Tạo dựng thương hiệu vùng trồng rau an toàn

Nhờ tập trung đầu tư, phát triển trồng rau an toàn và thực hiện nghiêm ngặt quy trình sản xuất nên từ nhiều năm nay, rau an toàn của huyện Gia Lâm đã tạo dựng được thương hiệu, góp phần tích cực trong việc bảo vệ sức khỏe, bảo đảm an toàn thực phẩm cho từng bữa ăn gia đình.
Một vùng trồng rau an toàn huyện Gia Lâm. Ảnh: Thành Nam

Thực hiện Đề án "Phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hóa theo vùng nông nghiệp chuyên canh huyện Gia Lâm, giai đoạn 2016-2020”, thời gian qua, nhiều xã của huyện Gia Lâm đã tập trung phát triển vùng trồng rau an toàn, hướng tới năng suất, chất lượng và nâng cao giá trị gia tăng của sản phẩm.

Với 5.600 ha đất nông nghiệp, huyện Gia Lâm (Hà Nội) đã quy hoạch vùng sản xuất chuyên canh rau an toàn gần 400 ha theo hướng VietGAP. Mỗi năm, huyện cung cấp cho thị trường khoảng 80.000 tấn rau các loại, cho thu nhập bình quân từ 300-400 triệu đồng/ ha/năm, cao hơn trồng lúa từ 1-2 lần.

Trước đây, vùng đất canh tác của xã Đặng Xá (Gia Lâm) chủ yếu trồng rau, củ quả truyền thống. Từ năm 2002, Hợp tác xã được Chi cục Bảo vệ thực vật Hà Nội (Sở NN&PTNT) hỗ trợ, hướng dẫn cho 24 hộ nông dân kỹ thuật chăm sóc rau, cách sử dụng thuốc bảo vệ thực vật sinh học trên diện tích 2ha. Sau một năm, các xã viên Hợp tác xã đã thấy được hiệu quả sản phẩm rau củ quả phát triển tốt, chống chịu sâu bệnh, an toàn và còn được Chi cục Bảo vệ thực vật hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm. Thời gian sau, số hộ xã viên tham gia làm rau an toàn nhiều hơn. Đến năm 2014, Đặng Xá có 90ha canh tác được cấp chứng nhận vùng đủ điều kiện sản xuất rau an toàn với hơn 400 hộ xã viên tham gia...

Với ưu điểm gần vùng nội thành, có thị trường tiêu thụ lớn, cùng với sự hỗ trợ của Chi cục Bảo vệ thực vật và nông dân nâng cao trách nhiệm, nên rau an toàn Đặng Xá sản xuất ra bao nhiêu, bán hết bấy nhiêu. Thậm chí, có những hộ chỉ chuyên trồng bắp cải, cũng cho thu nhập cao.

Không chỉ tại Đặng Xá, là vùng chuyên canh rau của huyện Gia Lâm, xã Yên Thường chủ yếu trồng các loại rau cải, rau ăn lá và rau gia vị, tập trung ở các thôn: Xuân Dục, Yên Khê, Trùng Quán... Nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm vùng trồng rau, hằng năm, xã Yên Thường được Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Hà Nội, Phòng Kinh tế huyện Gia Lâm hỗ trợ kỹ thuật chăm sóc, cách sử dụng thuốc bảo vệ thực vật sinh học, cách ngâm đậu tương để bón rau, giúp bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm và bổ sung dinh dưỡng cho đất...

Năm 2015, vùng trồng rau của Yên Thường được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất rau an toàn với diện tích 39,53ha. Năm 2017, xã được cấp lại giấy chứng nhận trên tổng diện tích 41,72ha. Từ khi sản xuất rau theo quy trình an toàn, thu nhập bình quân của người dân trồng rau trên địa bàn xã đạt khoảng 300 triệu đồng/ha/năm.

Tương tự, vùng trồng rau của xã Yên Viên có 22ha, chia thành 3 vùng: Vùng trồng rau ăn lá tại thôn Lã Côi; vùng rau gia vị ở thôn Yên Viên; vùng trồng rau muống tiến vua, măng tây, bí cô tiên ở thôn Ái Mộ và Kim Quan. Điểm đặc biệt ở Yên Viên là nông dân tự sản xuất bộ hạt giống rau cải, muống, bí... để canh tác, đồng thời cung cấp cho nhiều địa phương khác.

Ông Nguyễn Ngọc Thuần, Phó Chủ tịch UBND huyện Gia Lâm cho biết, trong thời gian tới, huyện sẽ tiếp tục tập trung thực hiện đề án phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hóa theo vùng nông nghiệp chuyên canh, thực hiện quy hoạch các vùng sản xuất nông nghiệp. Tăng cường công tác thông tin tuyên truyền chủ trương, chính sách hỗ trợ khuyến khích phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hóa của Thành phố và của huyện tới các hộ nông dân, các cơ sở sản xuất nông nghiệp, các trang trại để thu hút đầu tư phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng hàng hóa tập trung chất lượng cao.

Năm 2019, huyện Gia Lâm phấn đấu hỗ trợ các vùng chuyên canh rau an toàn xây dựng mới 1 mô hình liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm; hỗ trợ 2 hệ thống truy xuất nguồn gốc nông sản QR code; triển khai 4 nhóm mô hình tiến bộ kỹ thuật tại các vùng chuyên canh; mở rộng các diện tích được cấp chứng nhận theo tiêu chuẩn VietGAP… để góp phần khai thác, sử dụng hiệu quả đất nông nghiệp, từng bước hình thành các vùng chuyên canh theo quy hoạch phát triển nông nghiệp bền vững, từ đó, nâng cao chất lượng sản phẩm, tăng sản lượng, thêm đầu mối tiêu thụ ổn định để nâng cao thu nhập cho nông dân.

Đồng thời, gắn phát triển sản xuất hàng hóa của vùng chuyên canh với thị trường, khuyến khích sản xuất hàng hóa theo hợp đồng bao tiêu sản phẩm, tăng cường các hoạt động quảng bá, giới thiệu sản phẩm và xúc tiến đầu tư hàng nông sản thực phẩm.

Theo Thành Nam/thanglong.chinhphu.vn