Xây dựng xã hội nông thôn văn minh, hiện đại có ý nghĩa to lớn

Xây dựng xã hội nông thôn văn minh, hiện đại có ý nghĩa to lớn
Hôm nay (27/12), tại Hà Nội, Trung ương Hội NDVN tổ chức Hội thảo “Hội NDVN tham gia xây dựng xã hội nông thôn văn minh, hiện đại”.
Tiến sĩ Thào Xuân Sùng- Ủy viên Trung ương Đảng- Chủ tịch Ban Chấp hành Trung ương Hội NDVN khẳng định xây dựng xã hội nông thôn văn minh, hiện đại ở Việt Nam có ý nghĩa to lớn đối với sự phát triển bền vững của đất nước

Chủ trì Hội thảo có: Tiến sĩ Thào Xuân Sùng- Ủy viên Trung ương Đảng- Chủ tịch Ban Chấp hành Trung ương Hội NDVN; Phó Chủ tịch Thường trực Hội NDVN Lương Quốc Đoàn, các Phó Chủ tịch: Đinh Khắc Đính, Bùi Thị Thơm, Nguyễn Xuân Định; Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam Trần Thị Hương.


Khai mạc Hội thảo Chủ tịch Hội NDVN Thào Xuân Sùng khẳng định: “Những năm qua, Hội NDVN đã chủ động, tích cực cùng các bộ, ngành, địa phương triển khai nhiều chương trình, đề án, dự án, phát động các phong trào thi đua yêu nước góp phần làm cho xã hội nông thôn có nhiều đổi mới và phát triển. Người dân nông thôn ngày càng được tiếp cận với các dịch vụ y tế giáo, dục, văn hóa, thể thao tốt hơn, ý thức tự giác chấp hành pháp luật, tinh thần năng động sáng tạo, ý thức cộng đồng của người dân nông thôn ngày càng được nâng cao”.



Sau 10 năm thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, cả nước có 4.665 xã (chiếm 52,4% tổng số xã) đạt chuẩn nông thôn mới; 109 đơn vị cấp huyện (chiếm 16,5% số huyện) được Thủ tướng Chính phủ công nhận đạt chuẩn nông thôn mới; 8 tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương đã có 100% số xã hoàn thành xây dựng nông thôn mới.


Các cấp Hội đã chủ động phối kết hợp với các cơ quan, ban, ngành tổ chức 169.777 lớp tập huấn, tuyên truyền cho 8.448.850 lượt hội viên, nông dân về chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước, của địa phương trong xây dựng nông thôn mới; tổ chức hơn 2,1 triệu cuộc tuyên truyền, tập huấn, hội nghị, hội thi, mít tinh cho hàng chục triệu lượt cán bộ, hội viên, nông dân các kiến thức về kinh tế - xã hội – môi trường. Công tác tuyên truyền của cấp Hội phong phú về nội dung, đa dạng về hình thức đã góp phần nâng cao nhận thức sâu sắc và đồng thuận của cán bộ, hội viên, nông dân.


Chia sẻ về bài học kinh nghiệm xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu ở Hà Tĩnh, đồng chí Bùi Nhâm Sâm- Chủ tịch Hội ND tỉnh thông tin: Đến nay, các cấp Hội đã trực tiếp vận động, hỗ trợ cải tạo và chỉnh trang 407.000  vườn tạp,  vườn hộ; xây dựng 4.716 vườn mẫu, trên 2280 khu dân cư nông thôn mới kiểu mẫu. Trong quá trình thực hiện vận động phong trào xóa bỏ vườn tạp, chỉnh trang vườn hộ, Hội đã tuyên truyền đến từng ngõ, gõ từng nhà, tổ chức vận động giúp đỡ vừa góp ý, định hướng cho hội viên quy hoạch, sản xuất đồng thời tranh thủ các chính sách hỗ trợ của tỉnh để sau khi cải tạo liền bắt tay vào sản xuất không để vườn hoang.


Cán bộ, hội viên tiêu biểu là một nhân tố nòng cốt trong công tác tuyên truyền, vận động tham gia trong chương trình cải tạo vườn tạp, chỉnh trang vườn hộ, xây dựng vườn mẫu theo chủ trương của tỉnh.


Tại Hội thảo, Trưởng ban Gia đình, xã hội- Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam Nguyễn Thị Tuyết Mai bày tỏ: Đối với Hội NDVN, chúng tôi mong muốn tiếp tục có sự phối hợp chặt chẽ, thường xuyên giữa hai tổ chức, từ cấp Trung ương đến cơ sở trong việc tuyên truyền, vận động và hỗ trợ hội viên thực hiện các tiêu chí 5 không, 3 sạch, tiêu chí nông thôn mới, tập trung vận động, hỗ trợ phụ nữ nông dân phát triển kinh tế; triển khai thực hiện các phong trào, cuộc vận động của từng tổ chức ở cơ sở; tham gia giải quyết những vấn đề mới phát sinh và bức xúc của xã hội liên quan đến phụ nữ và các gia đình nông thôn.

Quang cảnh buổi Hội thảo

“Với tính chất và hoạt động của Hội NDVN, hoạt động xây dựng nông thôn mới của Hội các cấp cần phát triển kinh tế nông thôn, tổ chức các hoạt động hỗ trợ nông dân phát triển kinh tế và phát triển các hình thức kinh tế tập thể trong nông nghiệp; vận động hội viên, nông dân tham gia xây dựng cảnh quan, bảo vệ môi trường nông thôn, tham gia xây dựng, giám sát thực hiện và phản biện chính sách nông thôn mới, qua đó đưa các chính sách gần với thực tiễn. Đặc biệt, cần phát huy vai trò của tổ chức Hội trong hướng dẫn thực hiện chính sách nông thôn mới bởi các nội dung xây dựng nông thôn mới thuộc nhiều mảng, nhiều lĩnh vực và mang tính đặc thù từng địa phương” -Phó chánh Văn phòng điều phối nông thôn mới- Bộ NN & PTNT Ngô Tất Thắng nhận định.


Phát biểu kết luận tại Hội thảo, Chủ tịch Thào Xuân Sùng đánh giá cao các ý kiến, thảo luận của các đại biểu. Những đóng góp tại Hội thảo sẽ được Hội NDVN nghiên cứu, tiếp thu để làm cơ sở xây dựng nội dung các hoạt động của Hội NDVN trong thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội VII Hội NDVN nhiệm kỳ 2018 - 2023 về đẩy mạnh công nghiệp hóa nông nghiệp, tri thức hóa nông dân, văn minh hóa, hiện đại hóa nông thôn góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội lần thứ XII của Đảng.