Để Chương trình xây dựng NTM thành công không để tổ chức bộ máy chỉ đạo, điều phối dưới tầm

Để Chương trình xây dựng NTM thành công không để tổ chức bộ máy chỉ đạo, điều phối dưới tầm
Chương trình mục tiêu Quốc gia (MTQG) xây dựng nông thôn mới (NTM) là Chương trình rất thiết thực, vì số đông người dân, vì sự ổn định, phồn vinh của đất nước. Sau 4 năm thực hiện Chương trình, đã đạt được những kết quả quan trọng, bộ mặt nông thôn ở nhiều nơi đã được đổi mới, cơ sở hạ tầng thiết yếu được nâng cấp, hệ thống chính trị cơ sở tiếp tục được củng cố, thu nhập và điều kiện sống của nhân dân được cải thiện và từng bước nâng cao...

Tại Hội nghị Sơ kết 3 năm thực hiện Chương trình, Ban chỉ đạo Chương trình NTM Trung ương đã rút ra một số bài học kinh nghiệm, trong đó bài học về tổ chức, về cán bộ, vai trò người đứng đầu được đề cao. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng đã giao các Bộ, ngành chức năng sớm tham mưu Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định sửa đổi, bổ sung quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, tổ chức bộ máy và biên chế của tổ chức tham mưu Ban Chỉ đạo thực hiện Chương trình MTQG xây dựng NTM các cấp giai đoạn 2010 - 2020, theo hướng chuyên trách, chuyên nghiệp, đủ tầm.
 
 
Thực hiện Chương trình xây dựng NTM, Hà Tĩnh được Ban chỉ đạo Trung ương đánh giá là điểm sáng trong công tác xây dựng nông thôn mới, với cách làm chủ động, bài bản, sáng tạo, quyết liệt, hiệu quả, đạt được những kết quả hết sức quan trọng, bộ mặt nông thôn có nhiều khởi sắc, nông nghiệp giữ được mức tăng trưởng ổn định, các lĩnh vực khác đều phát triển; đã xuất hiện trên 4.018 mô hình sản xuất kinh doanh có hiệu quả, trong đó có nhiều mô hình liên, ứng dụng tốt khoa học, công nghệ đạt hiệu quả cao. Đời sống của nông dân được cải thiện, tỷ lệ hộ nghèo giảm nhanh; an sinh xã hội ngày càng được bảo đảm; các điều kiện về giáo dục, y tế, văn hóa tiếp tục được cải thiện; dân chủ ở cơ sở được phát huy...

 
 Để có được kết quả đó, công tác lãnh đạo, chỉ đạo, vai trò của tổ chức bộ máy chỉ đạo, điều phối là yếu tố đóng vai trò quan trọng, huy động được cả hệ thống chính trị vào cuộc tạo thành phong trào lớn, rộng khắp.
 
Những năm đầu, do chưa có kinh nghiệm, nên việc cơ cấu hệ thống tổ chức chưa phù hợp, bộc lộ nhiều bất cập, đã làm hạn chế tiến trình và kết quả thực hiện, nhiều địa phương lúng túng. Từ đó, tỉnh Hà Tĩnh đã điều chỉnh thay đổi, bổ sung Ban Chỉ đạo Chương trình, đặc biệt là cơ cấu chức năng, nhiệm vụ của Văn phòng Điều phối tỉnh, huyện phải đủ tầm, đủ điều kiện để thực hiện tốt cả 3 chức năng cơ bản: Chức năng văn phòng, chức năng điều phối và chức năng tổ chức thực hiện một số nhiệm vụ khác; đặc biệt là chức năng điều phối phải được thể hiện có thẩm quyền, vị thế để thực hiện chức năng này nên tỉnh đã thành lập Văn phòng Điều phối NTM tỉnh trực thuộc UBND tỉnh và cấp huyện tham mưu trực tiếp cho Ban chỉ đạo và Ủy ban nhân dân. Ở cấp tỉnh do Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn làm Chánh Văn phòng, Phó Giám đốc Sở làm Phó Chánh văn phòng Thường trực chuyên trách; cấp huyện do Phó Chủ tịch UBND làm Chánh Văn phòng; cấp xã bố trí 1 cán bộ chuyên trách theo dõi lĩnh vực nông nghiệp, xây dựng NTM.  Bên cạnh đó, tỉnh cũng đã ban hành chế độ phụ cấp đặc thù đối với cán bộ thực hiện Chương trình xây dựng NTM từ tỉnh đến xã (Quyết định 1093/QĐ-UBND ngày 13/4/2012).

