Trang trại hữu cơ tiên phong của Hà Nội

Trang trại hữu cơ tiên phong của Hà Nội
Ra đời từ năm 2008, Trang trại hữu cơ Tuệ Viên, phường Cự Khối, quận Long Biên, được xem là đơn vị đi tiên phong trong sản xuất rau hữu cơ của Hà Nội.

Có thể nói, 10 năm về trước, khi bắt tay cải tạo 2ha đất hoang hóa ở ngoài đê sông Hồng (phường Cự Khối), quận Long Biên để canh tác rau hữu cơ, không hề đơn giản, do trước đây khu vực này là lò gạch thủ công. Vì vậy, việc cải tạo đất, xây dựng lại hệ sinh thái mất rất nhiều thời gian và công sức.

img_55591.JPG

  Chủ tịch I FOAM châu Á thăm nông trại 

Bà Nguyễn Thanh Phương, cán bộ phụ trách kinh doanh Công ty Việt Liên, cho biết: “Để cải tạo một nông trại đầy cỏ lác, cây dại và ô nhiễm như vậy phải mất 4 năm, đây cũng là khoảng thời gian để Tuệ Viên khôi phục lại hệ sinh thái. Do không sử dụng hóa chất trong thời gian dài, các sinh vật như cóc, nhái, ễnh ương, chim sâu đã quay về sinh sống cùng nhau trong một khu  vườn”.

Theo đó, các loại rau hữu cơ của nông trại chủ yếu là giống bản địa, theo mùa vụ như: cải mào gà, cải dưa Đông Dư, xu hào, rau muống, mồng tơi, rau dền và rau chùm ngây, nhập khẩu giống Ấn Độ cách đây 7 năm. 

img_5557.JPG

Trẻ em thăm nông trại hữu cơ Tuệ Viên

Phân bón cho rau được ủ từ cỏ, các phụ phẩm nông nghiệp có trong trang trại; phân trùn quế, đậu tương. Để tiêu diệt sâu bọ, có các loài thiên địch như: rắn bắt chuột, kiến bắt rệp, chim bắt sâu. Mặt khác, nông trại còn tự chế các phụ phẩm từ tỏi, ớt, gừng, lá xoan để trừ sâu bệnh hại.

Ngoài ra, còn có hoa hồng, hướng dương, cúc vạn thọ, hương nhu để dẫn dụ ong, bướm; cây xua đuổi côn trùng có: sả, chanh, hành, hẹ. Mặt khác, còn trồng xen canh, luân canh các loại cây có tầng, tán; cây ưa ánh sáng nằm trên, ưa bóng mát nằm dưới, ví như đậu sa chi, tầng trên, các loại cải, mùi tàu ở dưới.    

Hiện, các sản phẩm của nông trại đã đứng vững trong lòng người dân Thủ đô trên 10 năm qua và ngày càng mở rộng. Đầu ra là một số cửa hàng tiện ích, khách hàng nội thành Hà Nội, và người dân quanh vùng, lấy rau thường xuyên trong tuần, hoặc điện thoại sẽ được nhân viên phục vụ tại nhà.   

Bà Ngô Phương Thảo, số 373 phố Đội Cấn, quận Ba Đình (Hà Nội), cho biết, bà dùng rau hữu cơ của Tuệ Viên từ năm 2011 đến nay. Những năm đầu, rau chưa phong phú, chỉ có 1 vài loại truyền thống, trồng theo mùa. Vả lại cây rau còn cứng, có lẽ do đất mới được cải tạo.

“Song, tôi vẫn chung thuỷ với rau hữu cơ của Tuệ Viên từ bấy đến nay. Theo đó, đều đặn mỗi tuần chúng tôi tiêu thụ 200.000 đồng các loại  rau của nông trại. Bao gồm, các loại rau ăn lá, rau muống, rau ngót Nhật; dền cơm, bí, dền đỏ; củ dền, khoai sọ…

Tuy nhiên, nông trại chưa có các loại rau dưới nước như: cải xoong, cần; giá cả vừa phải, ổn định. Đặc biệt, khi bị hư hỏng do ảnh hưởng của thời tiết, nông trại có phương án giữ giá cho khách hàng” – Bà Thảo chia sẻ.    

Hiện, đội ngũ công nhân của Tuệ Viên có 10 người, trả lương quanh năm, từ 6 – 6,5 triệu đồng/người/tháng, trong đó 70% chi phí công làm cỏ bằng tay. Ngoài ra, vào thời vụ còn phải thuê thêm 10 – 15 người, tiền công 150 – 200.000 đồng/người/ngày.

Giám đốc Nông trại hữu cơ Tuệ Viên, bà Nguyễn Thị Phương Liên cho biết: “Cái được lớn nhất của sản xuất rau hữu cơ là thay đổi thái độ, hành vi tiêu dùng của xã hội, để mọi người cùng chung tay bảo vệ hệ sinh thái, gắn với sản xuất bền vững, đảm bảo sức khỏe người tiêu dùng”.  

Theo Dương An Như/Kinhtenongthon.vn