Hội nghị trực tuyến toàn quốc tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết TW7 (khóa X)

Sáng 27/11, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc và Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Văn Bình chủ trì Hội nghị trực tuyến toàn quốc tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ 7, BCH Trung ương Khóa X về nông nghiệp, nông dân, nông thôn.

Dự Hội nghị tại điểm cầu Hà Tĩnh có: Chủ tịch UBND tỉnh Đặng Quốc Khánh, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh Nguyễn Thị Nữ Y, Chủ tịch UBMTTQ tỉnh Hà Văn Hùng.

Để quán triệt nội dung hội nghị quan trọng này, UBND tỉnh Hà Tĩnh đã tổ chức các điểm cầu ở tỉnh và 13 huyện, thị, thành phố.

 

Sau 10 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 7 về  nông nghiệp, nông dân, nông thôn, an ninh lương thực được đảm bảo: GDP ngành nông nghiệp năm 2017 đạt 2,66%, quy mô GDP của ngành tăng gấp 1,25 lần so với năm 2008; công nghiệp và dịch vụ ở nông thôn phát triển nhanh; 7,2 triệu lao động ở nông thôn được đào tạo nghề. Tính đến tháng 6/2018 có 3.346 xã đạt chuẩn NTM. Công nghiệp và dịch vụ ở nông thôn phát triển nhanh; cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động nông thôn chuyển đổi tích cực. Trình độ khoa học công nghệ trong nông nghiệp được đẩy mạnh một cách hiệu quả. Hạ tầng kỹ thuật nông nghiệp nông thôn được tăng cường. Sản xuất phát triển, đời sống của bà con nông dân được nâng lên.

Hội nghị cũng đã chỉ ra những tồn tại, hạn chế trong việc phát triển kinh tế nông thôn  không đồng đều, thiếu ổn định; cơ sở hạ tầng chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội; thu nhập của phần lớn của người nông dân vẫn còn thấp, tỷ lệ hộ nghèo vẫn cao, đặc biệt là vấn đề biến đổi khí hậu và ô nhiễm môi trường chưa được kiểm soát chặt chẽ…  

Bí thư Tỉnh ủy Lê Đình Sơn phát biểu tại hội nghị

 

Thảo luận tại hội nghị, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Lê Đình Sơn nhấn mạnh: Trong bối cảnh xuất phát điểm thấp, nhiều năm liên tục gặp thiên tai, bão lụt lớn nhưng Hà Tĩnh cụ thể hóa nội dung Nghị quyết 26 của BCH Trung ương Đảng bằng Nghị quyết 08-NQ/TU ngày 19/5/2009 của BCH Đảng bộ tỉnh, từ đó tạo đà cho phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn.

Từ chổ tăng trưởng 2,08% ở giai đoạn 2008 - 2012, đã tăng lên 4,87% giai đoạn 2013-2017. Quy mô giá trị sản xuất nông lâm thủy sản tăng gấp 3,79 lần so với 10 năm trước. Đời sống vật chất và tinh thần của cư dân nông thôn được nâng lên rõ rệt, thu nhập bình quân đầu người của Hà Tĩnh đạt 28 triệu đồng, tăng 4 lần so với năm 2008; tỷ lệ hộ nghèo từ 26,65% xuống còn 7,06%. Kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội được quan tâm đầu tư, nâng cấp, tạo diện mạo mới khang trang ở nhiều địa phương. Xây dựng nông thôn mới đạt kết quả toàn diện.

Đến cuối năm 2018 có Hà Tĩnh có 143 xã đạt chuẩn. Và là địa phương đi đầu cả nước về tiêu chí xây dựng khu dân cư nông thôn mới kiễu mẫu, vườn mẫu, phấn đấu đến cuối năm 2020 có 04 huyện đạt chuẩn huyện NTM  2 đơn vị thành phố và thị xã hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới.

Tại hội nghị đ/c Lê Đình Sơn cũng đã chia sẽ những cách làm hay, cách làm sáng tạo của Hà Tĩnh trong xây dựng NTM. Đồng thời, kiến nghị với Trung ương về một số nội dung như có cơ chế, chính sách để tích tụ ruộng đất sản xuất quy mô lớn, khuyến khích xã hội hóa đầu tư vào nông nghiệp - nông thôn - xây dựng nông thôn mới; Quan tâm Chương trình OCOP. Tăng cường đầu tư, hoàn thiện các thiết chế cấp xã và một số nội dung khác.

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc

 

Phát biểu kết luận hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng: Hiện nay đầu tư cho nông nghiệp còn khá thấp, bằng chứng là số doanh nghiệp đầu tư cho nông nghiệp trên cả nước chỉ chiếm 1%. Việc xây dựng nền nông nghiệp công nghệ cao còn khiêm tốn; an ninh, an toàn, môi trường nông thôn đang còn nhiều bất cập.

Thủ tướng nhấn mạnh: Trong bối cảnh hội nhập kinh tế toàn cầu, Việt Nam cần phải hướng tới xây dựng một nền nông nghiệp sạch, an toàn. Chính vì vậy, các địa phương tiếp tục bám sát mục tiêu của Nghị quyết Trung ương 7, đẩy mạnh quá trình tái cơ cấu, phát triển nông nghiệp theo hướng hiện đại; đẩy mạnh phát triển công nghiệp, dịch vụ, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động trong nông thôn. Xây dựng NTM toàn diện, bền vững gắn với đô thị hóa. Nâng cấp và hiện đại hóa kết cấu hạ tầng nông nghiệp, nông thôn. Đẩy mạnh xóa đói giảm nghèo, đảm bảo an sinh xã hội, nhất là ở các vùng sâu vùng xa, vùng đồng bào dân tộc. Phát triển y tế, giáo dục, văn hóa, đảm bảo an ninh tật tự, phát huy dân chủ ở nông thôn. Bảo vệ tài nguyên môi trường nông thôn, nâng cao khả năng thích ứng với biến đổi khí hậu, phòng chống thiên tai. Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực trong nông nghiệp, nôn thôn. Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, hiệu quả quản lý của nhà nước, phát huy vai trò của MTTQ và các đoàn thể chính trị - xã hội, sự tham gia của nhân dân trong phát triển nông nghiệp, nông thôn./.

Trường Biên/http://hatinhtv.vn