Huyện Quảng Ninh: Phát huy hiệu quả các nguồn lực

Nhờ nông thôn mới mà Quảng Ninh (Quảng Bình) có nhiều thay đổi, đặc biệt là chất lượng cuộc sống của người dân được nâng lên, thu nhập bình quân không ngừng được nâng cao, tỷ lệ hộ nghèo giảm nhanh…
 
tr2tt.jpg
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
Hệ thống kênh mương tại huyện Quảng Ninh được đầu tư xây dựng trên nguyên tắc Nhà nước và nhân dân cùng làm.

Vai trò chủ thể được xác định

Trong 8 năm XDNTM, huyện Quảng Ninh huy động được 889,316 tỷ đồng; trong đó, vốn nhà nước 589,38 tỷ đồng, người dân đóng góp 274,17 tỷ đồng, vốn lồng ghép 59,7 tỷ đồng, nguồn vốn khác 29,32 tỷ đồng. Đến nay,  9/14 xã đã đạt chuẩn NTM, tổng số tiêu chí của toàn huyện đạt 233 tiêu chí, cao hơn lúc bắt đầu triển khai (năm 2011) 175 tiêu chí, trung bình đạt 16,64 tiêu chí/xã.

Đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân được nâng lên rõ rệt. Năm 2018, thu nhập bình quân đạt 36,7 triệu đồng/người (năm 2011 là 20 triệu đồng/người); hộ nghèo đa chiều chỉ còn 6,3%.

Có được kết quả trên là do Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện Quảng Ninh đã đoàn kết, năng động, sáng tạo, huy động mọi nguồn lực tham gia XDNTM, dân chủ cơ sở được phát huy; ý thức và trách nhiệm làm chủ của người dân được nâng lên.

Để đẩy mạnh phát triển sản xuất, Quảng Ninh đã triển khai công tác dồn điền đổi thửa đất nông nghiệp trên toàn huyện giai đoạn 2014 - 2016. Sau dồn điền đổi thửa, số thửa/hộ giảm từ 3,31 xuống còn 2,13, qua đó tạo điều kiện để đưa cơ giới hóa, áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, nâng cao năng suất, sản lượng, giảm chi phí cho nông dân. 

Trong quá trình triển khai XDNTM, Quảng Ninh đã nâng cao nhận thức và tinh thần trách nhiệm với cộng đồng làng xã và với chính bản thân người dân nông thôn. Sau 8 năm triển khai XDNTM, người dân Quảng Ninh đã xác định rõ vai trò chủ thể của mình trong XDNTM.

Phát huy tinh thần chủ thể của người dân

Đến Võ Ninh, xã đạt chuẩn NTM năm 2016, dễ dàng nhận thấy bộ mặt nông thôn nơi đây đã thực sự đổi thay. Đảng bộ, chính quyền và nhân dân đã đoàn kết, nỗ lực thực hiện để hoàn thành các tiêu chí NTM, tạo diện mạo mới cho vùng quê vốn còn nhiều khó khăn trước đây.

Chia sẻ kinh nghiệm rút ra trong quá trình triển khai, ông Nguyễn Minh, Chủ tịch UBND xã Võ Ninh, cho biết: Để hoàn thành các tiêu chí NTM, công tác tuyên truyền, vận động, giải thích cho người dân phải được đặt lên hàng đầu, bởi khi người dân hiểu và hưởng ứng thì khó khăn nào cũng có thể vượt qua. Đồng thời, phải thực hiện tốt quy chế dân chủ ở cơ sở, phát huy tinh thần chủ thể của người dân, dân đóng góp, dân làm, dân kiểm tra, tạo sự đồng bộ, thống nhất từ các cấp chính quyền đến người dân ở các thôn xóm.

Năm 2011, thời điểm triển khai XDNTM, thu nhập bình quân đầu người tại xã đạt 18 triệu đồng; năm 2015 tăng  27,5 triệu đồng; năm 2018 đạt 37 triệu đồng/người. Hàng năm giảm  1 - 2% số hộ nghèo; năm 2016, số hộ nghèo chiếm 5,53%, đến hết năm 2018 giảm còn 3,44%, hộ cận nghèo giảm còn 5,33%...

Chủ tịch UBND huyện Quảng Ninh Phạm Trung Đông cho biết: “Đến nay, XDNTM ở huyện thực sự đã trở thành  phong trào lan tỏa đến từng người dân. Người dân đã nhận thức được vai trò của mình trong XDNTM, từ đó tự nguyện đóng góp thời gian, công sức, vật chất để thực hiện các tiêu chí NTM. Để từng bước hoàn thành các tiêu chí NTM, Quảng Ninh đã và đang tranh thủ nhiều nguồn lực, lồng ghép các chương trình, ưu tiên đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng cơ sở, phát triển kinh tế nông - lâm nghiệp, thủy sản, ngành nghề tiểu thủ công nghiệp. 
https://kinhtenongthon.vn/huyen-quang-ninh-phat-huy-hieu-qua-cac-nguon-luc-post28792.html                           

 Theo Đức Sơn/kinhtenongthon.vn