Thúc đẩy lĩnh vực có dư địa phát triển, duy trì đà tăng trưởng

Thúc đẩy lĩnh vực có dư địa phát triển, duy trì đà tăng trưởng
Hàng loạt vấn đề nóng của ngành nông nghiệp, như tăng trưởng quý 1, dịch tả lợn châu Phi, kiểm dịch thực vật điều thô nhập khẩu… đã được lãnh đạo Bộ NN-PTNT và các đơn vị trực thuộc giải đáp thỏa đáng tại buổi họp báo thường kỳ quý 1/2019 tại Hà Nội cuối tuần qua.

Tăng trưởng quý 1/2019 cao hơn bình quân 5 năm gần đây

Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất của toàn ngành nông nghiệp quý 1 ước đạt 2,29%. Trong đó, nông nghiệp tăng 1,93%, lâm nghiệp tăng 4,32% và thủy sản tăng 5,24%. GDP toàn ngành nông nghiệp trong quý 1 ước đạt khoảng 2,68%, trong đó nông nghiệp đạt 1,84%, lâm nghiệp tăng 4,2%, thủy sản 5,1%.

13-37-59_thu_truong_thuong_truc_h_cong_tun_1
Ông Hà Công Tuấn và ông Phùng Đức Tiến tại cuộc họp báo

Thứ trưởng Thường trực Bộ NN-PTT Hà Công Tuấn nhấn mạnh, so với quý 1/2018 (tốc độ tăng GDP quý 1/2018 đạt 4,05%), mức tăng GDP của quý 1/2019 thấp hơn. Tuy nhiên, GDP quý 1/2018 được thống kê xác định mức tăng cao nhất trong vòng 9 năm trở lại đây. Nếu tính trung bình 5 năm trở lại đây (năm 2017 2,08%; năm 2016 -1,31%; năm 2015 2,25%; năm 2014 2,68%), mức tăng GDP của quý 1 chỉ là 1,95%, do đó mức tăng 2,68% của quý 1/2019 thực tế vẫn là mức tăng trưởng khá của ngành nông nghiệp trong bối cảnh gặp nhiều khó khăn như hiện nay.

Do đó, để đảm bảo thúc đẩy những lĩnh vực có dư địa duy trì đà tăng trưởng năm 2019, Bộ NN-PTNT đã chỉ đạo các đơn vị thuộc Bộ thúc đẩy sản xuất kinh doanh những lĩnh vực có dư địa phát triển, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, tạo điều kiện tối đa để doanh nghiệp xuất khẩu, như: lâm nghiệp, thủy sản, mặt hàng rau củ quả với tinh thần chủ động nhất có thể.

Trong đó, lĩnh vực thủy sản, cần thúc đẩy phát triển lĩnh vực khai thác (hải sản, thủy sản) và nuôi trồng (hai đối tượng chính là cá tra, tôm). Đối với lâm nghiệp, với các hiệp định đã ký kết, nhất là Hiệp định đối tác tự nguyên về thực thi lâm luật và quản trị rừng và thương mại lâm sản (VPA/FLEGT) giữa Việt Nam và EU sẽ là cơ hội lớn để các sản phẩm gỗ từ Việt Nam thâm nhập vào thị trường châu Âu và các nước trên thế giới. Dự báo, với đà tăng trưởng xuất khẩu như hiện nay kim ngạch xuất khẩu gỗ và lâm sản năm 2019 có thể đạt kỷ lục 11 tỷ USD.  

Sẽ có mô hình an toàn sinh học phù hợp chăn nuôi nhỏ lẻ

Trả lời nhiều cơ quan báo chí về tình hình dịch tả lợn Châu Phi, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến cho biết, theo số liệu thống kê, hiện nay cả nước vẫn còn 2,8 triệu hộ chăn nuôi quy mô nhỏ lẻ, nông hộ, chiếm tới 48% sản lượng thịt lợn, nên thời gian tới sẽ xây dựng mô hình an toàn sinh học phù hợp cho khu vực này.

13-37-59_4226_xut-khu-go_1
Bộ NN-PTNT tạo điều kiện tối đa để doanh nghiệp xuất khẩu

Thực tế kinh nghiệm bùng phát dịch tả lợn Châu Phi tại Việt Nam đến thời điểm hiện nay cho thấy, đa phần dịch xảy ra tại các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ, nông hộ, từ đó cho thấy an toàn sinh học và vệ sinh thú y đối với chăn nuôi nhỏ lẻ tại Việt Nam hiện còn rất thấp. Trong khi đó, theo khuyến cáo của Tổ chức Thú y thế giới (OIE) và Nông lương Liên hợp quốc (FAO) dịch tả lợn Châu Phi (ASF) chưa có vắc xin, chưa có thuốc và phác đồ điều trị nên toàn bộ việc phòng chống dịch phải dựa vào chăn nuôi an toàn sinh học.

Tuy nhiên, theo Thứ trưởng Phùng Đức Tiến, chăn nuôi nông hộ đã và đang vẫn đóng một vài trò lịch sử nhất định với ngành chăn nuôi Việt Nam, chưa thể bỏ ngay trong ngày một ngày hai được nên trong Luật Chăn nuôi đã được Quốc hội thông qua, dự kiến chính thức có hiệu lực đầu năm 2020 đã quy định rất rõ các điều kiện, quy định về thú y, an toàn thực phẩm đối với chăn nuôi nông hộ, nhỏ lẻ.

Do đó, trên cơ sở Luật Chăn nuôi, các tài liệu khuyến cáo của OIE và FAO, đặc biệt là kinh nghiệm phòng chống dịch tả lợn châu Phi của các Bộ, ban, ngành, địa phương từ đầu năm đến nay, Bộ NN-PTNT sẽ giao Cục Thú y và Cục Chăn nuôi sớm xây dựng những mô hình chăn nuôi an toàn sinh học, an toàn dịch bệnh đối với nhóm chăn nuôi nông hộ, chăn nuôi nhỏ lẻ trên tinh thần “sống chung với dịch” trong lúc chờ nghiên cứu sản xuất thương mại thành công vắc xin dịch tả lợn châu Phi.

Trước phản ánh việc hàng trăm container điều thô đang ách tắc ở cảng do quy định về kiểm dịch thực vật, Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật Hoàng Trung khẳng định, với tinh thần cải cách hành chính, trước đây thông thường hàng nhập khẩu qua cửa khẩu biên giới chỉ 4 tiếng là hoàn thiện, và tạo điều kiện để doanh nghiệp mang hàng về kho rồi hậu kiểm tra để đỡ tốn chi phí.

Tuy nhiên, do Cục Bảo vệ thực vật liên tục phát hiện đối tượng sinh vật ngoại lai nguy hiểm mọt cứng đốt (Trogoderma granarium Everts) trong các lô điều nhập khẩu nên không thể cho doanh nghiệp đưa hàng về kho như trước đây.

Bởi nếu để lọt loại mọt cứng đốt này vào nông sản của Việt Nam tương lai hàng xuất khẩu của chúng ta sẽ gặp khó khăn rất lớn do bị các nước cấm nhập khẩu hoặc nâng mức độ giám sát.

Vì vậy, thời gian tới nếu trong quá trình kiểm tra kiểm soát, phối hợp với kiểm dịch nước bạn cũng như doanh nghiệp nhập khẩu làm tốt, Cục sẽ chỉ đạo đưa hàng về kho tạo thuận lợi cho doanh nghiệp.

NGUYÊN HUÂN/ Nông nghiệp