Đánh giá kết quả chiến lược phát triển chăn nuôi giai đoạn 2008-2018

Ngày 25/12 tại Hà Nội, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) tổ chức Hội nghị “Đánh giá kết quả chiến lược phát triển chăn nuôi giai đoạn 2008-2018, định hướng phát triển chăn nuôi giai đoạn 2020-2030, tầm nhìn 2040”. Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến chủ trì Hội nghị.
Toàn cảnh Hội nghị

Theo ông Nguyễn Xuân Dương, Quyền Cục trưởng Cục Chăn nuôi, sau 10 năm triển khai phần lớn các nội dung định hướng phát triển và mục tiêu chính của chiến lược phát triển chăn nuôi được thực hiện đạt yêu cầu đề ra, đáp ứng cơ bản nhu cầu thực phẩm cho tiêu dùng trong nước và hướng ra xuất khẩu.

Sau 10 năm triển khai Chiến lược, ngành chăn nuôi đã đạt được sự tăng trưởng khá cao và ổn định với tốc độ tăng trưởng trung bình khoảng 5 - 6%/năm, trong đó giai đoạn 2011 - 2015 đạt 4,5 - 5%, giai đoạn 2016 - 2018 đạt trung bình 6%/năm. Kết quả trên cũng đã góp phần duy trì mức tăng trưởng chung của ngành nông nghiệp, đáp ứng cơ bản nhu cầu thực phẩm cho tiêu dùng trong nước, thay thế nhập khẩu và bước đầu cho xuất khẩu một số sản phẩm. Tuy nhiên, so với mục tiêu chung, tăng trưởng không đạt.

Bên cạnh đó, tỷ trọng trung bình ngành chăn nuôi trong ngành nông nghiệp giai đoạn 2011 - 2015 đạt 30,5%, năm 2018 đạt 32%, thấp hơn so với mục tiêu của Chiến lược đặt ra (38% vào năm 2015). Như vậy là chỉ tiêu này sẽ không đạt được như mục tiêu định hướng của chiến lược lên 42% vào năm 2020.

Cũng trong giai đoạn 2008 - 2018, sản lượng thịt các loại tăng trên 1,5 lần, trứng tăng 2,3 lần, sữa tươi tăng 3,6 lần, thức ăn chăn nuôi công nghiệp tăng gần 2,4 lần. Từ chỗ thiếu thực phẩm, đến nay ngành chăn nuôi đã cơ bản cung cấp đủ cho thị trường trong nước các loại thực phẩm có giá trị dinh dưỡng cao (thịt, trứng, sữa), một số sản phẩm chăn nuôi đã được xuất khẩu (thịt lợn sữa, trứng vịt muối, mật ong, tổ yến, sữa và các sản phẩm từ sữa...).

Năm 2018, sản lượng thịt hơi các loại đạt trên 5,4 triệu tấn (thịt lợn đạt 3,8 triệu tấn, thịt gia cầm 1,1 triệu tấn, các loại khác 0,5 triệu tấn) tương đương 37,8 triệu tấn thịt xẻ. Số lượng trứng 11,6 tỷ quả và trên 936.700 tấn sữa tươi nguyên liệu.

Như vậy, so với mục tiêu Chiến lược đề ra đến năm 2020, sản lượng thịt hơi các loại khoảng 7,8 triệu tấn (5,5 triệu tấn thịt xẻ) thì khó đạt được. Sản lượng trứng 13,8 tỷ quả và sản lượng sữa tươi 1 triệu tấn đến năm 2020 thì về cơ bản có thể đạt được so với kế hoạch.

Tại hội nghị, hầu hết các ý kiến đều đánh giá cao những kết quả đạt được trong giai đoạn 10 năm qua, tuy nhiên cũng chỉ ra những mặt còn hạn chế trong ngành chăn nuôi như: kiểm soát dịch bệnh còn nhiều bất cập, nhất là ở các địa phương làm dịch bệnh kéo dài, gây tăng giá thành sản phẩm chăn nuôi; năng lực giết mổ và chế biến các sản phẩm chăn nuôi nhìn chung còn rất thấp, phần lớn là giết mổ nhỏ lẻ và chế biến thủ công; số lượng doanh nghiệp đầu tư bài bản, công nghệ hiện đại, theo chuỗi khép kín trong chăn nuôi còn ít…

Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến cho biết, để bù đắp lượng thịt lợn thiếu hụt do dịch tả châu Phi, các doanh nghiệp trong nước đã nhập khẩu khoảng 110.000 tấn thịt lợn phục vụ nhu cầu tiêu thụ của người dân. Bộ NN&PTNT vẫn đang thực hiện theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng về việc tiếp tục tăng cường phát triển gia súc lớn, gia cầm, thủy sản. Phối hợp với các bộ ngành nghiên cứu, nếu thiếu hụt thì tiếp tục nhập khẩu thịt lợn để đáp ứng nhu cầu thị trường, nhất là trong dịp Tết Canh Tý 2020.

Cũng theo Thứ trưởng Phùng Đức Tiến, hiện nay nhiều địa phương đã tổ chức tái đàn hiệu quả. Điển hình như: Hải Dương, Bắc Giang, Bình Định, Hòa Bình, Hà Nội… Dự kiến trong tháng 1/2020, nhiều tỉnh, thành phố sẽ có lợn xuất chuồng, bổ sung thêm nguồn cung mặt hàng này cho thị trường Tết.

Thứ trưởng cho biết thêm, hiện bệnh dịch tả lợn châu Phi đang dần được khống chế, tuy nhiên, diễn biến dịch bệnh trong năm 2020 và những năm tiếp theo được dự báo vẫn sẽ rất phức tạp. Do đó, Bộ NN&PTNT đã có báo cáo, đề xuất Thủ tướng Chính phủ cho xây dựng và trình phê duyệt Kế hoạch Quốc gia phòng, chống bệnh dịch tả lợn châu Phi giai đoạn 2020 - 2030. Đây sẽ là giải pháp căn cơ nhằm kiểm soát chặt chẽ, tiến tới khống chế dịch bệnh này.

Theo Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến, chúng ta phải xã hội hóa chăn nuôi. Trong năm 2019, riêng lĩnh vực nông nghiệp đã có 17 dự án đầu tư của doanh nghiệp với tổng giá trị 20.000 tỷ đồng, doanh nghiệp có ý nghĩa quyết định sức cạnh tranh của ngành hàng. Vì thế, tới đây phải bổ sung chính sách, trong Luật Đất đai phải có đất cho chăn nuôi vì quy mô chăn nuôi trang trại hiện nay rất lớn; đầu tư hạ tầng, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, đầu tư ứng dụng khoa học công nghệ để thu hút thêm nhiều doanh nghiệp lớn đầu tư vào chăn nuôi.

Theo Thứ trưởng, khi Luật Chăn nuôi có hiệu lực trong thời gian tới sẽ tạo hành lang pháp lý cho phát triển ngành chăn nuôi sang giai đoạn mới. Thứ trưởng đề nghị các địa phương, các doanh nghiệp, hiệp hội tiếp tục nghiên cứu, đóng góp ý kiến để hoàn thiện cho Dự thảo Chiến lược phát triển chăn nuôi giai đoạn 2020 - 2030, tầm nhìn 2040 để trình Chính phủ để làm sao chiến lược 10 năm sau vẫn còn tính thời sự, gắn với đời sống thực tế, đưa ngành chăn nuôi có bước chuyển biến tích cực theo đúng lộ trình của Chiến lược đã đề ra.

HNN (mard.gov.vn)