Với hệ thống tổ chức như vậy đã góp phần quan trọng thúc đẩy nhanh hơn và đi sâu vào chất lượng thực hiện Chương trình MTQG xây dựng NTM hơn; công tác lãnh đạo, chỉ đạo toàn diện, sâu sát, cụ thể, liên tục, đồng bộ, đề cao và gắn trách nhiệm của người đứng đầu; xác định rõ trách nhiệm của các sở, ban, ngành, tổ chức đoàn thể theo chức năng, nhiệm vụ được giao. Công tác tổ chức kiểm tra, thường xuyên kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, đồng thời định hướng đúng cho cơ sở tiếp tục triển khai thực hiện. Vai trò "điều phối" được thể hiện rõ và hiệu quả. Tuy nhiên, đây là Chương trình tổng hợp đa lĩnh vực, nên cơ cấu tổ chức như thời gian qua (chủ yếu sử dụng cán bộ ngành nông nghiêp) nên cũng đang còn bất cập.

Để có một tổ chức, bộ máy đủ tầm, đủ lực tham mưu, điều phối thực hiện Chương trình nhằm tiếp tục nâng cao hiệu quả công tác lãnh đạo chỉ đạo thực hiện chương trình MTQG xây dựng NTM, Hà Tĩnh đã đề xuất Trung ương kiện toàn tổ chức thực hiện NTM các cấp theo hướng:

Văn phòng Điều phối Trung ương cần thể hiện được chức năng giúp Ban Chỉ đạo chương trình; Văn phòng Điều phối Trung ương cần đặt ở vị trí phù hợp để đảm bảo hoạt động hiệu quả nhất (điều phối các bộ, ngành theo chỉ đạo của Ban chỉ đạo);
Đối với tổ chức tham mưu, điều phối cấp tỉnh, có thể thành lập Văn phòng Điều phối (hoặc là Ban Điều phối) Chương trình NTM tỉnh, là cơ quan độc lập, chuyên trách, đặc biệt là thực hiện chức năng “Điều phối” và trực tiếp tham mưu cho UBND cấp tỉnh; Về biên chế nên bố trí đủ các vị trí của bộ khung cơ bản tối thiểu của một tổ chức và điều động thêm một số cán bộ ở các Sở, ngành liên quan làm việc chuyên trách do UBND cấp tỉnh bố trí trong tổng biên chế công chức được cơ quan có thẩm quyền giao; đối với công chức cấp phòng của các Sở, ngành cử đến làm việc chuyên trách.


 
Đối với cấp huyện thành lập “Văn phòng Điều phối” hoặc “Ban Điều phối” Chương trình NTM cấp huyện do Phó Chủ tịch UBND cấp huyện làm Chánh Văn phòng hoặc Trưởng ban; bố trí các Phó chánh Văn phòng (Phó ban) trong đó có 01 Phó chánh Văn phòng chuyên trách (hàm Trưởng phòng cấp huyện). Văn phòng Điều phối được điều động, tuyển chọn cán bộ có năng lực, tâm huyết, trách nhiệm từ các phòng, ban chuyên môn cấp huyện về làm việc chuyên trách.

Đối với cấp xã bố trí công chức chuyên trách cấp xã phải là lực lượng chuyên trách, hoạt động chuyên nghiệp, ổn định, có năng lực, kinh nghiệm, tâm huyết để theo dõi, tổng hợp Chương trình nông thôn mới.

Hoàn thiện mô hình tổ chức đủ tầm sẽ giúp nâng cao hiệu quả điều hành, đẩy nhanh tiến độ thực hiện Chương trình MTQG xây dựng NTM ở các địa phương, góp phần thực hiện thắng lợi Chương trình MTQG xây dựng NTM.

 
 Ngô Thắng
Văn phòng Điều phối NTM Hà Tĩnh