Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường: Đừng 'tham bát bỏ mâm'!

Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Xuân Cường đã lưu ý các doanh nghiệp (DN) chăn nuôi đừng “tham bát bỏ mâm”, chạy theo lợi ích ngắn hạn.
Hội nghị có sự tham gia của nhiều địa phương và doanh nghiệp chăn nuôi lớn.

Nếu DN nào cũng tranh thủ thu lợi nhờ lấy giá lợn cao vài hôm thì rồi người người, nhà nhà lại đổ xô nuôi lợn bừa bãi, dịch bệnh lại tái diễn.

Phát biểu khai mạc hội nghị triển khai một số giải pháp thúc đẩy sản xuất chăn nuôi đảm bảo an toàn dịch bệnh trong chăn nuôi sáng 26/12, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường nhấn mạnh: Đến nay, phải công bằng nhìn nhận sự thành công trong ngành chăn nuôi, đặc biệt là các DN chăn nuôi nước ngoài (FDI) tại Việt Nam là nhờ thị trường tiêu thụ lớn với 100 triệu dân, có mức tiêu thụ thịt lợn chiếm cơ cấu rất cao, tới 60-70% là thịt lợn.

Sự thành công của DN, nhất là các DN đầu tư nước ngoài trong ngành chăn nuôi, đặc biệt là chăn nuôi lợn ở Việt Nam bên cạnh năng lực của DN, còn phải có điều kiện tiên quyết là sự đồng thuận của chính sách, tạo điều kiện tốt nhất về cơ chế cho sự phát triển của doanh nghiệp. Vì vậy trong bối cảnh khó khăn của chăn nuôi lợn hiện nay, các DN phải lấy tinh thần chia sẻ, có trách nhiệm với thị trường, không cố tình găm hàng đẩy giá để thu lợi cho riêng mình trong ngắn hạn.

“DN lãi bao nhiêu, xã hội, Bộ NN-PTNT đều biết rõ, tuy nhiên việc thu lãi như thế có phải là điều tốt hay không? Rõ ràng là điều không tốt cho chính DN. Bởi nếu giá duy trì ở mức cao kéo dài, sẽ lại diễn ra tình trạng đổ xô vào nuôi lợn, rồi sẽ lại rớt giá, dịch bệnh bùng phát” – Bộ trưởng phân tích.

Ông đề nghị trong hoàn cảnh hiện nay, các DN chăn nuôi lợn phải đóng vai trò dẫn dắt, đặc biệt là dẫn dắt về giá, làm chủ sự phát triển bền vững của ngành chăn nuôi, để không chỉ thu lợi trong ngắn hạn, chụp giật, mà còn phải tạo sự ổn định thị trường 100 triệu dân, tiến tới thị trường quốc tế, xuất khẩu, trở thành cường quốc về chăn nuôi.

Theo Cục Thú y, dự báo đến hết tháng 12/2019, số lượng lợn phải tiêu hủy do dịch tả lợn Châu Phi ước giảm khoảng 74% so với tháng 11/2019, giảm 97% so với tháng 5/2019.

Đến thời điểm này, nhiều tỉnh thành đã hết dịch và triển khai tái đàn tốt, trong đó có các tỉnh có sản lượng lợn lớn như Hưng Yên, Hải Dương, Phó Thọ, Bắc Giang, Thanh Hóa, Bình Định, Đồng Nai… Vì vậy dự báo trong thời gian tới, tổng đàn lợn sẽ được khôi phục dần trở lại. Ngoài ra, hiện cả nước đã có 860 vùng, cơ sở an toàn dịch bệnh và hàng chục DN chăn nuôi lớn đảm bảo an toàn sinh học và chưa bị nhiễm dịch tả lợn Châu Phi…

LÊ BỀN/https://nongnghiep.vn/