019 trung bình mỗi xã tăng thêm 2 tiêu chí, không còn xã nào đạt dưới 13 tiêu chí.

“Từ khi địa phương bắt tay vào xây dựng NTM, trên địa bàn đã xuất hiện mô hình sản xuất mang lại hiệu quả kinh tế cao. Theo thống kê cuối năm 2018, thu nhập bình quân toàn huyện ước đạt 31 triệu đồng/người/năm. Đặc biệt, tỷ lệ hộ nghèo giảm xuống còn hơn 19%” - ông Tâm nói.

Nâng thu nhập cho người dân

Huyện Đam Rông có cơ cấu kinh tế chủ yếu là nông nghiệp, vì vậy UBND huyện đã xác định đẩy mạnh phát triển sản xuất nông nghiệp, đa dạng hóa sinh kế, nâng cao thu nhập cho người dân là mục tiêu, nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên trong quá trình triển khai chương trình xây dựng NTM.

Anh Sùng A Sáng - Trưởng thôn 5, xã Rô Men, huyện Đam Rông vui mừng cho biết: “Thôn của chúng tôi rất tự hào là thôn thực hiện nếp sống “3 không”: Không rượu, không thuốc lá và không tệ nạn xã hội. Chính vì người dân có ý thức chung tay xây dựng nếp sống văn hóa, cần cù, tiết kiệm xây dựng đời sống, nâng cao thu nhập góp phần vào công cuộc xây dựng NTM trên địa bàn huyện. Được nhà nước đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng NTM, trong thôn đã có người dân hiến đất xây dựng nhà văn hóa thôn rộng hơn 1.500m2...”.

Anh Nguyễn Huy Phương - Giám đốc Hợp tác xã Laba Banana Đạ K’nàng cũng tự hào cho biết, hiện hợp tác xã của anh hàng tháng đã xuất khẩu trực tiếp 60 tấn chuối laba qua đất nước Nhật Bản. Trong thời gian tới sẽ cần khối lượng chuối rất lớn để cung cấp cho nước bạn. Do đó, anh đã liên kết với 40 hộ dân trên địa bàn xã Đạ K’nàng để triển khai trồng chuối xuất khẩu.

Khi liên kết với người dân, hợp tác xã của anh sẽ mua chuối của người dân với giá chết là 8.000 đồng/kg. Điều này giúp cho người dân ổn định sản xuất, từ đó người trồng sẽ đảm bảo về quy trình chăm sóc, đáp ứng yêu cầu của đơn vị phía Nhật Bản.

Văn Long/http://danviet.vn/
X
em bài viết gốc tại đây!