Đầu tư dây chuyền giết mổ: Cơ khí nội tự “hạ chuẩn”

Nhiều doanh nghiệp chuyên về giết mổ trong nước qua Trung Quốc để mua dây chuyền giết mổ. Dù “đường xa vạn dặm” nhưng tính kỹ vẫn lợi hơn mua hàng trong nước.
Dây chuyền giết mổ của công ty An Nhơn do doanh nghiệp cơ khí nội địa sản xuất chỉ đáp ứng yêu cầu: giết và mổ. Ảnh: Hoàng Bảy

Ông H., giám đốc một doanh nghiệp kinh doanh sản xuất thực phẩm tại TP.HCM vừa có chuyến khảo sát tại công ty cơ khí Changxun Machinery (khu công nghiệp Hengxi, Jiangning, Nam Kinh, Trung Quốc) để đặt hàng mua dây chuyền giết mổ gia cầm. “Trong năm nay công ty dự định đầu tư năm dây chuyền công suất 1.000 con/giờ và hai dây chuyền công suất 1.500 con/giờ”, ông H. thông tin thêm qua chuyến khảo sát trên.

Không tin vào hàng cơ khí trong nước

Không chỉ có ông H., hiện nay còn có rất nhiều doanh nghiệp giết mổ khác không chọn hàng Việt Nam. Ông Châu Nhật Trung, giám đốc công ty Huỳnh Gia Huynh Đệ kể: năm 2003, ông tìm đến một công ty cơ khí nội địa đặt dây chuyền công suất 500 con/giờ. Giá thời điểm đó không hề rẻ so với hàng nhập, nhưng chất lượng kém xa. Chất lượng các thiết bị kỹ thuật không cao nên gia cầm giết mổ không đạt tiêu chuẩn. Khi nâng công suất lên đúng thiết kế, hễ máy chạy nhanh là bị trục trặc liên tục. Các khớp nối, bộ li, trục băng chuyền bị mòn rất nhanh do thép kém chất lượng. Chính vì vậy, khi đầu tư nâng cấp nhà máy tại tỉnh Đồng Tháp cách nay hai năm, ông Trung nhất quyết không dùng hàng cơ khí nội địa.

Ông Văn Đức Mười, tổng giám đốc công ty Vissan cho biết, trước đây do giá thành nhập khẩu thiết bị quá đắt nên Vissan cũng đã từng tìm đến một số doanh nghiệp cơ khí trong nước đặt hàng, nhưng không nơi nào đáp ứng được tiêu chuẩn kỹ thuật mà công ty đưa ra. Từ nhiều năm nay, Vissan sử dụng chủ yếu dây chuyền công nghệ của Đức.

Không chỉ đáp ứng như cầu quy mô, chất lượng, giá cả mà nhà thầu Trung Quốc còn giúp khách hàng yên tâm về chính sách lắp đặt, bảo hành và thay thế thiết bị. Ông Châu Nhật Trung cho rằng doanh nghiệp không nên tìm mua hàng giá rẻ mà chọn hàng cao cấp của những tập đoàn lớn. Họ sẽ có nghĩa vụ cử chuyên gia sang lắp đặt, đào tạo nhân viên kỹ thuật vận hành.

Quá tầm công nghệ Việt?

Theo các doanh nghiệp sản xuất thực phẩm, quy trình từ giết mổ đến chế biến thực phẩm ăn nhanh (có những nhóm hàng người tiêu dùng không cần nấu nướng) đòi hỏi nhà sản xuất thiết bị phải có tay nghề, trình độ sản xuất đến mức “tinh xảo, chính xác tuyệt đối ở từng công đoạn sản xuất”. “Tôi đã mang hồ sơ thiết kế đến một số đơn vị cơ khí trong nước nhưng không nơi nào làm được nên phải tìm đến các nhà cơ khí Trung Quốc”, ông H. nói.

Từ những năm 2004 – 2005, khi vấn đề an toàn thực phẩm được người tiêu dùng quan tâm, trước sức ép của các cơ quan chức năng, nhiều doanh nghiệp giết mổ đã đối phó bằng cách đầu tư những dây chuyền giết mổ do các doanh nghiệp cơ khí trong nước sản xuất. Giám đốc một công ty cơ khí có trụ sở tại Bình Chánh (TP.HCM) cho biết, lúc đó doanh nghiệp cơ khí của ông đã từng sản xuất nhiều dây chuyền với yêu cầu đơn giản: giết và mổ, những khâu còn lại thuộc về dây chuyền khác. “Họ chỉ đầu tư như vậy để qua mặt các cơ quan chức năng hơn là hiện đại hoá quy trình sản xuất. Mà có đặt ra những yêu cầu cao hơn, các doanh nghiệp cơ khí trong nước cũng khó đáp ứng”, vị giám đốc này nhận xét.

Ông Nguyễn Tịnh Hiếu, giám đốc công ty cơ khí Định Hưng Phú (quận 6, TP.HCM) bổ sung thêm, một vài doanh nghiệp cơ khí trong nước có thể đáp ứng được yêu cầu của nhà sản xuất chuyên về giết mổ gia cầm nhưng vì ít đơn hàng nên giá thành phải cao. Còn các doanh nghiệp nhỏ chỉ sản xuất những dây chuyền đơn giản nhưng không thể cạnh tranh với nhà cơ khí nước ngoài về chất lượng và giá.

Được biết, Changxun bán dây chuyền giết mổ gia cầm công suất 1.000 con/giờ với giá 800 triệu đồng. Trong khi đó, giá một dây chuyền 500 con/giờ do doanh nghiệp cơ khí nội địa sản xuất có giá lên tới 2 tỉ đồng. Theo các doanh nghiệp giết mổ gia cầm, năng lực của các doanh nghiệp cơ khí nội địa chưa sản xuất được dây chuyền công suất lớn từ 1.000 – 2.000 con/giờ.

Ông Hiếu cũng xác nhận, trừ một vài doanh nghiệp cơ khí lớn, phần lớn các doanh nghiệp cơ khí nhỏ hiện nay không đủ kinh nghiệm và chạy theo lợi nhuận nên chất lượng của nhiều chi tiết trên dây chuyền đã bị “hạ chuẩn”, tự đánh mất uy tín với khách hàng.

HOÀNG BẢY – TRỌNG HIỀN