Doanh nghiệp sản xuất muối công nghiệp: Mâu thuẫn “chát mặn” thêm

Nghịch lý thiếu - thừa muối công nghiệp đã diễn ra nhiều năm, nhưng các doanh nghiệp (DN) sản xuất và tiêu thụ muối vẫn chưa tìm được tiếng nói chung vì lợi ích cục bộ.
Ngày 30/3, Cục Chế biến nông lâm sản và nghề muối, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) đã tổ chức cuộc gặp với tất cả các DN sản xuất, cung ứng muối trong nước để bàn về nguồn cung ứng muối chất lượng cao trong nước, trước khi có ý kiến trả lời chính thức với Bộ Công thương. Thế nhưng, nhiều DN sản xuất muối đã không tham gia.  
Theo báo cáo của Bộ NN&PTNT, quý I/2012, sản lượng muối của cả nước đạt khoảng 215.000 tấn, trong đó có 68.400 tấn muối công nghiệp. Cũng theo Bộ NN&PTNT, đến thời điểm này, tổng lượng muối còn tồn trên cả nước là 111.100 tấn.
Đại diện Cục Chế biến nông lâm sản và nghề muối cho rằng, muối công nghiệp năm nay không thiếu. Dù giá muối năm nay khá ổn định, nhưng thông tin nhập khẩu muối đang đe dọa sản lượng muối. Thực tế, giữa năm 2011, khi muối nội đang tăng giá, thì Bộ Công thương đã đồng ý cho các DN nhập 50.000 tấn muối công nghiệp. Ngay lập tức, muối nội đảo chiều, rớt giá, diêm dân lỗ nặng…
Quan điểm của đối tượng muốn nhập khẩu muối
Ông Lưu Hoàng Ngọc, Phó cục trưởng Cục Hóa chất (Bộ Công thương) cho rằng, sở dĩ năm nào Việt Nam cũng phải nhập khẩu muối công nghiệp, vì DN trong nước chưa thể sản xuất muối công nghiệp chất lượng cao phục vụ cho y tế và sản xuất xút.
Bộ Công thương đang xem xét cấp hạn ngạch đợt 1 cho các DN nhập khẩu 53.000 tấn muối.
Đại diện Bộ Công thương khẳng định, lượng muối dự định nhập khẩu theo hạn ngạch trên rất ít so với nhu cầu 280.000 tấn muối công nghiệp của các DN trong năm 2012. Hơn nữa, theo cam kết khi gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), hạn ngạch nhập khẩu muối của Việt Nam năm 2012 là 192.000 tấn, song Bộ Công thương đã thống nhất với Bộ NN&PTNT chỉ cấp hạn ngạch nhập khẩu 102.000 tấn.
Về phía DN, ông Đào Quang Tuyến, Giám đốc Công ty Hóa chất Việt Trì phát biểu: “Năm qua, chúng tôi đã nhiều lần chào thầu trên các phương tiện thông tin đại chúng về việc mời các nhà sản xuất trong nước cung ứng muối công nghiệp, nhưng không có hồi âm”. Ông đã chê muối công nghiệp trong nước không đáp ứng được yêu cầu sản xuất hóa chất, sử dụng muối nội khiến Công ty tốn kém nhiều lần chi phí hóa chất xử lý, ảnh hưởng đến chất lượng hệ thống thiết bị, máy móc.
Bên cạnh đó, để chứng minh cho lập luận thiếu muối công nghiệp, Bộ Công thương lấy dẫn chứng: nhiều DN hóa chất đang phải chấp nhận nhập khẩu muối ngoài hạn ngạch với thuế suất thuế nhập khẩu lên tới 60%. Chưa kể, nhiều lần Bộ Công thương, Bộ NN&PTNT họp bàn về hạn ngạch nhập khẩu muối đều mời các DN sản xuất muối trong nước, thế nhưng tuyệt nhiên các DN này đều không có mặt.
Lý lẽ của doanh nghiệp sản xuất muối
Trái với nhận xét của các DN hóa chất là, DN sản xuất muối không tham dự họp vì thực chất là không có muối, nhiều DN muối khẳng định, họ không tham gia là để thể hiện sự “tẩy chay” hai bộ trên về cách điều hành.
Trả lời phóng viên Báo Đầu tư về việc không tham gia họp bàn về muối, ông Trần Quang Phụng, Tổng giám đốc Tập đoàn Muối miền Nam bức xúc: “Tôi bất mãn, không họp. Các diêm dân sản xuất muối hiện đang làm nhiệm vụ giữ đất cho đất nước, nhưng đời sống của họ rất khó khăn. Chính phủ đã có nhiều chủ trương, chính sách hỗ trợ ngành muối, nhưng hai bộ Công thương và NN&PTNT đã không phối hợp thực hiện tốt chủ trương này. Còn các DN hóa chất nói nhiều lần chào thầu mà không có hồi âm là cách nói đối phó. Thật ra, khái niệm muối công nghiệp chỉ được “đẻ” ra khi có sự chênh lệch giá muối nhập khẩu trong hạn ngạch và ngoài hạn ngạch nhằm “qua mặt” cơ quan quản lý và dư luận”.
Nhiều DN sản xuất muối khác cũng cho rằng, muối trong nước không thiếu và hoàn toàn có thể đáp ứng được nhu cầu phục vụ sản xuất công nghiệp trong nước. 

Ông Bùi Sơn Long, Giám đốc Chi nhánh Thực nghiệm chuyển giao công nghệ muối biển (thuộc Vinafood) lý giải thêm, sở dĩ DN thích nhập khẩu muối hơn, vì muối nhập khẩu trong hạn ngạch rẻ hơn nhiều so với muối nội. Vì vậy, chỉ cần được nhập muối trong hạn ngạch là DN nắm chắc lãi lớn trong tay.
Nhiều ý kiến cho rằng, mâu thuẫn giữa DN hai ngành sẽ mãi mãi không được hóa giải nếu cơ chế điều hành nhập khẩu muối theo hạn ngạch kéo dài. Ông Phụng cho rằng, thiếu thì phải nhập khẩu, thừa cho xuất khẩu là chuyện đương nhiên. Tuy nhiên, nên quản lý nhập khẩu muối bằng thuế, chứ không nên bằng hạn ngạch bởi đã có cơ chế xin - cho ắt có tiêu cực.
Thuy Lien